Đồng bằng sông Cửu Long thúc đẩy xuất khẩu nông sản

Không chỉ tập trung vào việc mở rộng và kết nối với thị trường trong nước, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) những năm qua đặc biệt chú trọng vào thị trường xuất khẩu nông sản.

Các địa phương trong vùng đề ra các giải pháp phát triển phù hợp trong việc đưa nông sản đồng bằng vươn xa, khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế. Theo số liệu của Bộ Công thương, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu đã vượt mốc 1 tỷ USD như rau quả, gạo, tôm... và phần lớn nhóm ngành hàng này đến từ ĐBSCL. Riêng mặt hàng gạo, năm 2024, ước tính tổng lượng gạo xuất khẩu cả nước vẫn duy trì mức trên 8 triệu tấn, trong đó vùng ĐBSCL là 7,6 triệu tấn.

 Năm 2024, ước tính tổng lượng gạo xuất khẩu cả nước vẫn duy trì mức trên 8 triệu tấn, trong đó vùng ĐBSCL là 7,6 triệu tấn.

Năm 2024, ước tính tổng lượng gạo xuất khẩu cả nước vẫn duy trì mức trên 8 triệu tấn, trong đó vùng ĐBSCL là 7,6 triệu tấn.

Mặc dù số liệu tăng trưởng khả quan, tuy nhiên xuất khẩu nông sản của vùng đã, đang và sẽ phải đối mặt với những thách thức từ biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên nước, xâm nhập mặn, những xu hướng mới của bảo hộ mậu dịch... hơn hết là chưa phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có.

Đơn cử, TP. Cần Thơ mặc dù sở hữu nhiều lợi thế để phát triển, tuy nhiên ông Huỳnh Thanh Sử - Phó Giám đốc Sở Công thương TP. Cần Thơ, nhận định: “Xuất khẩu nông sản của thành phố nói chung và mặt hàng gạo nói riêng vẫn đối mặt nhiều thách thức do tình hình thương mại lương thực toàn cầu diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu gạo của thành phố. Mặt khác, phần lớn các doanh nghiệp đều khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng nên không chủ động trong việc thu mua lúa dự trữ phục vụ xuất khẩu. Nguồn nguyên liệu không ổn định về số lượng và chất lượng, làm giảm giá trị sản phẩm xuất khẩu”.

Tương tự, tại tỉnh Bạc Liêu, thủy sản, gạo và muối là 3 mặt hàng xuất khẩu chính, trong đó tôm là mặt hàng xuất khẩu chủ lực chiếm trên 95% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Tuy nhiên, ông Tô Minh Đương - Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bạc Liêu, cho rằng: “Tình hình cạnh tranh, xung đột giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; lạm phát và chính sách tiền tệ của một số nền kinh tế lớn còn chứa nhiều yếu tố bất định… đã và đang ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp. Trong khi đó, phần lớn doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu thuộc loại hình vừa và nhỏ, năng lực kinh doanh còn hạn chế, thiếu kiến thức về thị trường và luật pháp quốc tế. Đồng thời, các doanh nghiệp vẫn chưa đủ khả năng nhận biết và tránh né các rào cản kỹ thuật, lúng túng trong việc tìm biện pháp xử lý…”.

Trước thực trạng trên, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh những thách thức đặt ra, xuất khẩu nông sản ĐBSCL vẫn có những lợi thế từ việc nhu cầu lương thực, thực phẩm của thế giới tăng cao. Xuất khẩu nông sản có thể tận dụng cơ hội từ các hiệp định tự do mà Việt Nam đã ký kết…

 Các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu trong vùng cần thay đổi phương thức xuất khẩu hàng hóa theo hướng xuất khẩu số.

Các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu trong vùng cần thay đổi phương thức xuất khẩu hàng hóa theo hướng xuất khẩu số.

Bên cạnh đó, chuyển đổi xanh đang là xu thế mà Việt Nam cần phải đẩy mạnh khi tiến đến sân chơi toàn cầu. Do đó, các địa phương trong vùng cần thực hiện tốt Đề án Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL.

Ngoài ra, các địa phương trong vùng cũng cần định hướng doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu thay đổi phương thức xuất khẩu hàng hóa theo hướng xuất khẩu số. Qua đó, giúp doanh nghiệp tối ưu hóa trong quản lý chuỗi cung ứng, vận chuyển, đảm bảo chất lượng sản phẩm, giữ vững và nâng cao giá trị xuất khẩu hàng hóa, tăng thu nhập cho người nông dân.

Xuân Nhi

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/dong-bang-song-cuu-long-thuc-day-xuat-khau-nong-san-d52192.html
Zalo