Động lực thúc đẩy tăng trưởng

Chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%) được triển khai từ năm 2022 đến 6 tháng đầu năm 2025 đã và đang góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ thông qua việc doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, kinh doanh được giảm thuế.

Thực tế cho thấy, việc giảm thuế giá trị gia tăng cùng các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí khác được Chính phủ triển khai thời gian qua tạo điều kiện giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, tăng khả năng kích cầu. Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta cũng thấy rằng, nền kinh tế nước ta vẫn còn những hạn chế, bất cập và gặp nhiều thách thức, nhất là việc Hoa Kỳ công bố áp thuế đối ứng với các nước, trong đó có Việt Nam. Các động lực tăng trưởng chưa có sự bứt phá rõ nét theo yêu cầu tăng trưởng đặt ra, hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp khó khăn, chi phí sản xuất còn cao, sức mua trong nước được cải thiện nhưng còn chậm.

Để tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng có ý nghĩa rất quan trọng nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng. Vì thế, tại kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV, Chính phủ tiếp tục trình Quốc hội thông qua Nghị quyết về giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đến hết ngày 31-12-2026. Nếu Quốc hội thông qua, đây là lần thứ hai nghị quyết về giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng được thực hiện, khiến dư luận và cộng đồng doanh nghiệp quan tâm.

Cùng với giảm thuế giá trị gia tăng, Chính phủ đang triển khai một loạt giải pháp hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng GDP (tổng sản phẩm quốc nội) trên 8% năm nay và hướng đến hai con số trong các năm tiếp theo. Trên tinh thần đó, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 63/CĐ-TTg ngày 12-5-2025 về việc chấn chỉnh kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, khắc phục hạn chế, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.

Để các chính sách trên trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các bộ, ngành cũng như mỗi địa phương nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Đặc biệt là thực hiện hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng điều hành, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp, hướng tới phát triển bền vững.

Song song với giảm thuế giá trị gia tăng, Chính phủ cũng như các bộ, ngành liên quan cần tối ưu hóa nguồn thu ngân sách và triển khai các biện pháp nhằm tăng cường thu ngân sách từ các nguồn thu khác ngoài thuế để bù đắp phần hụt thu này. Đồng thời, cần quan tâm hỗ trợ thêm cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, bởi đây là lực lượng chiếm phần lớn trong nền kinh tế nhưng lại dễ bị tổn thương trước các biến động của thị trường.

Cùng với đó, Chính phủ cũng như các đơn vị liên quan cần tiếp tục có thêm biện pháp hỗ trợ khác như triển khai các gói tín dụng với lãi suất thấp dành riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, giúp họ có nguồn lực để mở rộng sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ chi phí đào tạo nhân lực, đổi mới công nghệ...

Giảm thuế giá trị gia tăng là giải pháp ngắn hạn hiệu quả, nhưng cần có các biện pháp đồng bộ dài hạn nhằm cải thiện năng lực sản xuất trong nước, nâng cao chất lượng hàng hóa và đặc biệt là tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Thực tế cho thấy, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp không chỉ dựa vào giảm thuế. Muốn giải quyết được khó khăn của doanh nghiệp, chúng ta phải quyết bằng các cơ chế, chính sách mang tính đồng bộ, lâu dài; đồng thời tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế…

Là chủ thể được hưởng lợi trực tiếp từ chính sách giảm thuế, bản thân mỗi doanh nghiệp cần chủ động các phương án sản xuất, rà soát chi phí đầu vào để tiếp tục hạ giá thành gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm. Qua đó, giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường cũng như góp phần tăng nguồn thu cho doanh nghiệp.

Có như vậy, việc giảm thuế giá trị gia tăng mới thực sự hỗ trợ cho doanh nghiệp, trở thành động lực phát triển kinh tế trong bối cảnh hiện nay.

Đình Hiệp

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/dong-luc-thuc-day-tang-truong-702273.html
Zalo