Đòn bẩy lớn nhất của bức tranh kinh tế năm 2024 là nỗ lực hoàn thiện thể chế

Đây là nhận định của TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) trao đổi với PetroTimes, khi nói về yếu tố kích hoạt động lực tăng trưởng kinh tế năm 2024.

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng VEPR: Sự linh hoạt trong ổn định về thể chế đã tạo nền tảng tốt để Việt Nam thúc đẩy các động lực tăng trưởng năm 2024. (Ảnh: VCCI)

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng VEPR: Sự linh hoạt trong ổn định về thể chế đã tạo nền tảng tốt để Việt Nam thúc đẩy các động lực tăng trưởng năm 2024. (Ảnh: VCCI)

PV: Ông nhìn nhận thế nào về bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2024?

TS Nguyễn Quốc Việt: Bức tranh kinh tế Việt Nam năm qua có nhiều điểm sáng. Trong đó, động lực tăng trưởng xuất khẩu là bệ đỡ lớn, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế chung của đất nước. Năm 2024 dự kiến chúng ta sẽ cán đích với tổng kinh doanh xuất nhập khẩu 800 tỷ USD và điều đó kích hoạt dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam năm nay dự kiến đạt trên 31 tỷ USD vốn đăng ký.

Sự khởi sắc của các lĩnh vực công nghiệp năm 2024 từ chế biến, chế tạo cho đến các ngành truyền thống như dệt may, da giày, gỗ… cũng ấn tượng với đóng góp của các mặt hàng trên 10 tỷ USD. Cùng với sự khởi sắc chung của nền kinh tế, số lượng doanh nghiệp tham gia, quay trở lại, thành lập mới đạt trên 200.000 doanh nghiệp trong 11 tháng qua. Qua các khảo sát cho thấy doanh nghiệp đã tự tin hơn, kể cả trong khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước khi đánh giá về triển vọng kinh doanh, về doanh thu và lợi nhuận cũng đều tốt hơn so với định giá cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024.

Bên cạnh đó, sự khởi động mặc dù tương đối chậm nhưng cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý nhà nước thì đầu tư công của Việt Nam đã có những tiến bộ rõ nét vào dịp cuối năm, nếu 9 tháng đầu năm 2024, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công chỉ khoảng 40%, thì đến hết tháng 11, tỷ lệ này đã trên 60% kế hoạch giải ngân của cả năm.

Mặc dù khối lượng đó chưa đạt được kỳ vọng và mong mỏi của Chính phủ, nhưng cũng đã thể hiện một nỗ lực rất lớn. Việc giải ngân các cái dòng vốn đầu tư công vào các cái cơ sở hạ tầng quan trọng của đất nước đã tác động trực tiếp, lan tỏa vào các ngành, các lĩnh vực để thúc đẩy tăng trưởng dài hạn. Tiêu biểu, việc hoàn thành dự án đường dây 500kV mạch 3 không những đảm bảo tăng trưởng nhu cầu trong dài hạn mà còn đảm bảo an ninh năng lượng đất nước.

PV: Công cuộc hoàn thiện thể chế năm vừa qua đã tạo ra những đòn bẩy nào vào bức tranh chung nền kinh tế, thưa ông?

TS Nguyễn Quốc Việt: Ngay từ đầu năm 2024, Chính phủ và Quốc hội đã nhận thức được việc triển khai các mục tiêu kinh tế xã hội thì không thể không tính đến hoàn thiện thể chế, chính sách và pháp luật, thực chất gói hoàn thiện thể chế và chính sách pháp luật được coi là gói hỗ trợ thứ 5 trong các chương trình mục tiêu khôi phục kinh tế xã hội hậu Covid-19, từ năm 2022, 2023 và kéo dài đến 2024.

Sau thời kỳ dịch bệnh, Chính phủ đã ban hành ngay Nghị quyết 02 về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, cải cách các điều kiện kinh doanh, thủ tục, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, tạo sức bật, nền tảng cho sự phục hồi của đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trong năm nay, chương trình nghị sự làm việc của Quốc hội đã có sự thay đổi và bổ sung, hoàn thiện nhiều các văn bản quy định pháp luật có tính nền tảng vô cùng lớn cho cho kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Công tác hoàn thiện thể chế liên quan đến ngành năng lượng như Luật Điện lực sự cải thiện lớn, làm mềm đi các biện pháp quản lý, cũng như khắc phục những bất cập của thị trường (ảnh minh họa)

Công tác hoàn thiện thể chế liên quan đến ngành năng lượng như Luật Điện lực sự cải thiện lớn, làm mềm đi các biện pháp quản lý, cũng như khắc phục những bất cập của thị trường (ảnh minh họa)

Điển hình như Luật Đất đai mới, Luật Các tổ chức tín dụng mới, đấy là những xương sống cho lĩnh vực kinh tế có thể phát huy tốt nhất các nguồn lực để phục vụ cho sự phát triển kinh tế, tạo nền tảng vững chắc hơn, chống chịu trước cú sốc từ bên trong và bên ngoài.

