IMF lo kinh tế Trung Đông và Bắc Phi 'hụt hơi', dự báo tăng trưởng thụt lùi
Ngày 1/5, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố báo cáo mới nhất về triển vọng kinh tế khu vực Trung Đông và Bắc Phi, trong đó dự báo tăng trưởng năm 2025 sẽ chậm lại đáng kể so với dự báo trước đó.

IMF cho rằng bất ổn toàn cầu đã ảnh hưởng mạnh triển vọng đầu tư, thị trường tài chính và giá dầu trên toàn thế giới, làm trầm trọng đà suy thoái. (Nguồn: Getty)
IMF đã điều chỉnh giảm mức tăng trưởng kinh tế của khu vực từ 4% xuống còn 2,6% cho năm 2025, đồng thời dự báo tăng trưởng năm 2026 cũng giảm từ 4,2% xuống 3,4%. Nguyên nhân chính là do tác động từ căng thẳng thương mại toàn cầu, bất ổn kinh tế và chính trị, sự phục hồi sản lượng dầu chậm hơn dự kiến, cùng với những ảnh hưởng kéo dài từ các cuộc xung đột trong khu vực.
Giám đốc IMF phụ trách Trung Đông và Trung Á, ông Jihad Azour cho biết các biện pháp thuế quan do Mỹ áp đặt không ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực vì mức độ hội nhập kinh tế giữa các quốc gia trong khu vực và Mỹ còn hạn chế, cũng như lĩnh vực năng lượng được miễn thuế.
Tuy nhiên, bất ổn toàn cầu đã ảnh hưởng mạnh triển vọng đầu tư, thị trường tài chính và giá dầu trên toàn thế giới, làm trầm trọng đà suy thoái.
Dự báo tăng trưởng năm 2025 cho các quốc gia xuất khẩu dầu trong khu vực đã được điều chỉnh giảm 1,7 điểm phần trăm so với dự báo trước đó. Có sự chênh lệch đáng kể giữa các quốc gia giàu dầu mỏ trong khu vực, với mức tăng trưởng dự kiến là 3% trong năm 2025 đối với các quốc gia vùng Vịnh, trong khi đó Iraq được dự báo giảm 1,5%.
Viện trợ quốc tế dành cho các quốc gia chịu xung đột giảm khoảng 25% kể từ năm 2021, tạo thêm áp lực lên quá trình phục hồi kinh tế. Các nước vùng Vịnh rất quan tâm đến việc hỗ trợ tái thiết cho những quốc gia bị chiến tranh tàn phá, song các nước này cần thực hiện các cải cách cần thiết để khôi phục sự cân bằng kinh tế và xã hội, đồng thời lấy lại lòng tin trong khu vực.