Đồng bằng sông Cửu Long bước vào giai đoạn bứt phá: 'Chìa khóa' là tầm nhìn chiến lược

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang bước vào giai đoạn bứt phá nhờ sự quan tâm và đầu tư quyết liệt từ Trung ương.

Cầu Mỹ Thuận 1 và 2 là điểm 'gạch nối' quan trọng trong việc phát triển kinh tế vùng ĐBSCL với TPHCM. Ảnh: Q.A

Cầu Mỹ Thuận 1 và 2 là điểm 'gạch nối' quan trọng trong việc phát triển kinh tế vùng ĐBSCL với TPHCM. Ảnh: Q.A

Từng được xem là điểm nghẽn khiến khu vực kém sức cạnh tranh, hạ tầng giao thông tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang bước vào giai đoạn bứt phá nhờ sự quan tâm và đầu tư quyết liệt từ Trung ương.

Tuy nhiên, để tạo sức bật toàn diện và tận dụng tối đa tiềm năng từ các tuyến trục chính, vai trò chủ động và tầm nhìn chiến lược từ các địa phương là yếu tố không thể thiếu.

Khung hạ tầng chính dần đồng bộ

Thời gian qua, hàng loạt dự án cao tốc quan trọng đã được đưa vào khai thác, góp phần cải thiện đáng kể năng lực kết nối vùng, kết nối các tỉnh ĐBSCL với TPHCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Điển hình là các tuyến TPHCM - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ. Không dừng lại ở đó, nhiều công trình giao thông huyết mạch khác cũng đang được triển khai mạnh mẽ như tuyến cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau (dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025) và tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Trần Đề (đặt mục tiêu hoàn thành vào giữa năm 2026).

Song song đó, tuyến Cao Lãnh - An Hữu sẽ đóng vai trò liên kết giữa Đồng Tháp và Tiền Giang, đồng thời kết nối hoàn chỉnh với hệ thống cao tốc hiện có. Tuyến này được quy hoạch kéo dài đến TP Rạch Giá (Kiên Giang) thông qua việc nâng cấp tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi.

Ngoài ra, những “nút thắt” giao thông vốn cản trở phát triển trong nhiều năm qua cũng đang được tháo gỡ. Đó là triển khai xây dựng cầu Rạch Miễu 2 (nối Tiền Giang - Bến Tre) và cầu Đại Ngãi (Trà Vinh - Sóc Trăng).

Ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Chi nhánh ĐBSCL nhận định, việc hạ tầng yếu kém từng là điểm nghẽn lớn khiến khu vực tụt hậu trong nhiều năm.

Sự chuyển biến gần đây với loạt tuyến cao tốc là bước đột phá rõ rệt, song vẫn chỉ mới ở giai đoạn hình thành các trục xương sống. Câu hỏi đặt ra là làm sao để các tuyến đường này thực sự trở thành động lực phát triển, chứ không chỉ là “đường để đi qua”.

Tại Lễ công bố báo cáo kinh tế thường niên vùng ĐBSCL năm 2024, TS Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright (FSPPM), nhận định, hệ thống cao tốc hoàn thiện vào năm 2025 sẽ mang đến cơ hội lớn cho các địa phương ở phía Nam Long An và Tiền Giang. Khi mạng lưới trục dọc Long An - Cà Mau và trục ngang An Giang - Sóc Trăng được kết nối đồng bộ, hạ tầng logistics sẽ trở thành bệ đỡ giúp công nghiệp và xuất khẩu tại khu vực phát triển bền vững.

Thực tế cho thấy, Long An và Tiền Giang đang là hai tỉnh đi đầu trong vùng nhờ tận dụng hiệu quả các tuyến cao tốc và vị trí địa lý thuận lợi. Năm 2024, hai địa phương này đóng góp đến 50% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn vùng, tương đương trên 28 tỷ USD - kết quả được thúc đẩy mạnh mẽ từ khi tuyến TPHCM – Trung Lương đi vào hoạt động từ năm 2010.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính trong buổi kiểm tra tiến độ thi công Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, thuộc Dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông (giai đoạn 2021 - 2025). Ảnh: Q.A

Thủ tướng Phạm Minh Chính trong buổi kiểm tra tiến độ thi công Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, thuộc Dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông (giai đoạn 2021 - 2025). Ảnh: Q.A

Địa phương cần chủ động “bắt sóng” hạ tầng

Dù được Trung ương đầu tư các tuyến trục chính, nhưng các địa phương phải đóng vai trò chủ động trong việc phát triển mạng lưới kết nối và hệ sinh thái đầu tư. Ông Nguyễn Phương Lam nhấn mạnh, hệ sinh thái phát triển không thể chỉ trông chờ vào đường cao tốc, mà còn cần các yếu tố đi kèm như hệ thống cảng, nguồn cung cấp điện - nước, hạ tầng logistics và các khu công nghiệp được quy hoạch bài bản.