Bên cạnh đó, công tác hoàn thiện thể chế liên quan đến ngành năng lượng như Luật Điện lực cho đến là những văn bản liên quan trong mua bán điện trực tiếp, năng lượng tái tạo, nghị định kinh doanh xăng dầu, cơ chế phát triển điện mặt trời… đã được ban hành, có sự cải thiện lớn ở những văn bản pháp quy tạo thuận lợi, làm mềm đi các biện pháp quản lý, tránh sự điều hành can thiệp quá sâu của cơ quan quản lý cũng như khắc phục những bất cập của thị trường.

Ngoài ra, chúng ta cũng không thể không kể đến cái nỗ lực của Quốc hội và Chính phủ trong việc bám sát các cái diễn biến của tình hình kinh tế trong và ngoài nước để đưa ra những chiến lược, chính sách nhằm trợ lực cho nền kinh tế. Điển hình là những cái chính sách chung về giãn, hoãn, miễn giảm các loại thuế, lệ phí để thực hiện hỗ trợ, trợ lực cho nền kinh tế thì tôi cho rằng đấy là những cái sự.

Sự linh hoạt trong lựa chọn các chính sách vĩ mô đã phục vụ tốt cho kích hoạt các động lực và phục hồi tăng trưởng cho Việt Nam. Ví dụ, trước đây chúng ta có quyết định miễn thuế môi trường đối với xăng dầu vừa giảm giá nguyên liệu xăng dầu, vừa thực hiện mục tiêu kép giảm áp lực lạm phát, hỗ trợ giảm chi phí đầu vào cho cái hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và chi tiêu của người dân.

Đặc biệt, sau khi Chính phủ nhìn nhận về “điểm nghẽn thể chế” và chất lượng các quy định của pháp luật nói chung gây ảnh hưởng đến tăng trưởng thì cũng đã có những cái biện pháp vô cùng quyết liệt. Trước hết là chủ trương xây dựng dự án Một luật sửa 7 luật, trong đó đặc biệt là những luật khai thông nguồn lực ngân sách nhà nước (Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công).

Sự linh hoạt trong ổn định về thể chế đã tạo nền tảng tốt để Việt Nam thúc đẩy các động lực tăng trưởng, trong đó có những động lực mang tính chất nền tảng dựa trên xuất khẩu, thu hút đầu tư, đầu tư công, đầu tư tư nhân.

PV: Theo ông, những dư địa mới có thể nhìn thấy được ngay từ bây giờ cho triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2025 từ đòn bẩy hoàn thiện thể chế là gì?

TS Nguyễn Quốc Việt: Công cuộc hoàn thiện thể chế, cải thiện chất lượng văn bản quy định pháp luật sẽ giúp các doanh nghiệp cảm thấy tự tin hơn khi họ mở rộng hoạt động đầu tư kinh doanh. Số lượng doanh nghiệp quay trở lại thị trường đã tăng lên một cách đáng kể, trung bình mỗi tháng có hơn 20.000 doanh nghiệp được thành lập mới hoặc là quay lại thị trường.

Khi các thủ tục giảm đi, quy chuẩn quản lý sát với điều kiện thực tế, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế, doanh nghiệp sẽ có nhiều nguồn lực trong mô hình tăng trưởng mới, bởi muốn tăng trưởng, phải nói đến vai trò của doanh nghiệp và người lao động.

Đáng chú ý, Luật Các tổ chức tín dụng mới được ban hành và những đề xuất về cơ chế huy động nguồn lực mới, bên cạnh việc hoàn thiện cơ chế tín dụng sẽ là một trong những điểm tạo động lực thúc đẩy cho nền kinh tế nói chung. Đặc biệt là việc đa dạng trong huy động được các nguồn lực tài chính cho những mô hình tăng trưởng mới, như là tăng trưởng xanh hay là kinh tế tuần hoàn sẽ đòi hỏi có cái tiếp cận mới về các nguồn lực tài chính.

Việt Nam không thể chỉ dựa vào các nguồn lực về tín dụng, ngân hàng ở trong nước mà phải đa dạng hóa, kể cả trái phiếu, các quỹ đầu tư, cho thuê tài chính, cũng sẽ góp phần cho quá trình khởi động các mô hình tăng trưởng bền vững.

Bên cạnh đó, các lĩnh vực điện và năng lượng tái tạo, kinh tế số, đổi mới sáng tạo dựa trên công nghệ cao, công nghệ bán dẫn cũng được đánh giá có nhiều triển vọng và dư địa khai thác trong năm 2025.

Việt Nam đang hoàn thiện các thể chế, chính sách và tôi kỳ vọng chúng ta sẽ có những cơ chế, chính sách mang tính chất đột phá hay gọi là Sandbox để thử nghiệm các mô hình mới đó trên thực tiễn. Qua thử nghiệm, chúng ta rút ra kinh nghiệm và hoàn thiện thể chế để có thể áp dụng đại trà trong một tương lai gần.

Phương Thảo (thực hiện)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/don-bay-lon-nhat-cua-buc-tranh-kinh-te-nam-2024-la-no-luc-hoan-thien-the-che-722108.html
Zalo