Đồng Nai từ thời chưa tách tỉnh

Không nhiều người biết quần đảo Trường Sa, Vũng Tàu, Cần Giờ từng thuộc về Đồng Nai; gần hơn là các địa danh nổi tiếng Bà Rịa, Long Hải, suối nước nóng Bình Châu, khu du lịch Hồ Tràm, cảng nước sâu Cái Mép... thuộc 3 huyện phía Đông là Châu Thành, Long Đất và Xuyên Mộc của tỉnh Đồng Nai trước năm 1991.

Xin hạn định lại nội dung chính là từ thời chưa tách 3 huyện phía Đông là Châu Thành, Long Đất, Xuyên Mộc để nhập vào đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo thành tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Còn chuyện tách nhập là câu chuyện rất dài. Như Biên Hòa là một trong lục tỉnh từ giáp ranh Bình Thuận tới mũi Cà Mau, trong Gia Định Thành thông chí, Trịnh Hoài Đức viết Biên Hòa có 1 phủ Phước Long (nên đoạn sông Đồng Nai qua Biên Hòa có tên là Phước Long Giang) và 4 huyện Phước Chánh, Bình An, Phước An, Long Thành; nay nhiều địa danh thay đổi địa giới, có tên biến mất như Phước Chánh.

Đời sống chính trị - kinh tế - xã hội phát triển, việc thay đổi địa giới hành chính để phát triển, vì lợi ích chung là yêu cầu khách quan.

Năm 1951 trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, các tỉnh sáp nhập cho phù hợp điều kiện chiến đấu mới và tỉnh Thủ Biên được thành lập gồm 7 huyện: Hớn Quản, Lái Thiêu, Bến Cát, Thủ Đức, Tân Uyên, Vĩnh Cửu và Xuân Lộc và 2 thị xã Biên Hòa và Thủ Dầu Một. Hoặc như từ tháng 6-1973, theo yêu cầu trong kháng chiến chống Mỹ, Biên Hòa tách làm 2 gồm Thành phố Biên Hòa và Biên Hòa nông thôn. Biên Hòa nông thôn có các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Thống Nhất, Tân Uyên, Vĩnh Cửu và Cần Giờ. Sau năm 1975, huyện Cần Giờ vẫn thuộc Đồng Nai. Đến ngày 19-12-1978 mới tách Cần Giờ, lúc đó có tên là huyện Duyên Hải, nhập vào Thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 10-1973, thành lập tỉnh căn cứ Tân Phú, gồm Tân Uyên, Định Quán và Phú Giáo, đến năm 1984, ngang qua thị trấn Định Quán vẫn còn bảng hiệu ghi “tỉnh Tân Phú”.

Mọi sự tách, nhập đều vì lợi ích toàn dân, phù hợp yêu cầu khách quan trong tình hình cụ thể.

Từ kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa VIII, năm 1991, 3 huyện: Châu Thành, Long Đất và Xuyên Mộc được chuyển cho Bà Rịa - Vũng Tàu. Thời điểm này, huyện Châu Thành có thị trấn Bà Rịa và 18 xã, diện tích 811,91km2. Nhiều xã được biết đến trong đời sống kinh tế - xã hội như Long Hương, Bình Giã (có trận Bình Giã trong kháng chiến chống Mỹ và là nơi xuất quân bộ đội Campuchia giải phóng Campuchia), Hòa Long, Ngãi Giao, Xà Bang (có nông trường cao su Xà Bang được phong danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới).

Huyện Long Đất thời điểm chia tách có hơn 265km2, 2 thị trấn là Long Điền và Long Hải; một số xã nghe đến nhiều như Phước Hải, Phước Tỉnh, Phước Long Thọ... Địa lý lịch sử ghi rõ, quần đảo Trường Sa năm 1976 còn thuộc về huyện Long Đất của Đồng Nai, đến 28-12-1982 mới cắt chuyển về cho tỉnh Phú Khánh.

Huyện Xuyên Mộc rộng 642,2km2, thời điểm chuyển có thị trấn Phước Bửu, 10 xã, trong đó có khu du lịch - suối nước nóng Bình Châu, khu du lịch biển Hồ Tràm, khu bảo tồn cấp quốc gia đặc trưng rừng già ven biển. Nhiều Nông trường cao su ở Xuyên Mộc thuộc Công ty cao su Đồng Nai như Hòa Bình 1, Hòa Bình 2.

Trước nữa, từ sau năm 1975 đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa VI, 30-5-1979, thị xã Vũng Tàu thuộc về Đồng Nai, đến kỳ họp này mới chia tách ra lập đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo. Lúc đó Vũng Tàu có 5 phường là Thắng Nhứt, Thắng Nhì, Thắng Tam, Phước Thắng và Châu Thành.

Chỉ riêng 3 huyện phía Đông là Châu Thành, Long Đất và Xuyên Mộc, Báo Đồng Nai có rất nhiều bài viết về đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội tại đây, trong đó có dự án tỉnh lộ 23, từ Long Điền của Châu Thành đến Phước Bửu của Xuyên Mộc; dự án đường ĐT 44 ven biển; các vùng chuyên canh cây thực phẩm như tiêu, chuối ở dọc lộ số 2, nay gọi là quốc lộ 56 kết nối với quốc lộ 1; có đèo Con Rắn tuy ngắn nhưng khúc quanh hiểm trở; nhiều bài viết về Nông trường cao su Xã Bang anh hùng, Anh hùng lao động Nguyễn Thị Ngời... Nay các địa phương trên phát triển nhanh, như xã Mỹ Xuân có cảng nước sâu Cái Mép đã là thành phố, Bà Rịa trở thành trung tâm hành chính tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, khu du lịch Bình Châu, Hồ Tràm rất nổi tiếng, thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Trần Chiêm Thành

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202505/dong-nai-tu-thoi-chua-tach-tinh-95a1096/
Zalo