Chủ nghĩa bảo hộ cản trở tham vọng xuất khẩu ô tô của Trung Quốc

Trước sự gia tăng chóng mặt của ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc và thâm hụt thương mại với quốc gia châu Á này, vào tháng 6 năm ngoái, Thổ Nhĩ Kỳ công bố áp thuế quan bổ sung 40% với toàn bộ ô tô mới từ Trung Quốc...

Ô tô BYD chờ xuất cảng ở Tô Châu, Trung Quốc - Ảnh: AP

Ô tô BYD chờ xuất cảng ở Tô Châu, Trung Quốc - Ảnh: AP

Một tháng sau đó, BYD, nhà sản xuất ô tô điện lớn nhất Trung Quốc, thông báo sẽ đầu tư 1 tỷ USD xây dựng nhà máy tại Thổ Nhĩ Kỳ, dự kiến bắt đầu đi vào sản xuất vào cuối năm 2026. Động thái này giúp BYD được tạm thời miễn thuế quan mới của Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ và EU cũng như nhiều chính phủ khác đã bắt đầu áp thuế quan cao với ô tô từ Trung Quốc do làn sóng ô tô giá rẻ từ quốc gia này 4 năm trở lại đây.

Vào năm 2020, Trung Quốc mới chỉ là nhà xuất khẩu ô tô lớn thứ 6 thế giới. Nhưng từ đó đến nay, với xuất khẩu ô tô tăng gấp gần 6 lần, Trung Quốc trở thành nhà xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới, vượt qua các “đại gia” ô tô khác như Nhật Bản và Đức.

Giờ đây, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang "đứng giữa ngã ba đường", giống như nhiều doanh nghiệp ô tô Nhật từng đối mặt 4 thập kỷ trước. Việc trở thành nguồn nhập khẩu ô tô hàng đầu của các quốc gia khiến những doanh nghiệp này trở thành mục tiêu của căng thẳng thương mại toàn cầu.

Nhiều công ty tìm cách giảm bớt áp lực và trái thuế quan bằng cách xây dựng cơ sở sản xuất tại các quốc gia bản địa. Nhưng ở chính những thị trường này, rào cản với ô tô Trung Quốc cũng bắt đầu dâng cao.

NỖ LỰC MỞ RỘNG QUỐC TẾ

"Thuế quan không ngăn được quá trình toàn cầu hóa của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc”, ông Bill Russo, CEO công ty tư vấn Automobility tại Thượng Hải và từng là giám đốc bán hàng khu vực Bắc Á của hãng xe Chrysler, nhận xét với tờ báo Nikkei Asia. "Trên thực tế, thuế quan đẩy nhanh quyết định đầu tư sản xuất bên ngoài Trung Quốc của họ”.

Các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản hiện sản xuất ở nước ngoài nhiều hơn so với ở trong nước. Năm 2023, xuất khẩu ô tô của Nhật Bản đạt 4,4 triệu chiếc, trong khi sản lượng sản xuất ở nước ngoài là 17,5 triệu chiếc. Tỷ lệ này hiện ngược lại với các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc.

Năm ngoái, Trung Quốc xuất khẩu 6,4 triệu ô tô, trong khi tính tới tháng 8 năm ngoái, sản lượng ô tô ở nước ngoài của doanh nghiệp nước này chỉ khoảng 1,7 triệu chiếc mỗi năm. Với các kế hoạch xây dựng nhà máy ô tô ở nước ngoài của doanh nghiệp Trung Quốc, con số này có thể tăng lên gấp đôi - theo tính toán của công ty tư vấn chính sách Rhodium Group tại New York.

Đầu tuần trước, BYD khởi công xây dựng nhà máy lắp ráp xe điện 32 triệu USD tại Sihanoukville, Campuchia, dự kiến bắt đầu sản xuất vào cuối năm nay. Sau khi bắt đầu sản xuất tại Thái Lan và Uzbekistan vào năm ngoái, công ty này cũng đang mở rộng sản xuất tại Hungary, Indonesia và Brazil và dự kiến mở rộng sang Mexico và Ấn Độ.

