Phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao gắn với xây dựng thương hiệu du lịch
Một trong những định hướng phát triển du lịch của tỉnh Thanh Hóa trong tình hình mới là phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao gắn với xây dựng thương hiệu du lịch. Qua đó không chỉ góp phần nâng mức chi tiêu của du khách mà còn góp phần định vị hình ảnh, thương hiệu du lịch Thanh Hóa trên bản đồ du lịch quốc gia.
Nổi bật nhất phải kể đến là sản phẩm du lịch biển, với việc làm mới sản phẩm và đưa vào khai thác các tổ hợp vui chơi, giải trí đẳng cấp trong thời gian gần đây đã đưa xứ Thanh trở thành “điểm sáng” tại khu vực phía Bắc và Bắc Trung bộ. Nhiều sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch hấp dẫn, quy mô lớn đã được tổ chức tại các trọng điểm du lịch biển của tỉnh như TP Sầm Sơn, thị xã Nghi Sơn và huyện Hoằng Hóa. Cùng với lễ khai trương du lịch biển và chuỗi sự kiện bên lề thường niên, nhiều hoạt động mới như: hoạt động hoạt náo và diễu hành đường phố; lễ hội tình yêu; lễ hội carnival đường phố; diễu hành mô tô phân khối lớn; chương trình nghệ thuật thứ 7 hàng tuần SunFest; nhạc nước tại quảng trường biển Sầm Sơn... góp phần làm phong phú thêm trải nghiệm của du khách. Đặc biệt, nhiều sản phẩm bổ trợ, tổ hợp nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí đẳng cấp tại các trọng điểm du lịch biển của tỉnh đã được đưa vào khai thác, phục vụ du khách trong thời gian gần đây. Điển hình phải kể đến Quần thể du lịch nghỉ dưỡng biển FLC Sầm Sơn, Quảng trường biển và trục cảnh quan lễ hội TP Sầm Sơn, Công viên nước SunWorld... (TP Sầm Sơn); tổ hợp nghỉ dưỡng Anh Phát Hotels & Resorts, tour du lịch Nghi Sơn - Đảo Mê (thị xã Nghi Sơn); tổ hợp nghỉ dưỡng Flamingo Ibiza Hải Tiến (Hoằng Hóa)... đã góp phần nâng tầm điểm đến và định vị thương hiệu sản phẩm du lịch biển xứ Thanh.
Ông Nguyễn Hoàng Trung, Phó Giám đốc Saigontourist chi nhánh Đồng Nai cho biết: "Sau chuyến famtrip (tháng 11/2024) chúng tôi nhận thấy sản phẩm du lịch biển Thanh Hóa có sự thay đổi lớn chỉ trong một thời gian ngắn. Đặc biệt là hệ thống giao thông, cơ sở vật chất ở các khu du lịch biển khá đồng bộ và thuận tiện. Từ đầu năm đến nay, Saigontourist đã đưa khoảng 3.000 lượt khách đến Thanh Hóa, trong đó các đoàn khách lớn chủ yếu lựa chọn du lịch biển bởi đáp ứng được sức chứa và các dịch vụ khác. Đối với các chương trình dành cho khách lẻ từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đông Nam bộ đến Thanh Hóa, có những chương trình trải nghiệm các khu du lịch biển kéo dài 4 ngày 3 đêm, song vẫn được du khách đón nhận và đánh giá cao về tính hấp dẫn.
Cùng với sản phẩm du lịch biển, sản phẩm du lịch văn hóa ngày càng được đông đảo du khách đón nhận bởi giá trị đặc sắc trong từng điểm đến. Những năm gần đây, nhiều dự án đầu tư, tu bổ di tích đã được triển khai thực hiện, góp phần nâng cao giá trị di tích, hình thành nên các điểm đến hấp dẫn. Đến nay, hành trình khám phá xứ Thanh đã trở nên quen thuộc với các điểm đến như: Khu Di tích lịch sử Lam Kinh (Thọ Xuân), Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc), Di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật đền Bà Triệu (Hậu Lộc), Di tích lịch sử đền Nưa - Am Tiên (Triệu Sơn)...
Tại huyện Thọ Xuân, cách Khu Di tích lịch sử Lam Kinh chỉ khoảng 10 phút di chuyển, du khách sẽ đến với Khu nghỉ dưỡng Lamori Resort & Spa. Đây là khu nghỉ dưỡng đẳng cấp, với quy mô hơn 54ha, gồm 84 bungalow và villas, mới được đưa vào vận hành, khai thác trong thời gian gần đây. Giám đốc Khu nghỉ dưỡng Lamori Resort & Spa Lê Văn Ba cho biết: “Sau khi hoàn thành giai đoạn 1, cuối năm 2024 khu nghỉ dưỡng đã bắt đầu đón một số đoàn khách đến trải nghiệm dịch vụ và vận hành thử. Với lối kiến trúc và dịch vụ đẳng cấp, sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm hoàn toàn khác biệt giữa không gian xanh, thư giãn. Đặc biệt, Lamori Resort & Spa còn thu hút du khách và khẳng định giá trị bởi điểm đến gắn liền với Khu Di tích lịch sử Lam Kinh và dấu ấn văn hóa, lịch sử của vùng đất. Chúng tôi kỳ vọng sẽ đưa Lamori Resort & Spa trở thành “kinh đô” nghỉ dưỡng trong thời gian tới, góp phần định vị hình ảnh điểm đến và nâng tầm thương hiệu du lịch văn hóa xứ Thanh”.
Đối với sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng, việc phát triển trở thành sản phẩm chất lượng cao đang có nhiều lợi thế. Trước hết là bởi cảnh quan thiên nhiên và giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số, tạo nên điểm nhấn đặc trưng và sự khác biệt so với các điểm đến khác. Đây cũng chính là sản phẩm “được lòng” du khách quốc tế bởi nhiều trải nghiệm thú vị như: trekking tour, chèo bè tre, leo núi, cắm trại, tìm hiểu đa dạng sinh học, khám phá thiên nhiên... Các hoạt động này tập trung chủ yếu tại Vườn quốc gia Bến En và các khu, điểm du lịch tại các Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Pù Hu, Xuân Liên.
Ngoài ra, việc vận hành và khai thác một số sản phẩm mới như: du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo); du lịch nông trại; du lịch gắn với phát triển kinh tế đêm; tuyến du lịch làng cổ Đông Sơn; tuyến phố đi bộ Phan Chu Trinh và không gian văn hóa Quảng trường Lam Sơn... bước đầu thu hút sự quan tâm của đông đảo khách du lịch, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch của tỉnh.
Theo nhận định của các chuyên gia du lịch, để xây dựng thành công thương hiệu du lịch, việc phát triển các sản phẩm du lịch chất lượng cao là yêu cầu tất yếu. Bởi thực tế, các sản phẩm, dịch vụ du lịch “bình dân” chỉ góp phần đa dạng hóa sản phẩm và đáp ứng nhu cầu của một bộ phận du khách, trong khi đó yếu tố để xây dựng thương hiệu đòi hỏi sản phẩm du lịch mang giá trị đặc trưng, chất lượng và đẳng cấp. Chính vì vậy, cùng với tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm hiện có, tỉnh Thanh Hóa đã, đang chú trọng phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới, với định hướng: tránh trùng lắp, tạo khác biệt, có tính bền vững và sức cạnh tranh cao.