Cơn sốt giá cà phê Robusta Việt Nam và tác động thị trường
Trong bối cảnh giá cà phê Robusta Việt Nam lần đầu tiên vượt qua giá cà phê Arabica với mức chênh lệch gần 900 USD/tấn, ngành xuất khẩu cà phê Việt Nam đang chứng kiến một bước ngoặt lịch sử, và có thể gây ra những biến động lớn trên thị trường cà phê toàn cầu.
Trong lịch sử ngành xuất khẩu cà phê Việt Nam, giá cà phê Robusta luôn được coi là thấp hơn nhiều so với cà phê Arabica, thường chỉ bằng từ 1/3 đến một nửa giá trị.
Tuy nhiên, nửa đầu tháng 9/2024, một hiện tượng chưa từng có đã xảy ra khi giá cà phê Robusta Việt Nam vượt qua Arabica với mức chênh lệch gần 900 USD/tấn, một bước ngoặt quan trọng cho ngành cà phê Việt Nam, làm thay đổi cục diện ngành cà phê Việt Nam và thế giới.
Sự tăng vọt chưa từng có của giá cà phê Robusta
Theo Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA), trong nửa đầu tháng 9/2024, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 17.305 tấn, mang về hơn 87 triệu USD, giảm 18% về khối lượng nhưng tăng 55,1% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, cà phê Robusta chiếm phần lớn với 15.155 tấn, đơn giá xuất khẩu trung bình đạt 5.053 USD/tấn, trong khi giá Arabica chỉ đạt 4.166 USD/tấn. Đây là lần đầu tiên giá Robusta vượt qua Arabica với mức chênh lệch 887 USD/tấn.
Lần đầu tiên ghi nhận sự kiện giá Robusta vượt Arabica là vào tháng 5/2024, khi khoảng cách chỉ là 32 USD/tấn. Tuy nhiên, sự chênh lệch ngày càng mở rộng khi Robusta tăng giá mạnh hơn do nhiều yếu tố tác động đến cung và cầu trên thị trường.
Nguyên nhân của hiện tượng tăng giá này, theo giới chuyên gia là do Robusta ngày càng trở nên phổ biến hơn trên thị trường quốc tế. Nhiều nhà rang xay trên thế giới, trước tác động của chi phí nguyên liệu, đã tăng tỷ lệ sử dụng cà phê Robusta để thay thế Arabica. Đồ uống hòa tan và cà phê espresso, vốn sử dụng nhiều Robusta, cũng ngày càng trở nên phổ biến. Việc sử dụng Robusta tăng đã khiến nhu cầu bùng nổ, đẩy giá loại cà phê này lên mức cao kỷ lục.
Cùng với nhu cầu tăng cao, nguồn cung cà phê Robusta bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi điều kiện thời tiết không thuận lợi tại các nước sản xuất lớn, đặc biệt là Việt Nam.
Ông Trịnh Đức Minh, chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, cho biết rằng sản lượng thu hoạch trong mùa vụ năm nay có thể giảm từ 10% đến 15%, phần lớn do điều kiện khí hậu khắc nghiệt.
"Điều này không chỉ ảnh hưởng đến kích thước và số lượng hạt cà phê mà còn gây khó khăn cho việc thu hoạch và phơi khô, làm giảm chất lượng và sản lượng cà phê xuất khẩu" ông Minh nói.
Sự tăng giá đột ngột của cây trồng khác, đặc biệt là sầu riêng và bơ, cũng khiến nhiều nông dân ở các khu vực trồng cà phê chuyển sang các loại cây mới này vì có lợi nhuận cao hơn. Với lợi nhuận từ sầu riêng có thể gấp đôi cà phê, diện tích trồng cà phê tại Việt Nam đã giảm trong những năm qua. Việc chuyển đổi này càng làm gia tăng áp lực lên nguồn cung cà phê Robusta, khiến giá tiếp tục leo thang.
Trong khi diện tích đất trồng cà phê đang giảm do chuyển đổi cây trồng, thì tình trạng khan hiếm nước ngầm và rừng che phủ làm cho việc canh tác trở nên khó khăn hơn. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), tình trạng giảm nguồn nước ngầm và bóng râm từ rừng che phủ cũng đặt ra nhiều thách thức dài hạn, bởi nhiều nông dân Việt Nam phụ thuộc vào giếng để tưới tiêu và rừng để làm giảm quá trình bốc hơi nước.
Tác động đến thị trường cà phê toàn cầu
Với vị thế là nhà sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới, chiếm tới 1/3 nguồn cung toàn cầu, những biến động trong sản xuất và cung ứng của Việt Nam có ảnh hưởng lớn đến thị trường cà phê toàn cầu. Sản lượng giảm sút của Việt Nam đã góp phần tạo ra tình trạng khan hiếm cà phê Robusta trên thị trường quốc tế.
Volcafe, một trong những công ty kinh doanh cà phê lớn nhất thế giới, cũng đã dự báo rằng thâm hụt nguồn cung Robusta sẽ là nghiêm trọng nhất trong mùa vụ 2024/25. Các quốc gia sản xuất lớn như Indonesia và Brazil cũng gặp khó khăn tương tự về thời tiết và dịch bệnh, làm gia tăng sự thiếu hụt trên toàn cầu.
Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) dự báo rằng tình trạng thiếu hụt cà phê Robusta sẽ tiếp tục trong niên vụ 2024/25, đánh dấu năm thứ tư liên tiếp nguồn cung bị thâm hụt. Điều này sẽ duy trì áp lực lên giá Robusta, khiến giá có thể tiếp tục duy trì ở mức cao trong thời gian dài.
Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), hơn 95% sản lượng cà phê của Việt Nam trong mùa tới sẽ là cà phê robusta.
Vào tháng 6 vừa qua, USDA dự báo sản lượng cà phê Robusta của Việt Nam trong niên vụ 2024/25 sẽ giảm 1%, chỉ còn 27,85 triệu bao 60kg. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn khoảng 9% so với niên vụ 2021/22, cho thấy sản lượng cà phê đã giảm trong dài hạn, trong khi nhu cầu toàn cầu lại tăng mạnh.
Điều này sẽ giữ cho giá Robusta ở mức cao trong thời gian dài và tạo thêm áp lực lên thị trường Arabica, khi các nhà rang xay phải điều chỉnh sản phẩm để phù hợp với nhu cầu thị trường.
Thị trường lại tiếp tục bị bồi thêm một cú sốc khi các vùng trồng cà phê ở Việt Nam vừa trải qua một đợt thời tiết ẩm ướt trong tháng 8, nhưng các trận mưa lớn xảy ra sau cơn bão Yagi đổ bộ vào miền Bắc vào ngày 7 tháng 9 khiến các đồn điền cà phê bị ngập úng thêm.
Những trận mưa liên tục này có thể khiến việc xuất khẩu cà phê của Việt Nam, vốn thường bắt đầu từ đầu tháng 11, bị trì hoãn đến đầu tháng 12, thậm chí có thể muộn hơn.
Theo ông Daryl Kryst, Phó Chủ tịch phụ trách thực hiện và bán hàng hàng hóa tại công ty môi giới hàng hóa StoneX, “Chúng tôi kỳ vọng giá cà phê Robusta sẽ giảm, nhưng điều đó có thể không xảy ra cho đến đầu năm sau.”