Đồng bằng sông Cửu Long hướng tới nền kinh tế xanh
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được đánh giá là vùng đất giàu tiềm năng với những cánh đồng lúa rộng lớn, hệ sinh thái thủy sản phong phú và nguồn lao động dồi dào. Tuy nhiên, nơi đây đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, sụt lún đất và áp lực cạnh tranh toàn cầu.
Trước bối cảnh đó, các địa phương ĐBSCL đang dần khẳng định sự quan tâm, đẩy mạnh các hoạt động theo định hướng phát triển bền vững, kinh tế xanh, công nghệ xanh, thúc đẩy thương mại bền vững, tận dụng tốt nguồn lực sẵn có của địa phương.
Kinh tế xanh - động lực cho sự phát triển
Ông Lê Văn Phước - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, địa phương đang định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp quy mô lớn, giảm phát thải, ứng dụng công nghệ cao, giảm giá thành, nâng cao giá trị, định hướng trở thành trung tâm lúa gạo và thủy sản nước ngọt vùng ĐBSCL.
“Ngoài lúa gạo, tỉnh An Giang sẽ khai thác hiệu quả hơn lợi thế về nguồn nước ngọt và thổ nhưỡng, chú trọng phát triển thêm các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, như: cá tra, rau màu và cây ăn trái cùng nhóm ngành hàng tiềm năng là chăn nuôi và nấm ăn, dược liệu để cung cấp cho ngành công nghiệp chế biến lương thực - thực phẩm với định hướng chủ đạo là tăng cường chế biến tinh, đa dạng hóa sản phẩm, tăng tỷ trọng sản phẩm có giá trị gia tăng cao theo chuỗi cung ứng khép kín, đồng bộ từ nguyên liệu đến thành phẩm” - ông Phước thông tin.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên cho biết, Hậu Giang định hướng xây dựng thành trung tâm logistics của ĐBSCL là trung tâm chế biến sâu, là nơi kết nối các tỉnh khu vực phía Tây sông Hậu, qua đó định hướng tư duy mới về kinh tế xanh, kinh tế số, logistics và chuỗi giá trị.
“Định hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và các mô hình kinh tế mới dựa trên 4 trụ cột công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch với 5 đột phá chiến lược “Một tâm, hai tuyến, ba thành, bốn trụ, năm trọng tâm” nhằm khơi dậy những tiềm năng, thế mạnh, khởi nguồn và tạo đột phá để Hậu Giang trở thành tỉnh khá trong khu vực và cả nước” - ông Tuyên thông tin.
Còn tại tỉnh Đồng Tháp, đến nay, địa phương đã đạt được những kết quả tích cực trong quá trình tăng trưởng xanh, qua đó chứng minh khả năng thích nghi và phát triển theo hướng bền vững.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa, địa phương xác định phát triển nền nông nghiệp thông minh và bền vững, chuyển đổi và áp dụng phương pháp sản xuất thân thiện với môi trường và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên thông qua triển khai các mô hình nông nghiệp sạch, giảm hóa chất và nâng cao giá trị sản phẩm là mũi tiên phong của tỉnh.
Nhiều giải pháp đã được thực hiện tại Đồng Tháp, bao gồm việc triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chí tuần hoàn, bền vững; giảm cường độ phát thải khí nhà kính; ứng dụng phân hủy các phụ phẩm nông nghiệp tạo phân hữu cơ; cải tạo đất tạo độ màu mỡ; phát triển các chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng và bảo quản nông sản; thí điểm mô hình phát triển điện mặt trời kết hợp với trồng cây nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt là Đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp nhằm nâng cao chất lượng lúa gạo và giảm thiểu tác động môi trường, phù hợp với xu hướng tăng trưởng xanh.
Bên cạnh lĩnh vực nông nghiệp, Đồng Tháp cũng đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, khai thác tối đa thế mạnh thiên nhiên kết hợp với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa địa phương.
Đột phá từ Đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao
Ông Tô Thái Thành - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn Tiến Thịnh chuyên chế biến sản phẩm nông sản xuất khẩu cho biết, yêu cầu khắt khe từ các thị trường Mỹ và châu Âu về chất lượng, an toàn thực phẩm và bền vững ngày càng gia tăng. “Các đối tác từ Mỹ và châu Âu ưu tiên những sản phẩm được sản xuất theo phương pháp giảm thiểu tác động đến môi trường, như sử dụng năng lượng tái tạo, hạn chế rác thải nhựa, và bảo vệ quyền lợi người lao động trong toàn bộ chuỗi cung ứng” - ông Thành nhận định.
Trong bối cảnh tiêu chuẩn toàn cầu ngày càng khắt khe, đặc biệt là yêu cầu sản xuất nông nghiệp “xanh - sạch - ít phát thải”, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Võ Tân Thành cho rằng, Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc. Việc chuyển đổi sang mô hình nông nghiệp phát thải thấp không chỉ là yêu cầu bắt buộc để đáp ứng thị trường quốc tế mà còn là con đường sống còn để bảo vệ môi trường và gia tăng giá trị cho người nông dân.
“Chính phủ đã phê duyệt nhiều chiến lược và đề án quan trọng, điển hình là Đề án phát triển 1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL - một hình mẫu quốc tế về nông nghiệp carbon thấp. Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh, hướng tới một nền nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn và phát thải carbon thấp. Một trong những giải pháp đột phá để giảm phát thải là áp dụng mô hình tín chỉ carbon. Đây không chỉ là công cụ thúc đẩy giảm thiểu phát thải mà còn tạo ra nguồn thu mới cho người nông dân thông qua giao dịch tín chỉ” - ông Thành nói
Bà Huỳnh Kim Định - Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn; kiêm Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL cho rằng, Đề án “Xây dựng và phát triển 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh” là một chính sách đột phá của Chính phủ nhằm nâng cao năng suất và chất lượng lúa, giảm thiểu phát thải khí nhà kính, và hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững ở ĐBSCL.
Chính sách này không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn giúp nâng cao giá trị sản phẩm lúa, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và quốc tế. Đề án thật sự là định hướng chỉ đạo một cuộc “cách mạng xanh” trong chuỗi ngành hàng lúa gạo. Để triển khai đề án thành công đã có nhiều chính sách mang tính đột phá tháo gở nhanh, kịp thời những vướng mắc, trở ngại khi thực hiện đề án.
Theo bà Huỳnh Kim Định, qua một năm thực hiện, từ kết quả mang lại của 7 mô hình thí điểm tại 5 tỉnh, đề án đã mang lại những kết quả đáng khích lệ như lợi nhuận cho người trồng lúa tăng 30 - 35%, lượng khí giảm phát thải trung bình 6 - 8 tấn CO2/hA.
“Qua kết quả từ thực tiễn cho thấy, đề án thể hiện một chiến lược mang tính khoa học, hiện đại và khả thi cao. Tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt dưới sự tham gia và vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chuyên ngành, đoàn thể và người nông dân đã nâng cao vị thế lúa gạo Việt Nam trên trường quốc tế và thị trường trong nước, giúp người nông dân trồng lúa vùng ĐBSCL nâng cao thu nhập, giảm thiểu rủi ro và nâng cao khả năng thích ứng chống chịu với biến đổi khí hậu, là cơ sở nền tảng để phát triển công nghiệp xanh, du lịch sinh thái” - bà Huỳnh Kim Định nhấn mạnh.