Nhiều địa phương hiện có khu công nghiệp nhưng lại thiếu hạ tầng hỗ trợ đi kèm, khiến doanh nghiệp ngần ngại đầu tư. Do đó, việc hoàn thiện hạ tầng cấp vùng chỉ là điều kiện cần; còn điều kiện đủ, tạo ra giá trị thực sự, sẽ phụ thuộc vào mức độ chủ động và cách làm của chính quyền địa phương.

Minh chứng rõ nét là Long An - tỉnh đang nổi lên như một cực tăng trưởng mới ở khu vực phía Nam. Ông Trần Văn Tươi - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, cho biết hiện tỉnh đã thu hút hơn 2.260 dự án đầu tư với tổng vốn trên 20 tỷ USD.

Thành công này đến từ việc Long An có tầm nhìn chiến lược rõ ràng khi ban hành quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, với trọng tâm là phát triển TP Tân An và hai hành lang kinh tế lớn chạy dọc vành đai 3, 4 và quốc lộ 50B.

Cùng với quy hoạch, tỉnh Long An đã thu hút gần 174.000 tỷ đồng đầu tư vào hai hành lang này. Đồng thời, Long An cũng chủ động đầu tư vào hệ thống giao thông kết nối như tuyến đường ra cảng biển, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng số, điện, nước... Dù chỉ xếp thứ 21 toàn quốc về chỉ số hạ tầng, nhưng nhờ chiến lược thông minh, tỉnh vẫn thu hút được dòng vốn đầu tư lớn.

Bên cạnh hạ tầng vật chất, Long An còn chú trọng đào tạo nhân lực. Địa phương này đã chủ động liên kết với các trường dạy nghề tại TPHCM nhằm cung cấp nguồn lao động kỹ thuật chất lượng cao cho các khu công nghiệp rộng 16.000 ha đang vận hành.

Tại Cần Thơ - trung tâm vùng ĐBSCL, ông Dương Tấn Hiển - Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết việc mở rộng các tuyến đường huyết mạch như vành đai phía Tây, các tuyến 97, 98, 921, 923… đang hình thành mạng lưới khu – cụm công nghiệp hiện đại.

Hiện, thành phố đã quy hoạch trên 7.400 ha đất công nghiệp, gồm các dự án trọng điểm như VSIP Cần Thơ (293 ha) và khu công nghiệp Vĩnh Thạnh (540 ha), cùng loạt cụm công nghiệp, đô thị vệ tinh và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác.

Ông Hiển khẳng định, phát triển hạ tầng đồng bộ là điều kiện tiên quyết để thu hút đầu tư, tạo việc làm, gia tăng giá trị sản xuất và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương. Với những thay đổi mạnh mẽ trong tư duy quy hoạch, đầu tư và kết nối hạ tầng, vùng ĐBSCL đang cho thấy một diện mạo mới – năng động, chủ động và hội nhập hơn.

Tuy nhiên, để khai thác tối đa lợi thế từ các tuyến cao tốc, các địa phương cần tiếp tục phát huy vai trò đầu tàu, chủ động nắm bắt thời cơ, cùng chung tay hiện thực hóa khát vọng phát triển bền vững cho cả vùng.

Trong chuyến công tác tại các tỉnh ĐBSCL những ngày cuối tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến kiểm tra tiến độ thi công Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (thuộc Dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025). Thủ tướng mong muốn đến cuối năm bước vào Đại hội Đảng sẽ có con đường lịch sử từ Cao Bằng đến Đất Mũi xây dựng trong 5 năm. Trên tinh thần đó, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và các nhà thầu, đơn vị thi công phải làm việc với tinh thần thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa. Trong thực hiện nhiệm vụ cần phát huy tinh thần kỷ cương, trách nhiệm, kịp thời, tăng tốc, sáng tạo, hiệu quả bền vững. “Tinh thần là chậm nhất đến 19/12/2025 phải khánh thành dự án, bởi đây là Ngày Toàn quốc kháng chiến phải tạo khí thế để làm việc khác. Đoạn nào làm sớm, khánh thành sớm hơn thì càng tốt”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Quốc Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/dong-bang-song-cuu-long-buoc-vao-giai-doan-but-pha-chia-khoa-la-tam-nhin-chien-luoc-post730195.html
Zalo