Phát triển bền vững các khu công nghiệp

Đồng hành cùng các doanh nghiệp và nhà đầu tư chuyển đổi phát triển mô hình khu công nghiệp (KCN) theo hướng xanh, sinh thái, ứng dụng công nghệ cao, mới đây, tỉnh đã ban hành Chương trình hành động Phát triển bền vững KCN với nhiều nhiệm vụ cụ thể. Qua đó góp phần hiện thực hóa các cam kết của Việt Nam hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Khu công nghiệp Bá Thiện II (Bình Xuyên) được định hướng đầu tư đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư. Ảnh: Chu Kiều

Khu công nghiệp Bá Thiện II (Bình Xuyên) được định hướng đầu tư đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư. Ảnh: Chu Kiều

Thực tiễn cho thấy, từ khi tái lập tỉnh (năm 1997) đến nay, Vĩnh Phúc luôn nhất quán trong tư duy, tầm nhìn đổi mới, trong đó lấy công nghiệp làm mũi nhọn đột phá và việc phát triển các KCN là một trong những giải pháp quan trọng.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 17 KCN được thành lập và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; tổng diện tích đất đã cho dự án thứ cấp thuê hơn 1.051 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 44,62%. Các KCN trên địa bàn đã đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) của tỉnh và là nhân tố quan trọng đưa Vĩnh Phúc trở thành tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao, điểm sáng thu hút FDI trên cả nước nhiều năm qua.

Tuy nhiên, những điểm nghẽn trong quá trình phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh thời gian qua như công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (BT - GPMB) kéo dài; việc phát triển các khu nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong KCN chậm được triển khai; một số chủ đầu tư có năng lực hạn chế, vốn mỏng dẫn đến dự án chậm tiến độ, kinh doanh không hiệu quả... là những nguyên nhân khiến lợi thế cạnh tranh của tỉnh có xu hướng giảm sút, phát triển KCN chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh vốn có.

Hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; hoàn thành các mục tiêu về phát triển KT - XH được Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra, phấn đấu đến năm 2025, Vĩnh Phúc là tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo phát triển KCN và ban hành Chương trình hành động “Phát triển bền vững KCN trên địa bàn tỉnh" vào cuối năm 2024.

Hạ tầng xử lý nước thải thân thiện môi trường tại Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc giúp các nhà đầu tư thứ cấp yên tâm sản xuất. Ảnh: Chu Kiều

Hạ tầng xử lý nước thải thân thiện môi trường tại Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc giúp các nhà đầu tư thứ cấp yên tâm sản xuất. Ảnh: Chu Kiều

Trong đó, xác định phát triển các KCN tại tỉnh phải chuyển hướng phát triển theo hướng bền vững để đáp ứng yêu cầu khách quan và thực tiễn: Lấy mục tiêu hiệu quả là cao nhất, trong đó tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các KCN đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, sau đó mới tiến hành thu hút đầu tư các KCN mới phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh; lựa chọn các dự án thứ cấp có công nghệ cao, thân thiện với môi trường, sử dụng tiết kiệm năng lượng làm mục tiêu hàng đầu; lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng KCN có năng lực tài chính, có kinh nghiệm trong quản lý và xúc tiến đầu tư.

Hiện thực hóa các mục tiêu trên, phấn đấu đến năm 2050, Vĩnh Phúc có 29 KCN với tổng diện tích 5.490 ha và phát triển thêm các KCN trong trường hợp được bổ sung, điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất, đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về KCN lên quy mô 10.000 ha, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, chính quyền các địa phương tập trung, quyết liệt thực hiện công tác BT - GPMB cho các KCN đã được thành lập để chủ đầu tư hạ tầng KCN có đủ mặt bằng triển khai thực hiện dự án theo đúng tiến độ.

Khẩn trương triển khai lập quy hoạch phân khu xây dựng KCN làm cơ sở để tổ chức lập hồ sơ dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN.

Nghiên cứu, xây dựng Bộ công cụ về sàng lọc dự án đầu tư, Bộ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng KCN, đảm bảo lựa chọn được nhà đầu tư đủ năng lực, kinh nghiệm, điều kiện để thực hiện dự án. Đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số...

Là cơ quan đầu mối giúp UBND tỉnh về công tác quản lý Nhà nước về KCN, triển khai chương trình hành động, Ban Quản lý các KCN đã và đang tiếp tục hiện đại hóa hoạt động xúc tiến đầu tư, tăng cường sự phối hợp, liên kết giữa Trung ương với địa phương, giữa các vùng, giữa cơ quan quản lý Nhà nước với hiệp hội đầu tư nước ngoài, các tổ chức quốc tế, các công ty tư vấn có kinh nghiệm, uy tín để thu hút các nhà đầu tư chiến lược với các dự án đầu tư có chất lượng.

Đồng thời thường xuyên nắm bắt tình hình, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc như xác định giá đất, nguồn đất san nền... tạo điều kiện cho các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, đưa các dự án vào hoạt động theo đúng kế hoạch, nhất là các KCN đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư...

Lưu Nhung

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/122275//phat-trien-ben-vung-cac-khu-cong-nghiep
Zalo