Đồng Nai: Cần chính sách dài hơi để chuyển buýt truyền thống sang buýt xanh

Đa số các doanh nghiệp đều đồng thuận chủ trương chuyển đổi 'xe xanh', tuy nhiên vẫn chờ đợi về cơ sở hạ tầng, chính sách ưu đãi, phương tiện đa dạng nhiều lựa chọn…

Người dân mong "xe xanh", xe năng lượng sạch

Theo ghi nhận của PV, tại Đồng Nai hiện nay có nhiều tuyến xe buýt chạy nội tỉnh và một số tuyến kết nối với Bình Dương và TP.HCM. Trong đó, lượng khách lưu thông bằng xe buýt khá ổn định. Nhất là tuyến đi TP.HCM, Bình Dương.

Hiện nay, Đồng Nai đang có 18 tuyến xe buýt hoạt động ổn định.

Hiện nay, Đồng Nai đang có 18 tuyến xe buýt hoạt động ổn định.

Chị Nguyễn Thị Thơm, ngụ phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai cho biết, do nơi làm việc cách nhà hơn 12km nên chị lựa chọn đi lại bằng xe buýt số 1. Mỗi sáng đón xe cách nhà chỉ hai phút đi bộ và cũng mất tầm đó thời gian để đi bộ tới công ty nên rất thuận lợi.

"Tôi may mắn được trải nghiệm xe buýt điện một lần tại TP.HCM nên nếu các doanh nghiệp ở Đồng Nai chuyển đổi sang xe buýt điện thì quá tốt vì thật sự rất chất lượng", chị Thơm nói.

Tương tự, anh Nguyễn Văn Tuấn nhà ở Biên Hòa nhưng làm việc tại TP.HCM nên nhiều năm gắn bó với tuyến xe buýt số 5 Biên Hòa - Chợ Lớn và chứng kiến sự thay đổi của tuyến buýt này.

"Xe mới, sạch đẹp, hành khách như chúng tôi được hưởng lợi nhất. Trước thông tin tỉnh hỗ trợ cho các đơn vị chuyển đổi sang xe sử dụng năng lượng sạch, người dân như chúng tôi rất vui. Chi phí đi lại bằng xe buýt không cao nhưng được trải nghiệm xe tốt thì ai cũng thích", anh Tuấn chia sẻ.

Chị Hoàng Thị Lan, một cư dân tại Biên Hòa mong muốn xe buýt xanh sẽ không chỉ giúp giảm thiểu khói bụi mà còn mang lại trải nghiệm di chuyển tốt hơn cho hành khách. "Nếu có những xe buýt tiện nghi, sạch sẽ và không gây tiếng ồn, chắc chắn nhiều người sẽ lựa chọn phương tiện công cộng thay vì xe cá nhân. Những tuyến xe buýt xanh có thể chở hàng chục người cùng lúc, thay thế cho việc hàng chục xe máy lưu thông trên đường, giúp giảm đáng kể lượng phương tiện cá nhân và giảm ô nhiễm", chị Lan mong muốn.

Hành trình chuyển đổi xe buýt xanh

Nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và cải thiện chất lượng giao thông công cộng, năm 2024 UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành quyết định về lãi suất vay vốn ưu đãi cho các dự án đầu tư xe buýt xanh. Đây được xem là bước tiến quan trọng trong việc thay thế dần các phương tiện sử dụng nhiên liệu truyền thống, góp phần xây dựng hệ thống giao thông bền vững cho tương lai.

Theo quyết định, các doanh nghiệp đầu tư vào xe buýt sử dụng năng lượng điện hoặc năng lượng xanh sẽ nhận được hỗ trợ lãi suất lên đến 80% với mức 0,5%/tháng trong thời gian tối đa 7 năm. Đối với xe buýt sử dụng nhiên liệu truyền thống như xăng, dầu, mức hỗ trợ thấp hơn, chỉ 70% với mức lãi suất 0,3%/tháng. Quyết định này cũng nêu rõ chỉ những phương tiện mới, đăng ký tại Đồng Nai và được cấp phép vận hành trên địa bàn tỉnh mới đủ điều kiện nhận hỗ trợ.

Ông Nguyễn Hoàng Vân, đại diện một doanh nghiệp vận tải tại Biên Hòa, chia sẻ: "Với mức hỗ trợ này, chúng tôi tự tin sẽ đầu tư vào xe buýt điện. Tuy nhiên, cần có thêm cơ chế đảm bảo khả năng thu hồi vốn, lợi nhuận từ việc vận hành, đặc biệt là với hệ thống hạ tầng sạc điện và bảo trì phương tiện. Nếu có đủ cơ chế, chính sách thì chúng tôi an tâm đầu tư, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân", ông Vân nói.

