Đòn bẩy phát triển vùng nguyên liệu cà phê bền vững

Sau 2 năm triển khai hợp phần 5 của Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông-lâm-thủy sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025, nhiều tuyến đường nội đồng ra vùng nguyên liệu sản xuất cà phê được đầu tư xây dựng.

Sự quan tâm, đầu tư đó đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất cà phê của người dân, hợp tác xã (HTX).

Năm 2022, Gia Lai được Bộ Nông nghiệp và PTNT lựa chọn triển khai Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông-lâm-thủy sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2021-2025.

Trên cơ sở đề án này, ngày 31-8-2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2366/KH-UBND triển khai xây dựng vùng nguyên liệu nông-lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025.

Theo đó, tỉnh tập trung xây dựng vùng nguyên liệu cà phê quy mô lớn, hàng hóa tập trung, hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến và phát triển các HTX nông nghiệp ở vùng nguyên liệu cà phê liên kết bền vững với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu.

Qua 2 năm triển khai kế hoạch của UBND tỉnh, Ban Quản lý các dự án nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đã đầu tư xây dựng, nâng cấp 12,32 km đường giao thông nội đồng của 4 HTX gồm: tuyến giao thông liên vùng kết nối khu sản xuất của HTX Nông nghiệp thương mại và du lịch sinh thái Hàm Rồng (xã Ia Băng, huyện Đak Đoa) có chiều dài 3,67 km tại xã Ia Băng (huyện Đak Đoa) và xã Ia Tiêm (huyện Chư Sê); đường ra khu sản xuất của HTX Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Ia Ring (huyện Chư Sê) có chiều dài 4,25 km; HTX Dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Hòa (huyện Chư Păh) được đầu tư tuyến đường dài 2,1 km; đường nội đồng ra khu sản xuất của HTX Xây dựng-thương mại và dịch vụ Phượng Hoàng (huyện Đức Cơ) có chiều dài 2,29 km.

 Tuyến đường đất đồi dốc ngày nào đã được bê tông hóa. Ảnh: N.D

Tuyến đường đất đồi dốc ngày nào đã được bê tông hóa. Ảnh: N.D

Ngoài ra, đề án còn đầu tư xây dựng nhà trưng bày sản phẩm cà phê của HTX Nông nghiệp và dịch vụ Đak Krong (huyện Đak Đoa) với kinh phí hơn 26 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các địa phương và HTX nông nghiệp đã tuyên truyền, vận động người dân đối ứng bằng hình thức hiến đất để có mặt bằng triển khai xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn. Đến nay, các tuyến đường thuộc đề án này đã hoàn thành đưa vào sử dụng, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất của người dân và HTX trồng cà phê.

Ông Nguyễn Văn Thuận (thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh) chia sẻ: Năm 2023, xã Nghĩa Hòa được đầu tư xây dựng tuyến đường bê tông nội đồng ra khu sản xuất cà phê. Người dân trong xã rất phấn khởi. Nhiều hộ tự nguyện dịch chuyển hàng rào, chặt bỏ cà phê để mở rộng mặt đường.

“Tôi đã chặt bỏ gần 40 cây cà phê đang trong giai đoạn kinh doanh để hiến đất bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Từ khi tuyến đường này hoàn thành, người trồng cà phê đi lại và vận chuyển nông sản, vật tư thuận lợi hơn và không còn lo lắng mỗi khi mùa mưa đến”-ông Thuận phấn khởi nói.

 Ông Nguyễn Văn Thuận (thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh) chặt bỏ gần 40 cây cà phê để hiến đất mở rộng mặt đường. Ảnh: N.D

Ông Nguyễn Văn Thuận (thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh) chặt bỏ gần 40 cây cà phê để hiến đất mở rộng mặt đường. Ảnh: N.D

Còn ông Nguyễn Thế Minh-Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Hòa thì cho biết: Khu vực sản xuất cà phê của HTX có diện tích hơn 200 ha tại thôn 2 và thôn 5. Trước đây, đường ra khu sản xuất là đường đất, nhỏ hẹp, độ dốc cao. Vào mùa mưa, việc đi lại, vận chuyển vật tư phân bón gặp rất nhiều khó khăn.

“Hợp tác xã phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân hiến đất mở rộng mặt đường và nhận được sự đồng thuận cao. Bây giờ, tuyến đường đã hoàn thành đưa vào sử dụng, người trồng cà phê ở đây rất phấn khởi”-ông Minh nói.

Trao đổi với P.V, ông Y Nguyên Ênuôl-Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Cà phê là cây trồng chủ lực của tỉnh với hơn 106 ngàn ha. Đến nay, toàn tỉnh có 46 ngàn ha cà phê sản xuất theo tiêu chuẩn 4C, UTZ, hữu cơ.

Nhiều địa phương đã hình thành vùng nguyên liệu sản xuất cà phê tập trung theo chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp, HTX và người dân để phát triển bền vững.

Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phát triển thêm các HTX nông nghiệp trong vùng nguyên liệu cà phê để liên kết với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất, bảo quản, chế biến cà phê là đòn bẩy thúc đẩy cho ngành cà phê của tỉnh phát triển theo hướng bền vững.

NGUYỄN DIỆP

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/don-bay-phat-trien-vung-nguyen-lieu-ca-phe-ben-vung-post304724.html
Zalo