Động lực thay thế mảng cho vay suy giảm của TPBank

Lãi đột biến từ chứng khoán đầu tư và giảm trích lập dự phòng nợ xấu đã giúp TPBank cán đích lợi nhuận năm 2024.

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) mới công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2024 với mức lãi ròng tăng mạnh so với cùng kỳ chủ yếu đến từ giảm chi phí dự phòng và tăng thu nhập từ chứng khoán đầu tư.

Cụ thể, ở mảng kinh doanh cốt lõi, ngân hàng ghi nhận mức giảm 11% thu nhập lãi thuần so với cùng kỳ năm trước, chỉ còn gần 3.070 tỷ đồng.

Theo TPBank, cho vay giảm do nhà băng chủ động giảm lệ thuộc vào tín dụng, chuyển sang mô hình kinh doanh đa dịch vụ.

Đổi lại, hoạt động dịch vụ tăng trưởng mạnh nhờ dịch vụ số, đóng góp lớn vào doanh thu phí. Lãi thuần từ dịch vụ tăng 42%, đạt hơn 900 tỷ đồng.

Đáng chú ý, mảng thu nhập từ chứng khoán đầu tư thu được khoản lãi gần 725 tỷ đồng, gấp hơn 22 lần cùng kỳ.

Thu nhập từ hoạt động dịch vụ và lãi từ hoạt động đầu tư trong quý IV/2024 đều tăng bằng lần so với cùng kỳ. Ảnh: MBS

Thu nhập từ hoạt động dịch vụ và lãi từ hoạt động đầu tư trong quý IV/2024 đều tăng bằng lần so với cùng kỳ. Ảnh: MBS

Theo thuyết minh, TPBank đang có danh mục gần 60.000 tỷ đồng chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán, chủ yếu bao gồm trái phiếu do tổ chức trong nước phát hành (gần 44.000 tỷ đồng) và trái phiếu Chính phủ (gần 15.600 tỷ đồng).

Trong đó, dấu hiệu tích cực nữa là TPBank đã thu hẹp danh mục trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2024, với dư nợ giảm xuống còn 10.350 tỷ đồng, so với 12.200 tỷ đồng vào năm trước.

Với việc tổng nợ xấu giảm 9% so với đầu năm và đồng loạt ghi nhận mức giảm ở các nhóm quá hạn, TPBank chỉ thực hiện trích lập 1.190 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, giảm mạnh 40% so với cùng kỳ.

Việc giảm trích lập dự phòng là động lực quan trọng giúp TPBank báo lãi ròng gấp 3,5 lần trong quý IV, đạt hơn 1.700 tỷ đồng.

Tính chung cả năm 2024, TPBank lãi sau thuế gần 6.100 tỷ đồng, tăng 36% so với năm trước. Qua đó hoàn thành kế hoạch đề ra cho cả năm.

Duy trì triển vọng tăng trưởng

Trong báo cáo phân tích mới nhất, công ty chứng khoán MBS kỳ vọng một năm đầy hứa hẹn phía trước đối với TPBank sau kết quả khả quan đạt được trong năm vừa qua.

Sau khi TPBank giảm tỷ lệ nợ xấu/dư nợ từ mức 2,05% xuống còn 1,52% trong năm 2024, MBS kỳ vọng chất lượng tài sản sẽ tiếp tục cải thiện trong năm 2025 nhờ nền kinh tế phục hồi và hoạt động sản xuất, kinh doanh khởi sắc.

Thêm nữa, tỷ lệ nợ nhóm 2 trên tổng dư nợ đã giảm liên tiếp trong sáu quý, giảm 26 điểm cơ bản theo quý, giúp giảm áp lực nợ xấu gia tăng trong năm 2025.

Do đó, MBS dự báo rằng tỷ lệ nợ xấu của TPBank sẽ đạt 1,44% trong năm 2025 (-7 điểm cơ bản so với năm 2024).

Chất lượng tài sản của TPBank được kỳ vọng sẽ tiếp tục cải thiện trong hai năm tới. Ảnh: MBS

Chất lượng tài sản của TPBank được kỳ vọng sẽ tiếp tục cải thiện trong hai năm tới. Ảnh: MBS

Về triển vọng tăng trưởng trong năm nay, MBS đánh giá cao TPBank nhờ vào vị thế dẫn đầu trong mảng ngân hàng số, giúp ngân hàng tiếp cận khách hàng trẻ và nâng cao khả năng cho vay.

Tăng trưởng tín dụng dự kiến đạt mức 16-17% trong năm 2025-2026 hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận.

Bên cạnh đó, NIM kỳ vọng cải thiện, đạt khoảng 3,6% trong năm hai năm tới nhờ vào biên lãi ròng cao hơn do khả năng chuyển chi phí lãi vay sang khách hàng trong bối cảnh nhu cầu tín dụng bán lẻ phục hồi mạnh mẽ.

Đồng thời, việc gia tăng trích lập dự phòng trong năm hai năm qua tạo dư địa để tăng tốc lợi nhuận trong năm 2025.

Mặc dù vậy, ngân hàng cũng cần lưu ý tới rủi ro về nhu cầu tín dụng tiêu dùng phục hồi chậm và lãi suất cho vay duy trì ở mức thấp lâu hơn dự báo.

Thêm nữa, chi phí trích lập dự phòng cao hơn dự kiến do nợ xấu gia tăng hoặc thời gian xử lý nợ xấu kéo dài hơn do tính thanh khoản của tài sản thế chấp. Ngân hàng có thể hạ lãi suất cho vay nhiều hơn kỳ vọng để hỗ trợ khách hàng, ảnh hưởng tiêu cực đến NIM.

Dũng Phạm

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/dong-luc-thay-the-mang-cho-vay-suy-giam-cua-tpbank-d39020.html
Zalo