Động lực mới cho thị trường ô tô nhập khẩu
Việc Việt Nam cân nhắc đưa thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ Hoa Kỳ về mức 0% đang thu hút sự quan tâm lớn từ dư luận và giới chuyên gia. Chính sách này được kỳ vọng sẽ tạo động lực mới cho hợp tác thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ, đồng thời mở rộng sự lựa chọn cho người tiêu dùng trong nước.

Ảnh minh họa: Mỹ Phương/TTXVN
Thuế giảm nhưng giá xe có giảm như kỳ vọng?
Theo các chuyên gia trong ngành, việc giảm thuế nhập khẩu không đồng nghĩa với việc giá xe sẽ giảm tương ứng. Chuyên gia ô tô Thế Đạt nhận định, chính sách đưa thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ Mỹ về 0% là một bước đi chiến lược, thể hiện thiện chí của Việt Nam trong việc thúc đẩy hợp tác thương mại song phương với Hoa Kỳ, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ áp thuế cao (25%) đối với ô tô nhập khẩu từ nhiều quốc gia, bao gồm cả Việt Nam.
Tuy nhiên, chính sách này không ảnh hưởng quá lớn đến thị trường ô tô Việt Nam. Bởi, thị trường ô tô Việt Nam hiện nay không có nhiều hãng xe thương hiệu Mỹ kinh doanh và hoạt động (Jeep – một thương hiệu xe của Mỹ đã được quốc gia khác mua lại), Chevrolet (thuộc GM) cũng đã ngừng hoạt động tại Việt Nam từ lâu. Còn lại Ford, sản phẩm của thương hiệu này đều được sản xuất tại nhà máy Ford Hải Dương, hoặc nhập khẩu từ nhà máy đặt tại Thái Lan (xe nhập từ Thái Lan vốn đang được hưởng thuế 0% theo ATIGA từ ASEAN).
Chuyên gia Thế Đạt cũng lưu ý rằng, nếu thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ Mỹ giảm từ mức hiện tại (45-64% tùy dòng xe) về 0%, giá xe nhập khẩu có thể giảm đáng kể, nhưng giá xe không chỉ phụ thuộc vào thuế nhập khẩu mà còn phụ thuộc vào các yếu tố như thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) hiện đang áp dụng mức từ 50-60% cho các dòng xe dung tích lớn, thuế giá trị gia tăng (VAT), chi phí vận chuyển và lợi nhuận của nhà phân phối. Kinh nghiệm từ việc giảm thuế nhập khẩu xe ASEAN về 0% năm 2018 cho thấy giá xe không giảm mạnh như kỳ vọng do các yếu tố chi phí khác và chiến lược định giá của hãng. Vì vậy theo ông Đạt, kể cả thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ Mỹ có về 0% thì giá xe nhập từ Mỹ sẽ giảm, nhưng không đáng kể.
Đồng quan điểm, chuyên gia ô tô Vĩnh Nam cho rằng, về lý thuyết, việc đưa thuế nhập khẩu từ Mỹ về 0% có thể tạo điều kiện để giá xe Mỹ mềm hơn. Thế nhưng, thị phần xe có xuất xứ từ Mỹ tại Việt Nam hiện còn rất hạn chế, chủ yếu là các mẫu xe cao cấp như Ford Explorer, Jeep Wrangler, RAM 1500 – vốn nằm ngoài khả năng chi tiêu của phần đông người tiêu dùng.
Thêm vào đó, các yếu tố như TTĐB, chi phí logistics, tỷ giá hối đoái và chiến lược định giá từ phía các hãng xe cũng làm giảm đáng kể hiệu quả giảm giá từ chính sách thuế nhập khẩu. Do đó, ngay cả khi thuế nhập khẩu về 0%, giá xe cũng chỉ có thể giảm từ 15 - 20%, theo ước tính của các chuyên gia.
Cạnh tranh gia tăng, người tiêu dùng hưởng lợi
Mặc dù tác động ngắn hạn là không lớn, song chính sách giảm thuế ô tô Mỹ vẫn có thể tạo ra những chuyển biến tích cực về dài hạn, đặc biệt trong việc thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường ô tô. Việc giảm thuế có thể mở đường cho những thương hiệu xe Mỹ mới thâm nhập thị trường Việt Nam – chẳng hạn như Tesla – từ đó tăng thêm lựa chọn cho người tiêu dùng.
Mặt khác, sự xuất hiện của xe Mỹ giá cạnh tranh có thể tạo áp lực lên các dòng xe nhập khẩu từ ASEAN và xe lắp ráp trong nước. Xe từ Thái Lan và Indonesia chiếm 95,4% lượng xe nhập khẩu năm 2024, nhờ giá rẻ và đa dạng mẫu mã (Mitsubishi Xpander, Toyota Fortuner, Honda CR-V), nhờ hưởng mức thuế 0% theo Hiệp định ATIGA. Với việc xe Mỹ cũng có thể được hưởng thuế nhập khẩu 0%, phân khúc xe SUV cỡ lớn và xe cao cấp có thể chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt hơn.
Ông Thế Đạt cũng lưu ý rằng, các doanh nghiệp trong nước hiện gặp bất lợi do tỷ lệ nội địa hóa còn thấp (dưới 40%), sản lượng chưa đạt mức tối ưu, dẫn đến chi phí sản xuất cao hơn khoảng 20% so với xe nhập từ ASEAN. Trong khi đó, xe nhập từ Mỹ với ưu thế công nghệ và thương hiệu mạnh, nếu có thêm lợi thế thuế suất, sẽ tạo sức ép đáng kể lên nhóm xe nội địa, đặc biệt ở phân khúc xe từ 1 tỷ đồng trở lên.
Tuy nhiên, không phải tất cả là thách thức. Chính sức ép cạnh tranh cũng là cơ hội để thị trường phát triển lành mạnh hơn. Khi người tiêu dùng có nhiều lựa chọn, các doanh nghiệp buộc phải nâng cao chất lượng, dịch vụ và chính sách giá cả để giữ chân khách hàng. Trong dài hạn, điều này có thể giúp thiết lập một mặt bằng giá hợp lý hơn cho toàn thị trường.
Cũng cần lưu ý rằng, xe lắp ráp trong nước vẫn có một số lợi thế nhất định, đặc biệt ở phân khúc xe phổ thông. Ngoài việc được hưởng ưu đãi lệ phí trước bạ, các mẫu xe dung tích nhỏ còn có thuế TTĐB thấp hơn. Các hãng cũng thường xuyên tung ra các chương trình khuyến mại sâu, giúp người tiêu dùng có thêm lựa chọn với chi phí hợp lý.
Các chuyên gia cho rằng, việc Việt Nam xem xét đưa thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ Mỹ về 0% là một tín hiệu tích cực trong nỗ lực thúc đẩy quan hệ thương mại song phương và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, chính sách này khó tạo ra thay đổi lớn về giá xe do thị phần xe Mỹ tại Việt Nam còn nhỏ và các yếu tố chi phí khác vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành. Dù vậy, về dài hạn, chính sách có thể tạo ra động lực cải tổ thị trường, giúp người tiêu dùng hưởng lợi từ sự đa dạng lựa chọn và mặt bằng giá hợp lý hơn.