Đong đầy cảm xúc trong trang sách Tết

Đã thành thông lệ, cứ mỗi năm thương hiệu sách Đông A và nhà văn Hồ Anh Thái lại cho ra mắt ấn phẩm Sách Tết gồm những bài viết ấn tượng, chất lượng, mang đến không khí mùa xuân cho một năm mới vừa mới bắt đầu.

Năm Ất Tỵ 2025 này, cuốn sách vẫn giữ cấu trúc như các năm trước, khi mở đầu bằng Khúc dạo đầu mùa xuân với 6 bài viết về những vấn đề hoặc những ký ức của các cây viết gạo cội, xoay quanh những mùa xuân để lại ấn tượng đặc biệt với họ. Sau đó là các phần Văn, Thơ, Nhạc, Họa có sáng tác mới cũng như nổi bật của những nhà văn nổi tiếng, đã có tên tuổi trong văn đàn Việt.

Những trang viết này hoặc mang đến một không khí mới với hy vọng mới cho năm sắp đến, hoặc đã gói ghém nhiều điều ngẫm nghĩ khi ta nhìn lại một năm đã qua.

Sách Tết Ất Tỵ 2025 là một tác phẩm không chỉ tràn đầy mùa xuân mà còn mang đến đa dạng cảm xúc trong từng trang sách. Ảnh: Đông A

Mùa xuân, điện ảnh và ký ức

Năm nay, một điểm nổi bật của Sách Tết 2025 là có sự góp mặt của 3 nữ đạo diễn nổi tiếng của điện ảnh – sân khấu Việt Nam, gồm Xuân Phượng, Việt Linh và Nguyễn Thị Minh Ngọc. Tuy không phải lần đầu cả 3 tên tuổi góp mặt tại đây, nhưng có thể nói là lần đầu tiên mà họ đều viết về một kỷ niệm ít nhiều dính líu đến nghiệp làm phim.

Nếu năm trước đạo diễn – tác giả Xuân Phượng đã viết những trang hồi ký về tết quê nội, tết quê ngoại, tết của bản thân khi ông của bà quan triều Nguyễn, thì lần này bà đã viết về một buổi xem phim giữa rừng trong thời gian tham gia cách mạng. Đứng từ góc nhìn của người trẻ, có thể thấy mỗi lần góp mặt bà lại mang đến những điều mới mẻ và cũng là điều mà thế hệ ngày nay chưa từng trải qua.

Trong bài viết năm nay, bà đã kể lại trải nghiệm thú vị khi làm “bánh chưng sắn” để đem đổi lấy cái Tết trong rừng với “ba con gà sống thiến, lông vũ rực rỡ màu sắc, một tảng thịt lợn mỡ trắng ngần lẫn với thịt nạc màu hồng tươi và một giỏ trẻ đầy đến ngọn những hạt gạo nếp to tròn” từ người đồng bào. Ngoài ra trải nghiệm xem phim ở An toàn khu với lần báo động giả cũng đã mang đến tiếng cười hài hước…

Đạo diễn - tác giả Xuân Phượng kể lại trải nghiệm thú vị khi làm “bánh chưng sắn” để đem đổi lấy cái tết trong rừng. Ảnh: Đông A

Đạo diễn - tác giả Xuân Phượng kể lại trải nghiệm thú vị khi làm “bánh chưng sắn” để đem đổi lấy cái tết trong rừng. Ảnh: Đông A

Trong khi đó đạo diễn Việt Linh lại nhớ đến những năm tháng làm phim với câu chuyện dở khóc dở cười trên trường quay của phó đạo diễn, thiết kế mỹ thuật hay nhân viên phụ trách đạo cụ. Sáng tác của Nguyễn Thị Minh Ngọc về một nhân vật quan trọng là người thầy dạy phim cho một nữ đạo diễn trẻ cũng cho ta thấy xuân là dịp không chỉ để vui mà còn để thương cũng như hoài nhớ.

