Đóng bảo hiểm xã hội 15 năm, lương hưu tính thế nào?

Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 gia tăng cơ hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội thông qua việc giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm để được hưởng lương hưu.

Câu hỏi:

Vì hoàn cảnh gia đình nên tôi tham gia thị trường lao động muộn, đến nay mới đóng bảo hiểm xã hội được 10 năm. Tôi được biết, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 quy định lao động nam đóng bảo hiểm xã hội 15 năm đủ điều kiện để được hưởng lương hưu, vậy mức hưởng bao nhiêu phần trăm? (Ông Nguyễn Văn Phúc, xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, Hà Nội):

Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm để được hưởng lương hưu. Ảnh minh họa.

Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm để được hưởng lương hưu. Ảnh minh họa.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội trả lời:

Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 quy định, người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật Lao động năm 2019 và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu hàng tháng.

Theo quy định tại Bộ luật Lao động năm 2019, năm 2025, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường đối với nam là đủ 61 tuổi 3 tháng, đối với nữ là đủ 56 tuổi 8 tháng.

Mức lương hưu hàng tháng được xác định như sau:

Điều 66 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 đã đưa ra những nội dung cụ thể về mức lương hưu hàng tháng, theo đó:

- Đối với lao động nữ bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 72 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%;

- Đối với lao động nam có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm, mức lương hưu hàng tháng bằng 40% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 72 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 tương ứng 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì tính thêm 1%. Đối với lao động nam có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 20 năm trở lên thì bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 72 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 tương ứng 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.

Mức lương hưu hàng tháng của đối tượng đủ điều kiện quy định tại Điều 65 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 (đối tượng suy giảm khả năng lao động) được tính như trên, sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%. Trường hợp thời gian nghỉ hưu trước tuổi dưới 06 tháng thì không giảm tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu, từ đủ 06 tháng đến dưới 12 tháng thì giảm 1%.

Người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu mà có thời gian đóng BHXH theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên nhưng có thời gian đóng BHXH ở Việt Nam dưới 15 năm thì mỗi năm đóng trong thời gian này được tính bằng 2,25% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH quy định tại Điều 72 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024.

Trường hợp người lao động đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội thì có thể lựa chọn một trong các cách thức sau để được hưởng lương hưu hoặc trợ cấp hằng tháng:

- Tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội sau khi đủ tuổi nghỉ đến khi đủ 15 năm để được hưởng lương hưu;

- Tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và lựa chọn phương thức đóng một lần cho thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu để được hưởng ngay lương hưu sau khi hoàn thành phương thức đóng.

- Đề nghị hưởng trợ cấp hàng tháng theo quy định tại Điều 23 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024.

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội cung cấp một số thông tin giúp bạn đọc có thể lựa chọn cách thức phù hợp để được hưởng lương hưu hoặc trợ cấp hằng tháng, đảm bảo quyền lợi cho bản thân.

Thủy Trúc

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dong-bao-hiem-xa-hoi-15-nam-luong-huu-tinh-the-nao.html
Zalo