Hơn 3.300ha lúa nhiễm bệnh khô vằn

Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh lúa Xuân sớm và trà muộn 1 đang trong giai đoạn trỗ bông, phơi màu, trà muộn 2 đang trong giai đoạn làm đòng. Tuy nhiên trước những diễn biến thất thường của thời tiết nên diện tích lúa đã xuất hiện các bệnh như bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, đạo ôn, rầy nâu, đặc biệt là bệnh khô vằn...

Người dân xã Thanh Hà, huyện Thanh Ba thường xuyên thăm đồng phát hiện sớm các loại sâu bệnh hại để có biện pháp xử lý kịp thời.

Người dân xã Thanh Hà, huyện Thanh Ba thường xuyên thăm đồng phát hiện sớm các loại sâu bệnh hại để có biện pháp xử lý kịp thời.

Qua điều tra tình hình sinh vật gây hại của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, hiện toàn tỉnh có hơn 3.300ha lúa Xuân bị nhiễm bệnh khô vằn, trong đó diện tích nhiễm nhẹ gần 2.300ha, nhiễm trung bình hơn 1.000ha. Tỷ lệ bệnh phổ biến 1,3 - 6,7%; cao 13 - 32%; cấp bệnh phổ biến: Cấp 1, 3. Tập trung ở các huyện Cẩm Khê, Phù Ninh, Thanh Ba, Thanh Sơn...

Dự báo trong thời gian tới, thời tiết tiếp tục có nắng mưa xen kẽ, bệnh sẽ tiếp tục phát sinh, lây lan và gây hại trên tất cả các trà lúa, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng trên những ruộng lúa rậm rạp, bón phân không cân đối, bón thừa đạm.

Sở Nông nghiệp và Môi trường đề nghị UBND các huyện, thành, thị chỉ đạo các xã, phường, thị trấn, ngành chuyên môn kiểm tra, hướng dẫn chăm sóc và phòng trừ kịp thời các đối tượng sinh vật gây hại theo hướng dẫn của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, đặc biệt không được chủ quan, lơ là trong dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5. Các địa phương tăng cường thời lượng phát thanh trên hệ thống truyền thanh cơ sở kể cả ngày nghỉ để bà con nông dân biết, thăm đồng, kiểm tra, phân loại đồng ruộng và phun trừ triệt để các ổ sâu bệnh đến ngưỡng, không để lây lan trên diện rộng, cần lưu ý các đối tượng như: Rầy các loại, đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, cổ gié, bệnh khô vằn, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn... để kịp bảo vệ an toàn cho sản xuất.

Khi phát hiện ruộng lúa nhiễm bệnh có tỷ lệ dảnh hại trên 20%, tiến hành phun trừ bằng thuốc trừ bênh khô vằn trên lúa, như: Saipora Super 350SC, Saizole 5EC, Chevin 5SC, Nativo 750WG,Valicare 8SL, Lervil 100SC, Senly 2.1SL, Valivithaco 5SL,...

Chú ý các loại thuốc được chọn để phun phòng trừ phải nằm trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam, pha và phun theo hướng dẫn trên bao bì. Bì thuốc sau sử dụng phải được thu gom và để đúng nơi quy định.

Hoàng Hương

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/hon-3-300ha-lua-nhiem-benh-kho-van-231731.htm
Zalo