Động lực tăng trưởng mới từ khu thương mại tự do
Chấp hành chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc nghiên cứu hình thành mô hình cảng miễn thuế tạo kỳ vọng đưa Việt Nam trở thành trung tâm logistics lớn, hàng loạt địa phương đang nghiên cứu phát triển các khu thương mại tự do (TMTD) như chìa khóa cho tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng xã hội. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng chia sẻ, việc hình thành và phát triển các khu TMTD là một trong những động lực mới, quan trọng. Hiện nay, Việt Nam đang tập trung thành lập các khu TMTD tại TP. Đà Nẵng, TP. Hải Phòng và Bà Rịa-Vũng Tàu để khơi thông nguồn lực, tạo động lực tăng trưởng mới cho các địa phương nói riêng và quốc gia nói chung.
Tận dụng các lợi thế
Là lãnh đạo địa phương đầu tiên được thí điểm thành lập khu TMTD trong vòng 5 năm theo Nghị quyết 136 của Quốc hội, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đã nhiều lần khẳng định, việc xây dựng và phát triển khu TMTD sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp địa phương. Đầu tiên là thu hút đầu tư nước ngoài, tạo ra nhiều việc làm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân. Khu TMTD sẽ thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp hiện đại, công nghệ cao, tạo điều kiện cho doanh nghiệp địa phương tiếp cận công nghệ tiên tiến và nâng cao năng lực cạnh tranh; góp phần đa dạng hóa nền kinh tế, giảm sự phụ thuộc vào các ngành truyền thống, tạo ra động lực phát triển bền vững cho thành phố.
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, ông Trần Thoang, Giám đốc CTS Việt Nam cho biết, phát triển các khu TMTD là một trong các giải pháp chiến lược để thúc đẩy tăng trưởng và hóa giải xu hướng bảo hộ thương mại. Đây là mô hình đã chứng minh hiệu quả tại nhiều quốc gia trên thế giới trong việc tạo ra động lực tăng trưởng mới, thu hút đầu tư lớn, tạo việc làm chất lượng cao, chuyển giao công nghệ, phát triển chuỗi cung ứng địa phương và thúc đẩy xuất khẩu, tạo không gian mới cho phát triển kinh tế.
Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch phân tích, việc hình thành các khu TMTD sẽ phát huy toàn bộ lợi thế chuỗi ven biển của nước ta, gắn liền với cảng biển quốc tế, sân bay quốc tế. Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi cho hàng hải quốc tế, có nhiều nơi đang là cửa ngõ giao thương lớn nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nên việc nghiên cứu phát triển mô hình khu TMTD cần tiến hành khẩn trương để tận dụng thời cơ.

Việc hình thành các khu TMTD sẽ phát huy toàn bộ lợi thế chuỗi ven biển của nước ta
Gỡ khó để xây dựng lợi thế cạnh tranh
Theo các chuyên gia, việc hình thành các khu TMTD hiện vẫn đối mặt với nhiều thách thức, bởi đây là mô hình mới mẻ tại Việt Nam và chưa từng có tiền lệ. Một trong những khó khăn lớn nhất là xây dựng và thực hiện cơ chế “một cửa” trong giải quyết các thủ tục hành chính. Điều này đòi hỏi các địa phương phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt; quá trình quản lý, vận hành phải hiệu quả và có sự tham gia tích cực của cả chính quyền và người dân. Để đảm bảo khu TMTD phát triển bền vững, cần chú trọng đến việc bảo vệ môi trường, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; đồng thời đảm bảo sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và lợi ích của cộng đồng địa phương.
Trước một nhiệm vụ mới đầy thách thức, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, kinh nghiệm trong phát triển loại hình này trên thế giới sẽ hỗ trợ Việt Nam xây dựng và hoàn thiện thể chế nhằm phát triển các mô hình khu TMTD. Việt Nam mong muốn có sự đồng hành, hỗ trợ của các đối tác quốc tế, đặc biệt là các đối tác có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Đồng thời, tăng cường hợp tác chặt chẽ để chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và xúc tiến kêu gọi đầu tư cho các khu TMTD. Từ đó, góp phần thúc đẩy thương mại, thu hút đầu tư nhanh và hiệu quả.
Trên cơ sở tham khảo các mô hình khu TMTD thành công trên thế giới, một số chuyên gia đề xuất, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, đơn giản hóa tối đa các thủ tục; ứng dụng công nghệ thông tin và tạo dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, chuyên nghiệp, am hiểu sâu sắc về luật pháp và hoạt động của khu TMTD. Cùng với đó, cần xây dựng hệ thống thông tin điện tử, xây dựng quy trình làm việc rõ ràng, minh bạch và có cơ chế giám sát chặt chẽ.
Bên cạnh đó, các địa phương cần có chính sách ưu việt, hướng tới tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi, cơ sở hạ tầng hiện đại, nguồn nhân lực chất lượng cao và các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp toàn diện. Việc tận dụng tối đa lợi thế về vị trí địa lý, cảng biển và hệ thống giao thông hiện đại là rất quan trọng. Bên cạnh đó, phải tối ưu hóa việc sử dụng đất, thu hút đầu tư vào các dự án có mật độ xây dựng cao và hiệu quả. Những điều đó sẽ là yếu tố cạnh tranh, thu hút đầu tư vào khu TMTD ở Việt Nam.