Là một cây viết nổi tiếng của nhiều tản văn, biên khảo về thủ đô nghìn năm văn hiến, năm nay tác giả Nguyễn Ngọc Tiến cũng góp mặt với bài viết xoay quanh rất nhiều vấn đề thú vị, như triết lý “trời tròn đất vuông” không phải xuất hiện từ buổi ban đầu của dân tộc ta mà mới du nhập từ sự ảnh hưởng của phương Bắc. Ông cũng phân tích vì sao cái tết thường gắn với hành động “ăn”, cũng như ảnh hưởng của Phật giáo và Nho giáo đến dịp lễ này ra sao…

Cũng trong bài viết, ông đặt ra vấn đề lớn và được trích ra là tiêu đề bài viết Người Việt ăn tết đến bao giờ? Đây là câu chuyện thường trực xuất hiện thời gian gần đây mà mỗi một người lại có ý kiến khác nhau. Nhưng kết lại, phần đông vẫn ngầm chấp nhận điều như nhà văn Trung Sĩ đặt bút viết xuống: “Một bản nhạc không thể không có các dấu lặng, một tuyến đường sắt xa xôi không thể không có các ga xép, một đại dương bao la không thể không có các bến cảng và một năm trôi qua không thể không có tết”.

Ấn phẩm có sự góp mặt của những nhà văn nổi tiếng, đã có tên tuổi trong văn đàn Việt. Ảnh: Đông A

Ấn phẩm có sự góp mặt của những nhà văn nổi tiếng, đã có tên tuổi trong văn đàn Việt. Ảnh: Đông A

Những áng văn đầy cảm xúc

Năm nay phần Văn có sự góp mặt của nhiều tên tuổi cả mới lẫn cũ, từ đó mang đến bức tranh đa dạng của những cảm xúc. Trong đó hài hước có thể kể đến Phải nói là đầy châm biếm, giễu nhại của Văn Thành Lê và Trượt chân trên tầng cao trích từ tập truyện cùng tên đã được ra mắt trong năm 2024 của nhà văn Hồ Anh Thái. Cả hai truyện ngắn đều mang đến nhiều nụ cười nhưng cũng đồng thời khiến ta suy ngẫm về cuộc đời đảo điên hiện nay, với những thượng vàng hạ cám lên ngôi mà con người nhỏ bé đôi khi bất lực chẳng thể làm gì.

Còn lại đa số là gam màu buồn. Đó là nỗi buồn cá nhân trong truyện ngắn của Lê Minh Khuê (Quà biển), Hiền Trang (Giọng nói của sương mù), Ý Nhi (Bức ảnh mờ nhòe)… Nhưng điều quan trọng là qua những nốt trầm ấy, ta thấy thật rõ tình cảm đẹp đẽ giữa người với người (Tiệc tất niên bất ngờ - Nguyễn Thị Thu Huệ) hoặc trong gia đình (Áo biên thùy – Đỗ Tiến Thụy, Tiền mừng tuổi – Phạm Thị Ngọc Liên, Trông chừng khách – Trương Anh Quốc)…

Một cấp cao hơn, cũng có những truyện đặt ta vào cõi nhân quần có sự đồng cảm, mà truyện xoay quanh một nhân vật chờ trúng xổ số và một bà lão cô độc đem bán cành mai của Hoàng Công Danh là một trong số đó. Ngoài ra tuổi trẻ hoang hoải và cõi người phức tạp cũng hiện diện trong Đơn thương độc mã của Huỳnh Trọng Khang hay Lên chùa của Phan Cung Việt…

Truyện ngắn của Ma Văn Kháng không chỉ mang đến mùa xuân trong bối cảnh mà còn là cái đẹp danh dự của chính con người. Ảnh: Đông A

Truyện ngắn của Ma Văn Kháng không chỉ mang đến mùa xuân trong bối cảnh mà còn là cái đẹp danh dự của chính con người. Ảnh: Đông A

Trong không khí đó, mùa xuân cũng hiện diện trong các truyện ngắn bằng tinh thần tươi mới như người cán bộ trong Cỏ mùa xuân xanh thẳm của Ma Văn Kháng, khi để chứng minh đàn bò mình được giao cho thiếu hụt là do những con sói nanh ác mà đã ở lại cả trong ngày tết để bắn bằng được quân gian manh ấy. Truyện ngắn này không chỉ mang đến mùa xuân trong bối cảnh mà còn là cái đẹp danh dự của chính con người.

