Đồng lòng gỡ 'nút thắt' giải phóng mặt bằng Quốc lộ 1A
Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn Văn Điển - Ngọc Hồi hoàn thành sẽ góp phần khớp nối đồng bộ hệ thống giao thông của thành phố Hà Nội với các tỉnh, thành phía Nam. Vì vậy, huyện Thanh Trì đang quyết liệt vào cuộc nhằm gỡ 'nút thắt' tại một số đoạn đường chưa giải phóng mặt bằng (GPMB) của Dự án.
Quyết liệt nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi cao nhất cho người dân
Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn Văn Điển - Ngọc Hồi được Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2010 với tổng mức đầu tư gần 888 tỷ đồng. Theo quy hoạch, phần đường cải tạo, nâng cấp có chiều dài 3,8km, qua địa bàn 4 xã Tứ Hiệp, Ngũ Hiệp, Ngọc Hồi và Liên Ninh của huyện Thanh Trì. Mặt cắt ngang đường sẽ được mở rộng lên 50,39 - 56m, đáp ứng 8 - 10 làn xe.
Dự án hoàn thành sẽ phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, nâng cao năng lực phục vụ của tuyến đường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng trọng điểm phía Nam. Đồng thời tạo đà phát triển để huyện Thanh Trì hoàn thành Đề án xây dựng huyện thành quận, các xã thành phường đến năm 2025.
Tuy nhiên, sau 14 năm triển khai, dự án vẫn chưa hoàn thành GPMB do còn nhiều hộ dân không chấp hành di dời theo quy định của Nhà nước. Trước sức ép về tiến độ theo chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội (Dự án chỉ được thực hiện đến hết năm 2024), UBNDhuyện Thanh Trì đã xây dựng kế hoạch tổ chức cưỡng chế thu hồi đất đối với 88 trường hợp cố tình không nhận tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thường trực Huyện ủy Thanh Trì, trong tháng 11/2024, UBND huyện quyết tâm thực hiện vận động, cưỡng chế thu hồi đất đối với các hộ chưa bàn giao mặt bằng tại dự án này.
Lý giải nguyên nhân khiến quá trình triển khai dự án kéo dài nhiều năm, lãnh đạo huyện Thanh Trì cho biết, do việc xác định nguồn gốc đất của 4 xã trên gặp nhiều khó khăn, việc quản lý hồ sơ địa chính đối với toàn bộ khu đất dọc đường Quốc lộ 1A các xã cập nhật không đầy đủ; nguồn gốc sử dụng đất của các hộ gia đình, cá nhân phức tạp như đất được giao không đúng thẩm quyền (có giấy tờ và không có giấy tờ), đất lấn chiếm, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất qua nhiều chủ sử dụng...
Trên cơ sở xác định nguồn gốc đất của các xã, Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của huyện đã hoàn thiện phương án bồi thường, hỗ trợ; song, nhiều hộ dân không đồng ý với phương án do UBND huyện phê duyệt, gửi đơn đề nghị UBND huyện và Thành phố xem xét, giải quyết.
Xác định công tác giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ quan trọng, trên địa bàn huyện còn nhiều dự án sẽ thực hiện trong thời gian tới, tại cuộc họp triển khai phương án tổ chức tuyên truyền, vận động, đối thoại, thuyết phục và cưỡng chế thu hồi đất phục vụ thi công dự án ngày 14/11, Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Xuân Phong khẳng định, huyện thực hiện GPMB trên tinh thần có lợi cho nhân dân nhưng đảm bảo quyết liệt và hiệu quả. Biện pháp hành chính (cưỡng chế) là biện pháp cuối cùng buộc huyện phải xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Nhờ sự tích cực tuyên truyền, vận động của các cấp chính quyền, đoàn thể huyện Thanh Trì, tính đến ngày 18/11, trong số 88 hộ dự kiến cưỡng chế đã có 48 hộ đồng thuận và bàn giao mặt bằng.
Theo đúng kế hoạch, sáng 19/11, các đơn vị chức năng huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội đã hoàn thành việc cưỡng chế thu hồi đất đối với các hộ dân thuộc xã Ngọc Hồi không nhận tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư để thực hiện Dự án. Đây là những trường hợp khó khăn nhất trong việc GPMB của Dự án này.
Trước đó, ngày 12/11, lực lượng chức năng huyện đã tiến hành cưỡng chế thu hồi đất của 2 hộ xã Ngũ Hiệp và 1 hộ đang điều chỉnh phương án theo hiện trạng sử dụng đất do tại thời điểm thực hiện kê khai, kiểm đếm gia đình không phối hợp. Quá trình cưỡng chế đã được các lực lượng chức năng thực hiện cẩn trọng theo đúng các quy định của pháp luật, không gặp phải sự chống đối của các hộ dân.
GPMB là khâu đột phá trong xây dựng hạ tầng
Hiện các đơn vị chức năng và các tổ công tác của UBND huyện Thanh Trì tiếp tục đến từng nhà tuyên truyền, vận động các hộ còn lại, để các hộ tự tháo dỡ, di dời, trả mặt bằng để thi công Dự án.
Bà Nguyễn Thị Thu Huyền - Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Thanh Trì cho biết, ngay từ khi bắt đầu Dự án, các xã đã thực hiện đầy đủ, công khai Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở, ban hành quy chế dân chủ và công khai trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng. Các xã đều nêu cao tinh thần chủ động tuyên truyền, vận động người dân ở khu vực GPMB tự nguyện bàn giao đất. Tại nhiều xã, tinh thần đồng thuận của bà con rất cao. Còn số ít những hộ chưa bàn giao, các tổ vận động sẽ tiếp tục vận động cho đến phút cuối cùng trước khi thực hiện biện pháp hành chính.
Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Xuân Phong nhấn mạnh, huyện Thanh Trì đang bước vào giai đoạn rất quan trọng, đó là đang trong lộ trình xây dựng huyện thành quận. Với lộ trình phát triển đó thì hạ tầng khung, trong đó có giao thông là hết sức quan trọng đối với sự phát triển của huyện. Do vậy, GPMB là một trong những nhiệm vụ quan trọng, là khâu đột phá trong xây dựng hạ tầng.
Cũng theo Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì, bên cạnh trục đường 1A đang triển khai thì còn 2 con đường lớn cần thực hiện mở rộng. Thứ nhất là đường từ nút Pháp Vân - Cầu Giẽ (đoạn chạy qua UBND huyện Thanh Trì xã Tứ Hiệp, Quang Lai, nối Phan Trọng Tuệ, kéo dài đến đường 70). Con đường này sẽ được mở rộng và Thành phố đã giao cho Thanh Trì làm chủ đầu tư. Thứ hai là đường 3,5 chạy từ Hà Đông qua xã Hữu Hòa, Tả Thanh Oai, Vĩnh Quỳnh, Ngọc Hồi, Ngũ Hiệp, Tứ Hiệp. Cùng với 2 con đường lớn này còn nhiều tuyến đường liên xã khác, nhưng đều sẽ thúc đẩy sự phát triển, giao thương của huyện Thanh Trì tới các quận, huyện của Thành phố.