Sáng 12/9: Tỷ giá trung tâm giảm trở lại
Theo khảo sát của thoibaonganhang.vn, tính đến 9h sáng nay (12/9), tỷ giá trung tâm giảm 25 đồng so với phiên trước. Trong khi đó, giá mua - bán USD tại tất cả các ngân hàng được điều chỉnh giảm với biên độ phổ biến từ 60-120 đồng so với phiên trước.
Ngân hàng Nhà nước sáng nay niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.187 đồng, giảm 25 đồng so với phiên trước.
Sáng nay, Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên giá mua USD ở mức 23.400 VND/USD trong khi giảm giá bán USD xuống mức 25.346 VND/USD.
Trong khi đó, giá mua - bán USD tại tất cả các ngân hàng được điều chỉnh giảm với biên độ phổ biến từ 60-120 đồng so với phiên trước.
Cụ thể, tính đến 9h sáng nay, giá mua USD thấp nhất đang ở mức 24.350 VND/USD (thấp hơn 98 đồng), giá mua cao nhất đang ở mức 24.420 VND/USD (thấp hơn 90 đồng). Ở chiều bán ra, giá bán USD thấp nhất đang ở mức 24.720 VND/USD (thấp hơn 100 đồng), giá mua cao nhất đang ở mức 24.870 VND/USD (thấp hơn 60 đồng).
Chỉ số đô la Mỹ (DXY), đo lường biến động của bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF), hiện ở mức 101,770 điểm, giảm 0,01 điểm so với thời điểm mở cửa.
Đồng USD tăng lên mức cao nhất trong 4 tuần so với đồng euro sau khi có dấu hiệu cho thấy lạm phát tại Mỹ đang chậm lại, củng cố kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ không cắt giảm lãi suất một cách mạnh mẽ tại cuộc họp chính sách vào tuần tới.
Theo số liệu được Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 11/9, chỉ số giá tiêu dùng của nước này đã tăng nhẹ trong tháng 8/2024, trong khi lạm phát cơ bản vẫn ở mức cao do giá thuê nhà và chi phí cho một số dịch vụ tăng cao.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,2% trong tháng 8/2024, tương đương với mức tăng của tháng 7.
So với cùng kỳ năm ngoái, tính đến tháng 8, CPI tăng 2,5%, mức tăng thấp nhất kể từ tháng 2/2021, sau khi tăng 2,9% vào tháng 7.
Không tính đến giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động, CPI lõi - thước đo lạm phát cơ bản - đã tăng 0,3% trong tháng 8, sau khi tăng 0,2% vào tháng 7. So với cùng kỳ năm ngoái, tính đến tháng 8, CPI lõi đã tăng 3,2%, tương đương với mức tăng 3,2% của tháng 7.
Mặc dù lạm phát cơ bản vẫn cao hơn mục tiêu 2% của Fed, nhưng đã thấp trở lại đáng kể, cho phép các nhà hoạch định chính sách tập trung nhiều hơn vào thị trường lao động nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế. Dữ liệu của chính phủ Mỹ tuần trước cho thấy tăng trưởng việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp dưới mức kỳ vọng vào tháng 8, song tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 4,2% từ mức cao trong gần ba năm là 4,3% của tháng 7.
Theo Công cụ FedWatch của CME Group, thị trường hiện dự báo khả năng cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản tại cuộc họp chính sách ngày 17-18/9 của Fed là khoảng 15%, trong khi tỷ lệ cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản là khoảng 85%.
Thị trường cũng dự đoán, Fed sẽ cắt giảm lãi suất tổng cộng 104 điểm cơ bản trong khoảng thời gian từ nay đến cuối năm, nghĩa là có nhiều khả năng cơ quan này sẽ cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản tại cuộc họp chính sách vào tháng 11 hoặc tháng 12.
Đồng euro giảm 0,02% xuống mức 1,1010 USD, gần mức thấp nhất mà nó chạm đến trong phiên trước đó là 1,1002 USD, mức yếu nhất kể từ ngày 16/8.
Thị trường đang dự đoán Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) sẽ giảm lãi suất 25 điểm cơ bản tại cuộc họp chính sách sắp diễn ra.
Trước đó, ECB đã tiến hành cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản vào ngày 7/6, đưa lãi suất cơ bản từ mức đỉnh điểm 4% xuống còn 3,75%.
Theo số liệu chính thức, lạm phát của Khu vực đồng euro (Eurozone) đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 3 năm vào tháng 8/2024.
Giá tiêu dùng tháng 8/2024 chỉ tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước, giảm so với mức 2,6% vào tháng 7/2024, khiến con số này chỉ cách mục tiêu của ECB một chút.
Lạm phát lõi (loại trừ các yếu tố biến động mạnh như giá năng lượng và thực phẩm) được theo dõi chặt chẽ, vẫn ở mức cao 2,8% trong tháng 8/2024, trong khi lạm phát trong lĩnh vực dịch vụ lại tăng tốc.
Bảng Anh hiện giao dịch ở mức 1,3035 USD, giảm 0,06% sau khi giảm xuống mức 1,30025 USD trong phiên trước đó, mức thấp nhất kể từ ngày 20/8.
Ở châu Á, đồng USD tăng giá so với đồng yên sau phiên giao dịch hỗn loạn vào thứ Tư khiến đồng bạc xanh giảm tới 1,24% xuống mức thấp nhất trong năm nay trước khi phục hồi hoàn toàn sau khi dữ liệu giá tiêu dùng được công bố.
Bà Junko Nakagawa, Thành viên hội đồng quản trị Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) đã củng cố xu hướng thắt chặt của cơ quan này khi cho rằng lãi suất thực thấp tạo điều kiện cho việc tăng lãi suất thêm nữa.
Sau những bình luận của bà Nakagawa, đồng USD tăng 0,38% lên mức 142,905 yên đổi một USD sau khi giảm xuống mức thấp nhất là 140,71 yên đổi một USD mà nó chạm đến trong phiên trước đó.
Hiện đồng yên giao dịch ở mức 142,5 yên đổi một USD, giảm 0,1%.
Cặp tỷ giá USD/JPY có xu hướng theo dõi lợi suất trái phiếu kho bạc dài hạn của Mỹ, đã phục hồi mạnh mẽ sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong 15 tháng là 3,605% vào thứ Tư và tăng theo giờ châu Á vào thứ Năm và đứng ở mức 3,6609%.
Ở những nơi khác, đô la Úc tăng 0,01% lên mức 0,6675 USD.
Đô la New Zealand giao dịch ở mức 0,6137 USD, tăng 0,02%.