Đóng kín cửa bật điều hòa có gây thiếu oxy, mệt mỏi, đau đầu?

Một bài viết lan truyền trên mạng xã hội về tình trạng mệt mỏi, stress, thậm chí rụng tóc do nồng độ CO2 cao từ việc bật điều hòa ngủ qua đêm trong phòng kín được nhiều người chú ý và lo lắng vì đây là thói quen của các gia đình trong mùa hè.

Thiếu oxy vì bật điều hòa?

Gần đây, một bài viết lan truyền trên Facebook về tình trạng mệt mỏi, đau đầu, thậm chí rụng tóc do nồng độ CO2 tăng cao khi sử dụng điều hòa trong phòng kín qua đêm đã thu hút sự chú ý. Bài đăng của tài khoản Đ.H.V. nhận được hơn 76.000 lượt thích và hàng chục ngàn chia sẻ chỉ trong hai ngày, kèm theo lời cảnh báo: “Điều hòa không giết ai, nhưng thiếu hiểu biết thì có thể!”

Anh Đ.H.V. chia sẻ, anh thường bật điều hòa và đóng kín cửa khi ngủ. Kết quả, anh liên tục thức dậy trong trạng thái mệt mỏi, đau đầu dữ dội, tim đập nhanh. Nghi ngờ vấn đề liên quan đến chất lượng không khí, anh sử dụng máy đo CO2 và phát hiện nồng độ CO2 trong phòng lên tới 2.000 ppm – vượt xa ngưỡng an toàn (dưới 700 ppm).

Theo anh, nồng độ CO2 cao kéo dài có thể gây mệt mỏi, giảm tỉnh táo, ảnh hưởng giấc ngủ và sức khỏe tổng thể, đặc biệt ở trẻ nhỏ và người cao tuổi.

Bài viết đang được chia sẻ trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình.

Bài viết đang được chia sẻ trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình.

Chuyên gia nói gì?

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ giải thích, điều hòa chỉ làm mát không khí, không tiêu hao oxy hay tạo ra CO2. Khí CO2 chủ yếu đến từ quá trình hô hấp của con người. Trong phòng kín, CO2 tích tụ dần nếu không có thông gió, với tốc độ phụ thuộc vào số người, diện tích phòng và thời gian ngủ.

Ví dụ, phòng 20m², cao 3m (tổng 60m³), 1 người ngủ 8 giờ tạo ra khoảng 120-160 lít CO2. Nếu phòng kín hoàn toàn, nồng độ CO2 có thể lên tới ~2.666 ppm sau 8 giờ. Nhưng thực tế, CO2 thường thoát ra qua khe cửa, nên mức này khó đạt.

Theo Cục Quản lý An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp Mỹ (OSHA), nồng độ CO2 an toàn trong 8 giờ là dưới 5.000 ppm (0,5%). Mức 40.000 ppm (4%) mới gây nguy hiểm tức thì đến tính mạng. Tuy nhiên, ở ngưỡng 2.000-5.000 ppm, CO2 có thể gây mệt mỏi, đau đầu nhẹ, giảm tập trung, đặc biệt khi thức dậy. Dù vậy, chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy CO2 ở mức này gây rụng tóc hay ngạt thở.

Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng (Trung tâm Oxy cao áp Việt Nga) dẫn nghiên cứu từ Đại học Kỹ thuật Đan Mạch về ngưỡng CO2 an toàn cho biết: Dưới 750 ppm: Không ảnh hưởng giấc ngủ.

750-1.150 ppm: Thông gió kém, giấc ngủ bắt đầu bị ảnh hưởng.

Trên 1.150 ppm: Chất lượng giấc ngủ giảm rõ rệt.

Từ 2.600 ppm: Gây rối loạn giấc ngủ và giảm hiệu suất nhận thức.

Một nghiên cứu tại Singapore chỉ ra, phòng ngủ kín sử dụng điều hòa thường có nồng độ CO2 từ 1.500-1.900 ppm, thậm chí vượt 2.000 ppm, dẫn đến mệt mỏi, khó tập trung và giảm hiệu suất ngày hôm sau.

Các chuyên gia đều khuyến cáo, người dân không cần lo sợ khi sử dụng điều hòa, nhưng nên áp dụng các biện pháp thông gió hiệu quả:

- Tạo khe thông gió: Làm khe nhỏ (5-10 cm²) ở cửa sổ hoặc cửa chính, gần trần nhà, để khí CO2 thoát ra tự nhiên nhờ chênh lệch áp suất.

- Mở hé cửa và dùng quạt nhỏ: Mở cửa 0,5-1 cm, đặt quạt nhỏ hướng ra khe hở để hút khí tươi vào và đẩy khí CO2 ra ngoài.

- Sử dụng quạt thông gió: Lắp quạt đối lưu hoặc quạt thông gió nhỏ ở vị trí cao trên tường hoặc trần, công suất thấp nhưng hiệu quả cao, ít ảnh hưởng đến điện năng của điều hòa.

- Bảo trì điều hòa: Vệ sinh bộ lọc và dàn lạnh 6 tháng/lần để tránh bụi, nấm mốc. Đảm bảo độ ẩm trong phòng ở mức 40-60% và hạn chế đặt cây xanh ban đêm.

Phương Thúy

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/dong-kin-cua-bat-dieu-hoa-co-gay-thieu-oxy-met-moi-dau-dau-2402157.html
Zalo