Đồng bộ, quyết liệt ngăn gian lận thuế kinh doanh thương mại điện tử

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, TS. Nguyễn Đình Chiến - Phó Trưởng khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính) cho rằng, việc Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công an sử dụng mã số định danh công dân làm mã số thuế sẽ đồng bộ được hệ thống dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương về hộ tịch, thuế, ngân hàng, viễn thông... với dữ liệu quốc gia về dân cư, góp phần hạn chế tối đa tình trạng gian lận thuế từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.

Hiện có hơn 1,1 triệu hộ kinh doanh có doanh thu từ giao dịch thương mại điện tử. Ảnh tư liệu minh họa.

Hiện có hơn 1,1 triệu hộ kinh doanh có doanh thu từ giao dịch thương mại điện tử. Ảnh tư liệu minh họa.

PV: Ông đánh giá thế nào về những nỗ lực của Bộ Tài chính trong việc đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu, chống thất thu trong kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT)?

TS. Nguyễn Đình Chiến: Phát triển TMĐT là một xu thế tất yếu trong hoạt động kinh tế hiện nay và Việt Nam đang được xác định là quốc gia có tăng trưởng về TMĐT nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Chỉ thị số 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng kế hoạch chi tiết về kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành liên quan để tăng cường công tác quản lý thuế đối với kinh doanh TMĐT.

Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan đã triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều biện pháp quan trọng theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Trong đó, có việc kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư để thực hiện việc rà soát đồng bộ với CSDL về mã số thuế. Con số 97,75% dữ liệu thuế, mã số thuế định danh theo căn cước công dân (CCCD) đã được chia sẻ đến ngày 3/6/2024 đã cho thấy nỗ lực rất lớn của Bộ Tài chính trong thực hiện nội dung này. Bởi vì trên thực tế, việc này không đơn giản.

Ngoài ra, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Ngân hàng Nhà nước bước đầu hoàn thành việc chia sẻ CSDL gồm: dữ liệu của 929 website cung cấp dịch vụ TMĐT; dữ liệu về 130 tổ chức hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, quảng cáo, phát thanh truyền hình; dữ liệu của trên 9 triệu tài khoản thanh toán của tổ chức và trên 121 triệu tài khoản thanh toán của cá nhân tại 96 ngân hàng thương mại.

Những con số đó thể hiện nỗ lực, quyết tâm và hiệu quả trong quá trình triển khai thực hiện của Bộ Tài chính

PV: Việc Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công an sử dụng mã số định danh công dân làm mã số thuế sẽ tạo thuận lợi trong quản lý hoạt động kinh doanh TMĐT ra sao, thưa ông?

TS. Nguyễn Đình Chiến: Việc sử dụng thống nhất mã số định danh công dân là mã số thuế sẽ giúp thay đổi phương thức quản lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác quản lý thuế nói riêng và công tác quản lý nhà nước nói chung. Đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, hệ thống dữ liệu liên quan được coi là yếu tố quan trọng nhất.

Do đó, việc rà soát, chuẩn hóa thông tin đăng ký thuế của cá nhân với CSDL quốc gia về dân cư mà cụ thể là sử dụng mã số định danh thay thế cho mã số thuế cá nhân khi thực hiện các thủ tục liên quan đến việc khai thuế, nộp thuế, đăng ký giao dịch điện tử sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động quản lý thuế kinh doanh TMĐT.

Đồng thời, việc sử dụng mã số định danh công dân làm mã số thuế sẽ đồng bộ được hệ thống dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương về hộ tịch, thuế, ngân hàng, viễn thông... với dữ liệu quốc gia về dân cư. Trên hệ thống CSDL đó, ngành Thuế sẽ có đầy đủ các thông tin cần thiết để thực hiện quản lý kinh doanh TMĐT theo mức độ rủi ro, qua đó góp phần hạn chế tối đa tình trạng gian lận thuế.

PV: Để tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động TMĐT nói chung và công tác quản lý thuế nói riêng, ông có khuyến nghị gì để việc phối hợp, kết nối, chia sẻ thông tin giữa các bộ, ngành đạt được hiệu quả cao trong thời gian tới?

TS. Nguyễn Đình Chiến: Theo tôi, cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp; sự phối hợp chặt chẽ cũng như trong xử lý những khó khăn, vướng mắc, bất cập về thể chế, chính sách, thẩm quyền, trách nhiệm trong quá trình triển khai phối hợp, kết nối, chia sẻ thông tin. Trên cơ sở đó, hoàn thiện thể chế phục vụ xây dựng, phát triển dữ liệu về dân cư, kết nối, chia sẻ dữ liệu nói riêng và chuyển đổi số quốc gia nói chung.

Hoàn thiện CSDL quốc gia về dân cư, đồng thời cơ sở dữ liệu thuộc phạm vi quản lý của các bộ, ngành cũng cần được nâng cấp, bảo đảm dữ liệu chính xác, được bổ sung, cập nhật thường xuyên, thống nhất theo tiêu chuẩn, mang lại thuận lợi và hiệu quả cao trong quá trình phối hợp, kết nối, chia sẻ thông tin.

Ngoài ra, cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý thuế, nhất là trong quản lý hoạt động TMĐT. Trong đó, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp về hóa đơn điện tử, tiếp tục quản lý và phát huy vai trò của Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài, Cổng thông tin thương mại điện tử, xây dựng Cổng Thông tin đăng ký kê khai thuế của sàn thương mại điện tử trong nước, đôn đốc kê khai, chọn thanh tra, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật thuế.

Cùng với đó, thường xuyên rà soát, đánh giá an toàn thông tin, an ninh mạng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu; khẩn trương khắc phục những hạn chế, bất cập về lỗ hổng bảo mật, tình trạng lộ lọt thông tin để bảo vệ dữ liệu cá nhân.

PV: Xin cảm ơn ông!

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia

Theo TS. Nguyễn Đình Chiến, cần đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia, tạo tiền đề cho việc phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia và hình thành kho thông tin định danh số cho công dân, tổ chức, đảm bảo sẵn sàng khai thác, kết nối, chia sẻ để sử dụng trong giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến cũng như trong quản lý thuế nói riêng.

Đức Việt

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/dong-bo-quyet-liet-ngan-gian-lan-thue-kinh-doanh-thuong-mai-dien-tu-157364.html
Zalo