Công chức thôi việc theo nguyện vọng, tính trợ cấp thế nào?
Cơ quan bà Đặng Thị Huyền có một công chức lãnh đạo được luân chuyển đến từ ngày 21/3/2024 (đã hưởng lương, phụ cấp tại cơ quan cũ hết tháng 3/2024). Từ tháng 4/2024, công chức này không đi làm, không hưởng lương, phụ cấp (xin nghỉ ốm và xin thôi việc từ ngày 10/4/2024).
Ngày 26/6/2024, công chức có quyết định cho thôi việc theo nguyện vọng tính từ ngày 1/7/2024 và giải quyết chế độ thôi việc theo Nghị định số 46/2010/NĐ-CP.
Bà Huyền hỏi, trường hợp công chức trên nghỉ việc không hưởng lương từ tháng 4/2024, có quyết định cho thôi việc từ ngày 1/7/2024 thì mức lương hiện hưởng để tính trợ cấp thôi việc được xác định như thế nào?
Về vấn đề này, Bộ Nội vụ trả lời như sau:
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 59 Luật Cán bộ, công chức, công chức xin thôi việc theo nguyện vọng thì phải làm đơn gửi cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền xem xét, quyết định. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đơn, cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền phải trả lời bằng văn bản, nếu không đồng ý cho thôi việc thì phải nêu rõ lý do; trường hợp chưa được cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền đồng ý mà tự ý bỏ việc thì không được hưởng chế độ thôi việc và phải bồi thường chi phí đào tạo, bồi dưỡng theo quy định của pháp luật.
Công chức thôi việc được hưởng trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 46/2010/NĐ-CP, theo đó, cứ mỗi năm làm việc được tính bằng 1/2 tháng lương hiện hưởng, gồm: mức lương theo ngạch, bậc, phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có). Mức trợ cấp thấp nhất bằng 1 tháng lương hiện hưởng.