Và đặc biệt nhất không thể không kể đến Hoa đào trên đảo vắng – truyện ngắn vô cùng độc đáo của Phạm Duy Nghĩa. Có sự xuất hiện của linh vật năm nay là loài rắn (hay trăn), đây là câu chuyện có cốt truyện thú vị, khó đoán khi cài cắm yếu tố trùng sinh, xuyên không cùng với phiêu lưu, hành động bất ngờ.

Cuốn sách dành cho mọi người

Sách Tết Ất Tỵ 2025 cũng cho thấy tầm bao quát của nhà văn Hồ Anh Thái trong khả năng biên soạn, khi không chỉ dành cho độc giả trong nước mà hai bài viết Ai dám mong chi xuân về của Nguyễn Tường Bách và Chủ nhật mùng một xa xứ của Thư Uyển cũng đã hướng đến những kiều bào hiện đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài.

Bên cạnh độc giả là người trưởng thành, trải nghiệm đọc sách cùng nhau cũng được chú ý trong việc có sự xuất hiện của những vầng thơ dành cho thiếu nhi. Song song đó, mùa xuân của những thi nhân “hồn muôn năm cũ” cũng được đặt cạnh những tên tuổi mới và có cá tính, từ đó mang đến mùa xuân đa sắc, dưới nhiều góc nhìn.

Ở phần nhạc, Nguyễn Thị Minh Châu qua việc bình luận về 3 bài hát vô cùng nổi tiếng là Bài ca hy vọng (Văn Ký), Mùa xuân làng lúa làng hoa (Ngọc Khuê) và Đất nước mùa xuân (Hoàng Vân) không chỉ cho thấy mùa xuân đặc biệt hiện lên trong các ca khúc, mà còn chỉ ra điểm hay và điểm mới lạ của các nhạc sĩ trong việc không ngừng học hỏi để vận dụng những yếu tố đặc biệt vào các bản nhạc.

Về phần hình ảnh, cuốn sách được trình bày một cách ấn tượng qua những minh họa của các họa sĩ nổi tiếng như: Kim Duẩn, Tạ Huy Long, Đặng Hồng Quân, Phạm Công Tâm… Ảnh: Đông A

Về phần hình ảnh, cuốn sách được trình bày một cách ấn tượng qua những minh họa của các họa sĩ nổi tiếng như: Kim Duẩn, Tạ Huy Long, Đặng Hồng Quân, Phạm Công Tâm… Ảnh: Đông A

Trong khi đó phần Họa năm nay giới thiệu một vị họa sĩ cầm tinh con rắn là Đào Hải Phong. Không chỉ cho thấy lối đặc trưng dùng màu chói gắt, bất hòa cùng những đặc trưng trong hội họa của ông gồm Nước và Sự sống, Đậm và Nhạt, Bóng và Nỗi nhớ, Chuyển động thể hiện trong cái Tĩnh, Lâu đài cổ tích - Ngõ nhỏ - Phố nhỏ; mà bài viết còn truyền cảm hứng trong câu chuyện cá nhân của vị họa sĩ trong việc kiên định và không từ bỏ để đến được với niềm đam mê lớn…

Có thể nói Sách Tết Ất Tỵ 2025 là một tác phẩm không chỉ tràn đầy mùa xuân mà còn mang đến đa dạng cảm xúc trong từng trang sách, từ tươi mới như trẻ thơ cho đến thâm trầm và đầy suy ngẫm, từ những ký ức hoài nhớ đến các trang văn mang tính hòa giải… Không ngoa khi nói sẽ thật thiếu sót nếu thiếu đi ấn phẩm này trong những ngày Tết, cuốn sách giúp ta thêm yêu, thêm hiểu và thêm trân trọng lễ hội truyền thống lớn nhất trong năm của người Việt.

Minh Anh

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/dong-day-cam-xuc-trong-trang-sach-tet-46937.html
Zalo