'Đòn bẩy' để khởi nghiệp
Hoạt động khởi nghiệp trong đội ngũ sinh viên thời gian qua đã có bước tiến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động.
Tuy vậy, những khó khăn, trở ngại trên hành trình độc lập, tự chủ này vẫn còn nhiều. Các bạn trẻ rất cần những “đòn bẩy” để tạo ra nền móng vững chắc làm “bệ phóng” cho dự án, ý tưởng của mình.
Cần sự tư vấn, đồng hành
Khởi nghiệp đã thực sự trở thành phong trào rộng khắp trên tất cả các lĩnh vực hoạt động, các địa phương, các cấp, các ngành. Chỉ tính riêng trong giới học sinh, sinh viên (HS-SV), sau 6 năm thực hiện Ngày hội khởi nghiệp quốc gia đã thu hút hơn 3.000 dự án, hơn 4.000 ý tưởng tham gia. Đặc biệt, trong năm 2024, Cuộc thi HS-SV với ý tưởng khởi nghiệp lần thứ VI đã nhận được 707 dự án dự thi, phần lớn các dự án được đánh giá có sự đầu tư về hàm lượng nghiên cứu khoa học và có tính thực tiễn ngày càng cao.
Tuy nhiên, hành trình khởi nghiệp của các bạn sinh viên cũng gặp không ít khó khăn, từ việc lên ý tưởng, chuẩn bị tiềm lực tài chính cho đến triển khai hiện thực hóa ý tưởng…
Là thành viên của nhóm đạt giải Nhì trong Cuộc thi HS-SV với ý tưởng khởi nghiệp lần thứ VI, sinh viên Trần Ngọc Phấn, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ chia sẻ: Để có sản phẩm muối thực vật SaCoHy tham gia cuộc thi, nhóm đã dành thời gian gần 10 tháng tìm hiểu lựa chọn nguyên liệu, nghiên cứu với sự hỗ trợ nhiệt tình của giảng viên hướng dẫn và các bạn cùng lớp.
Sau khi sản phẩm đạt giải, mong muốn lớn nhất của nhóm là tiếp tục hoàn thiện để có thể đưa ra thị trường và dự án sẽ được doanh nghiệp đồng hành “chắp cánh”, đưa vào sản xuất với quy mô lớn, hướng tới mục tiêu xa hơn là xuất khẩu.
Mong muốn tiếp cận cơ hội khởi nghiệp, sinh viên Võ Đặng Đức Huy, Trường Bách khoa (Trường Đại học Cần Thơ) cho hay, em cũng như hầu hết các sinh viên đều mong muốn được hành động và đặt ra mục tiêu xây dựng dự án khởi nghiệp.
“Chúng em mong thực hiện ý tưởng khởi nghiệp, tạo ra những sản phẩm có tính ứng dụng cao, mang lại lợi ích cho cộng đồng và xã hội, sở hữu một bước tiến về khoa học và công nghệ. Vì thế chúng em rất cần được các nhà chuyên môn tư vấn, đồng hành xây dựng ý tưởng cũng như trang bị thêm cho chúng em những kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm và hỗ trợ nguồn lực tài chính để tiến tới khởi nghiệp”, Huy chia sẻ.
Doanh nghiệp cần sớm chung tay
Thông tin về vấn đề khởi nghiệp, PGS.TS Lê Nguyễn Đoan Khôi, Trưởng phòng Quản lý khoa học, Trường Đại học Cần Thơ cho biết, nhà trường có giảng dạy môn đổi mới sáng tạo với đội ngũ khoảng 20 giảng viên tham gia.
“Khó khăn đầu tiên là về nguồn nhân lực. Thực tế không có được mấy thầy cô giảng dạy môn này thực hiện thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp thành công”, PGS.TS Đoan Khôi nhận định.
Theo PGS.TS Đoan Khôi, trong quá trình giảng dạy sinh viên, chính thầy cô cũng đôi lúc gặp khó khi triển khai từ ý tưởng đến xây dựng mô hình kinh doanh và đeo đuổi đến lúc khởi nghiệp thành công. Để gỡ khó vấn đề này nhà trường đã mời các doanh nghiệp cùng tham gia chia sẻ kinh nghiệm cho sinh viên, tạo môi trường kết nối giữa học và hành cho các em.
Để khởi nghiệp thành công, PGS.TS Đoan Khôi lưu ý, sinh viên cần có kỹ năng xây dựng mối quan hệ, trau dồi năng lực quản lý và phải có ngoại ngữ trong bối cảnh hội nhập cùng với các kỹ năng giao tiếp, thuyết phục và gọi vốn.
Tương tự, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa cho rằng, muốn khởi nghiệp sinh viên trước tiên cần có tinh thần khởi nghiệp, dám dấn thân. Cùng với tinh thần ấy phải tâm huyết, có lòng kiên trì và sự sáng tạo trong việc xây dựng, phát triển ý tưởng mới và dũng cảm đối mặt với thách thức để đạt được mục tiêu. Với HS-SV, tinh thần khởi nghiệp không dừng lại ở việc đặt ra những mục tiêu mà còn liên quan đến việc phát triển những kỹ năng và phẩm chất cần thiết để thực hiện những mục tiêu đó.
“Sinh viên khởi nghiệp cần có những kỹ năng tự chủ và tự quản lý; sáng tạo và tư duy linh hoạt; kiên nhẫn và sẵn sàng đối mặt với thất bại; kỹ năng giao tiếp và xây dựng mối quan hệ; khả năng tự học và tận dụng nguồn lực, có tinh thần độc lập và tự tin. Đồng thời, ngoài những kỹ năng khởi nghiệp sinh viên cần chú ý đến những nền tảng để hiện thực hóa một ý tưởng hay một sản phẩm”, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh lưu ý.
Cùng trao đổi về vấn đề này, TS Nguyễn Thu Hằng, Trường Đại học Ngoại thương cho biết, hàng năm nhà trường có khoảng 200 ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong sinh viên. Trong quá trình đào tạo, đội ngũ giảng viên nhà trường tích cực thúc đẩy truyền cảm hứng cho sinh viên khởi nghiệp, từ việc xây dựng ý tưởng đến việc đào tạo, rèn cho các em bản lĩnh doanh nhân “dám nghĩ dám làm”…
“Để tạo cơ chế cho sinh viên khởi nghiệp, nhà trường đang xây dựng triển khai cơ chế hỗ trợ. Hiện trường sử dụng ngân sách trong quỹ phát triển khoa học công nghệ, nghiên cứu khoa học cho sinh viên để hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp. Để có thể hỗ trợ các bạn trẻ được nhiều hơn, trong tương lai gần nhà trường sẽ đẩy mạnh công tác hợp tác, vận động huy động các nguồn lực ủng hộ bên ngoài”, TS Hằng nhấn mạnh.
Đa số các giảng viên, chuyên gia đều khẳng định sự tham gia của các doanh nghiệp sẽ có vai trò “bà đỡ” đặc biệt hiệu quả cho dự án sinh viên. Doanh nghiệp tham gia càng sớm trong quá trình khởi nghiệp của sinh viên, ngay từ khâu xây dựng ý tưởng, sự hỗ trợ sẽ càng hiệu quả hơn, dự án sẽ mang tính khả thi cao hơn.