Đông Nam Bộ: Vùng đất địa lý 'vàng' và di sản văn hóa phong phú

Sở hữu vị trí địa lý vàng cùng di sản văn hóa phong phú, Đông Nam Bộ được đánh giá là vùng đất tiềm năng để phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và đi vào chiều sâu, chất lượng, có khả năng cạnh tranh cao trong khu vực.

Nơi tập trung của các vùng kinh tế trọng điểm

Khu vực Đông Nam Bộ bao gồm: Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) và các tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh. Trong đó, TP.HCM là đô thị lớn nhất cả nước, đóng vai trò đầu tàu kinh tế, thu hút một lượng lớn dân cư và du khách. Sự tập trung đông đúc này tạo ra nhu cầu lớn về dịch vụ du lịch, đồng thời cũng là nguồn khách nội địa tiềm năng cho các địa phương trong vùng.

Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Nai, với sự phát triển mạnh mẽ của các ngành công nghiệp, thu hút nhiều lao động từ các tỉnh thành khác. Điều này tạo ra một thị trường du lịch nội địa sôi động và nhu cầu nghỉ dưỡng cao.

TP.HCM là đô thị lớn nhất cả nước, đóng vai trò đầu tàu kinh tế, thu hút một lượng lớn dân cư và du khách.

TP.HCM là đô thị lớn nhất cả nước, đóng vai trò đầu tàu kinh tế, thu hút một lượng lớn dân cư và du khách.

Kết nối dễ dàng

Khu vực Đông Nam Bộ có thể dễ dàng kết nối với các tỉnh thành khác trong khu vực và quốc tế. Cửa ngõ phía Tây nối với các nước Campuchia, Thái Lan, Malaysia thông qua mạng lưới đường bộ xuyên Á. Phía Đông có hệ thống cảng biển TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thị Vải - là cửa ngõ giao thương quan trọng, thu hút du khách quốc tế và phát triển du lịch biển. Kết hợp với sân bay quốc tế Long Thành sắp đi vào hoạt động, khả năng kết nối của vùng với các thị trường quốc tế sẽ nâng cao đáng kể.

Đông Nam Bộ sở hữu khả năng kết nối mạnh mẽ với các tỉnh thành trong nước và quốc tế.

Đông Nam Bộ sở hữu khả năng kết nối mạnh mẽ với các tỉnh thành trong nước và quốc tế.

Địa hình đa dạng

Các chuyên gia nhận định rằng, Đông Nam Bộ là vùng đất gây ấn tượng với sự đa dạng về địa hình. Nơi đây sở hữu đường bờ biển dài tới 350km với nhiều bãi tắm đẹp (Vũng Tàu, Long Hải, Côn Đảo), những khu rừng nguyên sinh (rừng ngập mặn Cần Giờ; hệ thống các Vườn Quốc gia: Nam Cát Tiên (Đồng Nai), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Bù Gia Mập (Bình Phước), Lò Gò - Xa Mát (Tây Ninh)..., các dãy núi hùng vĩ (núi Dinh - Vũng Tàu); núi Chứa Chan - Đồng Nai) cùng hệ thống sông hồ phong phú sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông, sông Đồng Nai, hồ Dầu Tiếng, hồ Trị An, hồ Thác Mơ),...

Tất cả đã tạo nên một bức tranh bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, mang đến những trải nghiệm du lịch độc đáo mà còn mở ra nhiều tiềm năng phát triển các sản phẩm du lịch mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.

Bãi biển Vũng Tàu thu hút khách du lịch.

Bãi biển Vũng Tàu thu hút khách du lịch.

Di sản văn hóa phong phú

Trải qua hơn 300 năm hình thành và phát triển, Đông Nam Bộ sở hữu nhiều nét văn hóa độc đáo cùng kho tàng di tích lịch sử - văn hóa phong phú. Đây cũng là nền tảng để hình thành nhiều sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch gắn với di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh Trần Thế Thuận cho biết: Trên địa bàn Thành phố có 185 di tích lịch sử - văn hóa; trong đó có 60 di tích quốc gia đặc biệt và cấp quốc gia. Các di tích như: Dinh Độc Lập, Bến Nhà Rồng, Khu Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi, Nhà thờ Đức Bà, chợ Bến Thành… đã trở thành điểm đến du lịch.

Theo thông tin từ Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, toàn tỉnh có hệ thống di tích lịch sử, văn hóa cùng các di sản văn hóa phi vật thể rất đa dạng. Tiêu biểu nhất phải kể đến các lễ hội truyền thống như: Lễ giỗ bà Phi Yến, Lễ giỗ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, Lễ hội Nghinh Ông tại đình Thắng Tam, Lễ hội Miếu Bà Ngũ Hành, Lễ hội Trùng Cửu, Lễ hội Dinh Cô, Lễ giỗ Ông Trần - Nhà Lớn Long Sơn… Qua những lễ hội này, sự giao thoa màu sắc văn hóa truyền thống của cả ba miền Bắc - Trung - Nam được thể hiện vô cùng độc đáo.

Không chỉ có vậy, Đông Nam Bộ còn sở hữu hệ thống các làng nghề phong phú và đa dạng, trải đều ở khắp các tỉnh, thành như: làng cá Phước Hải, làng bánh tráng An Ngãi, mỹ nghệ sò ốc Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu); làng gốm Biên Hòa, làng bưởi Tân Triều, dệt thổ cẩm Tà Lài (Đồng Nai); làng nghề bánh tráng Trảng Bàng, làm muối tôm ở Gò Dầu, Trảng Bàng (Tây Ninh)...

Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ.

Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ.

Trên cơ sở tiềm năng về địa lý và văn hóa, khu vực Đông Nam Bộ đã phát huy thế mạnh, hình thành, khai thác nhiều điểm đến, sản phẩm du lịch phục vụ du khách. Từng địa phương đều có những điểm đến ghi đậm dấu ấn, thể hiện bản sắc vùng đất, con người.

Với những nỗ lực không ngừng, Đông Nam Bộ hứa hẹn sẽ trở thành một trong những trung tâm du lịch hàng đầu của khu vực và thế giới. Theo Quy hoạch phát triển vùng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, lĩnh vực du lịch của Đông Nam Bộ được xác định phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và đi vào chiều sâu, chất lượng, có khả năng cạnh tranh cao trong khu vực.

Phong Vân

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/suy-ngam/dong-nam-bo-vung-dat-dia-ly-vang-va-di-san-van-hoa-phong-phu-c8a88631.html
Zalo