Đồng Nai vẫn loay hoay 'đại phẫu' Khu công nghiệp Biên Hòa 1

Dù đã ban hành kế hoạch chi tiết di dời Khu công nghiệp Biên Hòa 1, song gần 1 năm nay, tỉnh Đồng Nai vẫn loay hoay trong việc hỗ trợ di dời, nên tiến độ 'đại phẫu' khu công nghiệp này rất chậm.

Khu công nghiệp Biên Hòa 1 hiện vẫn còn nhiều nhà máy hoạt động (Ảnh: Lê Toàn)

Khu công nghiệp Biên Hòa 1 hiện vẫn còn nhiều nhà máy hoạt động (Ảnh: Lê Toàn)

“Phá sản” kế hoạch di dời giai đoạn I

Việc di dời 14 công ty trong kế hoạch di dời Khu công nghiệp Biên Hòa 1, giai đoạn I coi như “phá sản”, khi chỉ còn vài ngày nữa là kết thúc năm 2014 - thời hạn phải hoàn thành công việc này.

Theo Đề án Di dời các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Biên Hòa 1 được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt tháng 2/2024, có 76 doanh nghiệp phải di dời, chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn I, hoàn thành tháng 12/2024, sẽ di dời giải phóng mặt bằng toàn bộ đối với 10 công ty và một phần diện tích của 4 công ty khác. Còn giai đoạn II (hoàn thành trước tháng 12/2025), sẽ di dời toàn bộ các doanh nghiệp còn lại.

Kết quả cập nhật tiến độ của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai cho thấy, giai đoạn I còn 10 doanh nghiệp chưa có kế hoạch di dời, tức là kế hoạch hoàn thành di dời giai đoạn I coi như “phá sản”.

Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (Đồng Nai) là nơi đầu tiên trên cả nước thực hiện di dời, chuyển công năng vì ô nhiễm môi trường. Theo Đề án Di dời các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Biên Hòa 1 được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt, có 76 doanh nghiệp phải di dời.

Ước tính tổng chi phí hỗ trợ bồi thường cho doanh nghiệp để giải phóng mặt bằng là hơn 7.500 tỷ đồng. Ngoài ra, cần thêm 1.270 tỷ đồng để hỗ trợ chi phí ổn định đời sống cho người lao động, chi phí đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp sau khi di dời.

Còn giai đoạn II, mới có 3 doanh nghiệp có kế hoạch di dời và còn hàng chục doanh nghiệp chưa có kế hoạch di dời. Nguyên nhân chính khiến việc di dời Khu công nghiệp Biên Hòa 1 chưa thể thực hiện được do chính quyền tỉnh Đồng Nai chưa ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động khi thực hiện di dời.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đầu tư về việc chậm ban hành chính sách hỗ trợ người lao động khi doanh nghiệp phải di dời, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai cho biết, qua khảo sát và thống kê của Sở, hiện còn 936 lao động làm việc tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1 mà không di chuyển theo doanh nghiệp đến địa mới. Hầu hết công nhân ở lại đề xuất các chính sách hỗ trợ như được hưởng bảo hiểm thất nghiệp khi chưa tìm được việc mới, đề nghị giới thiệu việc mới, hỗ trợ việc chuyển đổi nghề…

Bà Hiền cho biết, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã có phương án hỗ trợ như kết nối với các doanh nghiệp đang cần tuyển dụng để giới thiệu người lao động đến làm việc; người lao động muốn học nghề sẽ được hỗ trợ học nghề miễn phí trong 6 tháng; nếu có nhu cầu vay vốn để giải quyết việc làm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội giải quyết từ quỹ giải quyết việc làm.

“Với những chính sách mà công nhân đề xuất, tỉnh Đồng Nai đang thực hiện theo các quy định hiện hành, nên không cần thiết phải xây dựng chính sách riêng hỗ trợ người lao động khi di dời Khu công nghiệp Biên Hòa 1”, bà Hiền nói.

Theo bà Hiền, có hơn 30 công nhân kiến nghị cho hưởng lương hưu khi nghỉ việc do công ty di dời đến địa điểm mới, dù chưa đến tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, việc này không thuộc thẩm quyền của tỉnh.

Đề xuất điều chỉnh kế hoạch

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, các doanh nghiệp hoạt động tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1 đều thống nhất với chủ trương di dời, nhưng đề nghị tỉnh Đồng Nai phải có chính sách hỗ trợ, như giới thiệu vị trí mới phù hợp, hỗ trợ chi phí di dời, chi phí tuyển dụng lao động và phải có lộ trình di dời để doanh nghiệp lên kế hoạch.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đầu tư, ông Trần Vũ Hoài Hạ, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai cho biết, vướng mắc lớn nhất hiện nay trong việc di dời Khu công nghiệp Biên Hòa 1 là chưa có căn cứ pháp lý để xây dựng cơ chế, chính sách riêng hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động khi di dời, mà tất cả đều được áp dụng bởi các quy định của pháp luật chung hiện hành.

“Do việc di dời khu công nghiệp chưa có tiền lệ, các chính sách, cơ chế hỗ trợ đi kèm cũng mới, có thể phải xin ý kiến các bộ, ngành Trung ương, nên tiến độ xây dựng cơ chế, chính sách chưa đạt tiến độ đề ra”, ông Hạ nói.

Do tiến độ di dời giai đoạn I “phá sản”, nên Sở Kế hoạch Đầu tư kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai xem xét thay đổi lộ trình thực hiện di dời giai đoạn I và gộp chung với giai đoạn II là hoàn thành di dời vào cuối năm 2025.

Liên quan chính sách bồi thường, hỗ trợ doanh nghiệp khi di dời Khu công nghiệp Biên Hòa 1, tại buổi họp báo ngày 17/12/2024, trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai cho biết, Sở đã soạn dự thảo chính sách bồi thường và phải chỉnh sửa nhiều lần. “Dự thảo đang trình UBND tỉnh để xin chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét. Sau khi được phê duyệt sẽ công bố rộng rãi để người dân và doanh nghiệp biết và thực hiện”, ông Thường thông tin.

Lê Quân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/dong-nai-van-loay-hoay-dai-phau-khu-cong-nghiep-bien-hoa-1-d235826.html
Zalo