Tuyến số 2 từ Biên Hòa đi Nhơn Trạch lượng khách đông.

Tuyến số 2 từ Biên Hòa đi Nhơn Trạch lượng khách đông.

Tương tự, ông Phạm Hoàng Minh, Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ du lịch Hoàng Hà cho biết hiện nay công ty đang hoạt động tuyến xe buýt số 2, lượng khách ổn định. Đơn vị có tổng cộng 14 xe đang kinh doanh vận tải hành khách công cộng với 86 chuyến mỗi ngày. Theo ông Minh, do tuyến số 2 đi từ nội ô thành phố Biên Hòa qua các trục đường chính đến Long Thành và Nhơn Trạch nên lượng khách đông, nhất là vào các giờ cao điểm sáng chiều.

Theo ông Minh, các doanh nghiệp đều mong muốn nâng cao chất lượng phương tiện, sử dụng xe năng lượng điện, năng lượng xanh. Tuy nhiên để chuyển đổi thì cần lộ trình, cơ chế, chính sách hỗ trợ, vốn ưu đãi lớn, thủ tục nhanh gọn, phù hợp.

Ngoài ra nhà nước cũng cần đầu tư về hạ tầng giao thông, các trạm sạc đủ lớn, đáp ứng cho các phương tiện ra vào sạc cùng lúc. Phương tiện thật sự hiện đại, thời gian sạc pin không được quá lâu để tránh ảnh hưởng đến việc lưu thông của xe… "Nếu đáp ứng được nhiều yếu tố trên, việc các doanh nghiệp xây dựng lộ trình để chuyển đổi năng lượng sạch sẽ rất thuận lợi", ông Minh cho hay.

Còn ông Tống Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư phát triển vận tải Vĩnh Phú cho biết doanh nghiệp đang kinh doanh ba tuyến xe buýt trợ giá số 5 - 7 - 8 với số lượng xe 30 chiếc. Những tuyến này lượng khách cũng khá đông do có nhiều trạm dừng ở thành phố Biên Hòa, BigC, các vị trí nhu cầu đi lại cao.

Đồng tình với chủ trương chuyển đổi phương tiện xanh của Đồng Nai, ông Tống Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển vận tải Vĩnh Phú cho rằng, các ưu đãi về vốn là cần thiết, nhưng đi kèm với đó là hạ tầng, bởi doanh nghiệp vận tải không thể tự đầu tư hạ tầng được. Đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ giữa các bên liên quan, từ chính quyền, doanh nghiệp.
"Hỗ trợ lãi suất là một khởi đầu thuận lợi, nhưng hành trình xây dựng một hệ thống giao thông xanh và bền vững sẽ có nhiều thách thức", ông Hải chia sẻ.

Với vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng UBND tỉnh Đồng Nai định hướng phát triển xe xanh là một bước đi đúng hướng để giảm thiểu tác động của ô nhiễm không khí. Xe buýt xanh không chỉ là giải pháp giao thông bền vững mà còn giúp xây dựng hình ảnh một đô thị hiện đại, thân thiện với môi trường.

Cũng theo các chuyên gia, việc chuyển đổi sang xe buýt xanh là một xu hướng tất yếu trong bối cảnh vấn đề ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng. Các chính sách hỗ trợ của tỉnh Đồng Nai đưa ra rất phù hợp, nhưng vẫn phải có lộ trình rõ ràng về việc xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là trạm sạc điện, để đảm bảo việc triển khai xe buýt xanh bền vững, lâu dài.

Đồng Nai hiện có 18 tuyến xe buýt đang hoạt động với hơn 270 phương tiện, phục vụ khoảng 15.000 lượt khách mỗi ngày. Đồng Nai cũng đã và đang xây dựng kế hoạch chuyển đổi từ xe buýt chạy xăng, dầu sang xe buýt điện dựa trên lộ trình của Chính phủ đến năm 2050, 100% xe buýt sử dụng điện.

Đồng Nai sẽ nghiên cứu, tham khảo hoạt động của các địa phương khác, đưa ra được đơn giá định mức để tính toán mức trợ giá, từ đó xây dựng các chính sách quản lý, điều hành xe buýt "xanh" để các doanh nghiệp lấy đó làm động lực đầu tư, chuyển đổi.

Minh Tuệ

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/dong-nai-can-chinh-sach-dai-hoi-de-chuyen-buyt-truyen-thong-sang-buyt-xanh-192250524084625406.htm
Zalo