Geely Holding Group, tập đoàn ô tô hàng đầu Trung Quốc, hồi tháng 1 cũng mở nhà máy lắp ráp ô tô tại Giza, Hy Lạp, nhà máy đầu tiên tại khu vực châu Phi và Trung Đông. Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc khác cũng đang mở rộng hoạt động sản xuất tại nhiều quốc gia như Nigeria, Argentina, Malaysia và Việt Nam.

Bên cạnh rào cản thuế quan ở nước ngoài, một động lực cho quyết định mở rộng sản xuất ở nước ngoài của nhà sản xuất ô tô Trung Quốc là tăng trưởng chậm lại và cạnh tranh gay gắt trên thị nội địa. Bên cạnh đó, biên lợi nhuận khi sản xuất ở nước ngoài cũng cao hơn.

ÁP LỰC TỨ PHÍA

Tuy nhiên, triển vọng doanh số của các công ty này có xu hướng giảm sút. Từ năm 2022, một số quốc gia châu Âu đã giảm hoặc chấm dứt trợ cấp cho xe điện. EU năm ngoái đã áp thuế quan lên tới 45,3 % với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc, miễn trừ cho xe lai chạy điện. Nga - nơi các doanh nghiệp ô tô Trung Quốc được hưởng lợi khi các đối thủ phương Tây rời khỏi do chiến tranh Nga-Ukraine - cũng đã tăng thuế quan, áp thêm phí và nâng rào quản phi thuế quan với ô tô từ Trung Quốc.

Ông Xu Haidong, Phó kỹ sư trưởng của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc (CAMA), dự báo lượng ô tô xuất khẩu vào Nga - thị trường nước ngoài lớn nhất của các thành viên CAMA - sẽ giảm ít nhất 30% xuống còn khoảng 800.000 xe trong năm nay. Tại Mexico, thị trường lớn thứ hai năm 2024, đà tăng trưởng cũng đã bắt đầu chậm lại do quốc gia này đang chịu áp lực từ Mỹ về việc nhập khẩu hàng Trung Quốc.

Một số nhà quan sát dự báo tăng trưởng xuất khẩu ô tô của Trung Quốc năm nay sẽ tiếp tục giảm mạnh so với tốc độ của năm trước hoặc thậm chí suy giảm.

"Rõ ràng, các rào cản thương mại đang gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu ô tô của Trung Quốc sang một số thị trường lớn và nhiều khả năng tình hình sẽ còn tồi tệ hơn trong năm nay", nhà phân tích Ernan Cui của công ty Gavekal Dragonomics nhận định trong một báo cáo hồi tháng 1.

Theo khảo sát của hai nhà phân tích Gregor Sebastian và Endeavour Tian của Rhodium Group, tới năm 2027, các thị trường chiếm khoảng 25-50% nhu cầu toàn cầu sẽ đóng cửa với cả ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc và cả đầu tư sản xuất tại chỗ của các doanh nghiệp ô tô nước này.

Mỹ, Canada và Ấn Độ hiện là các thị trường lớn đang đóng cửa với ô tô Trung Quốc. Hai nhà phân tích dự báo Nhật Bản, Hàn Quốc và Israel cũng sẽ có hành động tương tự, do áp lực từ chính sách thuế quan của Mỹ cũng như mong muốn bảo vệ ngành công nghiệp trong nước.

Cùng với đó, thời gian qua cũng có một số dấu hiệu cho thấy Chính phủ Trung Quốc không muốn doanh nghiệp ô tô đầu tư sản xuất ở nước ngoài.

Năm ngoái, các quan chức Bộ Thương mại Trung Quốc khuyến cáo doanh nghiệp ô tô nước này không nên thiết lập sản xuất tại Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời kêu gọi thận trọng đối với thị trường Thái Lan và châu Âu - theo nguồn tin từ hãng tin Reuters.

Đức Anh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/chu-nghia-bao-ho-can-tro-tham-vong-xuat-khau-o-to-cua-trung-quoc.htm
Zalo