Động lực phát triển mới từ Nghị quyết 57-NQ/TW
Những năm gần đây, Việt Nam đã, đang có những thành công vượt bậc về lĩnh vực đổi mới sáng tạo (ĐMST). Chỉ số ĐMST toàn cầu (GII) của Việt Nam cải thiện tích cực. Năm 2024, Việt Nam có thứ hạng GII là 44, tăng 2 bậc so với năm 2023. Trong 11 năm qua, tính từ năm 2013, thứ hạng GII của Việt Nam tăng 32 bậc (từ vị trí 76 lên 44).

Ảnh minh họa
Các trung tâm ĐMST, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp được thành lập, bước đầu hình thành hệ thống ĐMST quốc gia theo hướng lấy DN làm trung tâm, trường đại học và viện nghiên cứu là chủ thể nghiên cứu mạnh.
Số lượng DN ĐMST và khởi nghiệp sáng tạo ngày càng tăng. Tỉ lệ DN có hoạt động ĐMST đạt khoảng 25% trong tổng số DN, trong đó có khoảng 4.000 DN khởi nghiệp.
Đặc biệt, trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI), Việt Nam đã đạt được những bước tiến quan trọng trong năm 2024, từng bước khẳng định vai trò là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nổi bật là việc Chính phủ Việt Nam và Tập đoàn NVIDIA đã hợp tác thành lập Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển về AI của NVIDIA và Trung tâm Dữ liệu AI tại Việt Nam.
Với mục tiêu trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2030 và nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam phải coi khoa học, công nghệ, ĐMST và chuyển đổi số là những động lực chủ chốt. Đây chính là "chìa khóa vàng", là yếu tố quan trọng để vượt qua “bẫy” thu nhập trung bình và nguy cơ tụt hậu, đồng thời hiện thực hóa khát vọng hùng cường và thịnh vượng của dân tộc ta.
Chính vì thế, mới đây Bộ Chính trị mới có Nghị quyết 57-NQ/TW, chỉ ra những định hướng chiến lược; được ví như một "khoán 10" trong lĩnh vực khoa học và công nghệ; đột phá trong khoa học, công nghệ, ĐMST và chuyển đổi số.
Chúng ta còn phải làm rất nhiều việc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho phát triển khoa học công nghệ, ĐMST, chuyển đổi số. Không thể để tồn tại, hạn chế, bất cập hiện hữu, kéo dài; cả trong chậm triển khai, cụ thể hóa các văn bản luật, nghị quyết đặc thù của Quốc hội. Chúng ta phải giải quyết từng “bài toán” về cơ chế, chính sách, nguồn lực ngân sách nhà nước; phát triển nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ nhân lực nghiên cứu và phát triển sản phẩm, dịch vụ công nghệ cao…
Để thực sự ĐMST, không chỉ ở hành lang pháp lý mà trong hành động từ vĩ mô đến cụ thể, đang đặt ra yêu cầu quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm. Để khoa học công nghệ, ĐMST, chuyển đổi số và nguồn nhân lực chất lượng cao mới thực sự là các yếu tố đột phá, trở thành động lực chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế và phát triển đất nước nhanh, bền vững; phải sáng tạo hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện.