Góc nhìn Người Đưa Tin: Những điểm nhấn ngành Giáo dục năm 2024

Năm 2024, ngành giáo dục khép lại chu trình triển khai Chương trình GDPT 2018, đây là dấu mốc quan trọng làm cơ sở để tiếp tục đổi mới, phát triển giáo dục nước nhà.

Năm 2024, ngành giáo dục nước nhà tiếp tục để lại những dấu ấn đáng chú ý với nhiều sự kiện nổi bật. Từ việc triển khai các chính sách đổi mới giáo dục, ứng dụng công nghệ số trong giảng dạy, đến việc giải quyết những thách thức trong công tác tuyển sinh và nâng cao chất lượng đào tạo, từng bước tiến bộ đã khẳng định quyết tâm đổi mới toàn diện.

1. Chương trình GDPT 2018 hoàn thành chu trình triển khai ở 12 khối lớp

Năm học 2024 là năm học đặc biệt quan trọng trong lộ trình đổi mới Chương trình GDPT. Sau 4 năm học triển khai theo từng lớp, từng cấp học, năm học 2024 - 2025, quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ hoàn tất chu trình với các lớp cuối cùng của các cấp học gồm lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Đến nay chương trình GDPT mới đã được trên diện rộng toàn quốc, là cột mốc quan trọng đánh dấu sự chuyển đổi căn bản, toàn diện về mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục và đánh giá học sinh theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học.

Học sinh cả nước ở tất cả các khối lớp hiện đều đang học theo Chương trình GDPT 2018 (Ảnh: Hữu Thắng).

Học sinh cả nước ở tất cả các khối lớp hiện đều đang học theo Chương trình GDPT 2018 (Ảnh: Hữu Thắng).

2. Nỗ lực khắc phục hậu quả sau cơn bão số 3

Cơn bão số 3 (Yagi) cùng hoàn lưu bão đã gây ra những thiệt hại rất nặng nề cho ngành giáo dục. Có giáo viên, học sinh bị tử vong và mất tích; nhiều công trình trường học bị sập, đổ, tốc mái; thiết bị dạy học, bàn ghế, sách vở bị nước cuốn trôi, hư hỏng nặng.

Đối mặt với khó khăn, ngành giáo dục đã nhanh chóng chung tay khắc phục hậu quả để học sinh sớm được quay lại trường học.

Bộ GD&ĐT và Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức Lễ phát động ngành Giáo dục ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3, kết quả ban đầu tiếp nhận được hơn 8 tỷ đồng tiền mặt và 3,5 tỷ đồng bằng hiện vật (dụng cụ học tập, vở viết).

Ban hành văn bản, chỉ đạo các nhà xuất bản đã tích cực hỗ trợ học sinh vùng lũ: đã tặng 2.000 bộ sách; huy động tồn kho 12,5 triệu bản sách; đề xuất in bổ sung 10 triệu bản; ủng hộ chuyển tới Công đoàn Giáo dục Việt Nam 719 triệu đồng; huy động đóng góp từ lương chuyển tới Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 124 triệu đồng.

Ngành giáo dục nỗ lực vượt qua bão số 3.

Ngành giáo dục nỗ lực vượt qua bão số 3.

3. Lùm xùm điểm thi vào lớp 10 tại Thái Bình: Học sinh từ đỗ thành trượt

Giữa tháng 6/2024, phụ huynh và học sinh đã phát hiện ra nhiều bất thường về kết quả thi tuyển sinh vào lớp 10 ngay sau khi Sở GD&ĐT Thái Bình công bố điểm.

Sau khi kết quả chấm phúc khảo bài thi được công bố, dư luận của tỉnh lại tiếp tục ồn ào trước việc điểm các môn, đặc biệt là môn Toán và môn Văn vì có sự chênh lệch rất cao so với điểm đã được chấm trước đó.

Chẳng hạn, có trường hợp như thí sinh số báo danh 2604xx có điểm thi môn Toán 3,75, sau được khi chấm phúc khảo, điểm số "tăng vọt" lên 9,5. Thí sinh số báo danh 2604xx có điểm thi môn Văn 4 điểm, sau khi được phúc khảo, điểm số vọt lên 7,5 điểm.

Học sinh từ đỗ thành trượt do thực hiện sai quy định hồi phách bài thi tự luận (Ảnh minh họa).

Học sinh từ đỗ thành trượt do thực hiện sai quy định hồi phách bài thi tự luận (Ảnh minh họa).

Trước sự việc trên, Đoàn thanh tra tỉnh Thái Bình đã tiến hành tổ chức khớp phách bằng tay 100% bài thi tự luận và xác định:

Có 2.997 bài thi lệch phách, làm sai điểm của 2.750 bài thi. Có 49 bài thi sai sót trong quá trình ghi điểm và nhập điểm, trong đó có 19 bài thi bị sai điểm so với Bảng điểm đã công bố

Tổng số bài thi tự luận bị sai điểm là 2.769 bài. 1.401 bài thi có điểm thấp hơn điểm đã công bố.

Có sai sót này là do ông Nguyễn Viết Hiển - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo Kỳ thi và Ban Thư ký đã không thực hiện đúng quy định trong quá trình thực hiện việc "Hồi phách bài thi tự luận". Và bị kỷ luật bằng hình thức cách chức.

4. "Lấp đầy" khoảng trống pháp lý bảo vệ nhà giáo

Dự án Luật Nhà giáo đã được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào 9/11. Gần 20 năm ấp ủ, hơn 1 năm xây dựng, dự thảo Luật Nhà giáo được ngành giáo dục kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá trong xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, bắt đầu từ những thay đổi trong quản lý Nhà nước về nhà giáo.

Dự thảo Luật Nhà giáo trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu gồm 9 Chương 50 Điều. Luật Nhà giáo áp dụng với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập và nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Điều này giúp "lấp đầy" khoảng trống về pháp lý với nhà giáo ngoài công lập khi Luật Viên chức chỉ chế tài với "người Việt Nam được tuyển dụng và làm việc trong cơ sở giáo dục công lập". Lần đầu tiên, vị trí pháp lý của nhà giáo ngoài công lập được xác lập đầy đủ, đồng bộ với tư cách nhà giáo chứ không chỉ là người lao động theo cơ chế hợp đồng lao động.

Với dự thảo Luật Nhà giáo, nhà giáo được bảo vệ thông qua quyền và những điều không được làm đối với nhà giáo theo định hướng tăng quyền chủ động, sáng tạo và tăng tính bảo vệ nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp.

Luật Nhà giáo được kỳ vọng hỗ trợ, chia sẻ cho giáo viên (Ảnh: Hữu Thắng).

Luật Nhà giáo được kỳ vọng hỗ trợ, chia sẻ cho giáo viên (Ảnh: Hữu Thắng).

5. Chủ động phát triển nhân lực chất lượng cao, đón "làn sóng" đầu tư

Năm 2024, Bộ GD&ĐT cùng đội ngũ các chuyên gia, trường đại học đang tập trung xây dựng "Đề án đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao giai đoạn 2025-2035 và định hướng tới năm 2045".

Đây là yêu cầu cấp thiết nhằm phân tích, đánh giá khách quan thực trạng và nhu cầu, từ đó xác định rõ quan điểm, mục tiêu, các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy hợp tác, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tài năng phục vụ phát triển các lĩnh vực công nghệ cao nói chung và một số lĩnh vực công nghệ cao then chốt nói riêng. Đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước trước những thách thức và cơ hội của cuộc CMCN lần thứ tư.

Bộ GD&ĐT mong muốn đề án tạo đột phá trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực tài năng STEM gắn với phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ then chốt, cụ thể: Hơn 2.000 người có trình độ tiến sĩ các ngành STEM đang làm việc ở nước ngoài được tuyển dụng làm giảng viên đại học trong nước, trong đó trên 50% có chuyên môn thuộc các lĩnh vực công nghệ then chốt.

Đào tạo nhân lực chất lượng cao nhằm đón "đại bàng" công nghệ đầu tư vào Việt Nam.

Đào tạo nhân lực chất lượng cao nhằm đón "đại bàng" công nghệ đầu tư vào Việt Nam.

6. Cấp bằng tiến sĩ "siêu tốc" cho người không có bằng tốt nghiệp bổ túc văn hóa

Ông Vương Tấn Việt, thường được biết đến là thượng tọa Thích Chân Quang, là trụ trì chùa Phật Quang ở xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Bằng một cách thần kỳ, ông Việt lấy bằng tiến sĩ sau hơn 2 năm tốt nghiệp cử nhân luật hệ tại chức của Đại học luật Hà Nội. Trong khi theo quy định, để theo chương trình tiến sĩ, học viên phải là thạc sĩ hoặc tốt nghiệp đại học loại giỏi ngành phù hợp, thời gian học 3-4 năm.

Trước sự việc, Bộ GD&ĐT đã tiến hành kiểm tra, xác minh và xem xét quá trình đào tạo. Kết quả xác định ông Vương Tấn Việt đã sử dụng bằng cấp ba bổ túc văn hóa không hợp pháp. Ông Vương Tấn Việt cũng đã thừa nhận việc này và tự nguyện giao nộp các văn bằng để xử lý theo quy định.

Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu cơ sở giáo dục đại học liên quan khẩn trương thu hồi văn bằng đã cấp cho ông Vương Tấn Việt theo quy định của pháp luật, đồng thời rà soát quy trình tổ chức đào tạo nhằm tránh xảy ra các trường hợp tương tự.

7. Thay đổi phương án thi vào 10 và quy chế tuyển sinh đại học

Theo đề xuất của Bộ GD&ĐT việc tuyển sinh THPT (thi vào lớp 10) được tổ chức theo một trong ba phương thức: xét tuyển, thi tuyển hoặc kết hợp thi tuyển với xét tuyển.

Với phương thức xét tuyển, căn cứ là kết quả rèn luyện và học tập các năm học chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở hoặc chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở của đối tượng tuyển sinh.

Các Sở GD&ĐT được chọn 1 trong 2 phương án. Nếu chọn môn thứ 3, môn này phải nằm trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số. Đáng chú ý, Bộ yêu cầu các Sở phải thay đổi môn thi thứ ba qua các năm nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện trong giai đoạn giáo dục cơ bản. Thời điểm các địa phương công bố môn thứ 3 là trước 31/3 hàng năm. Dự thảo này được kỳ vọng sẽ đáp ứng yêu cầu kiểm tra, đánh gia theo Chương trình GDPT 2018.

Thay đổi phương án thi đáp ứng Chương trình GDPT 2018 (Ảnh: Hữu Thắng).

Thay đổi phương án thi đáp ứng Chương trình GDPT 2018 (Ảnh: Hữu Thắng).

Đối với quy chế tuyển sinh đại học, để khắc phục những bất cập, băn khoăn của xã hội, một trong những điểm sửa đổi, bổ sung trong dự thảo quy chế là chỉ tiêu xét tuyển sớm do cơ sở đào tạo quy định nhưng không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đào tạo.

Bộ GD&&T đánh giá việc đưa ra giới hạn 20% được căn cứ tình hình thực tiễn công tác tuyển sinh những năm qua, để việc xét tuyển sớm chỉ tập trung vào những thí sinh có năng lực và thành tích học tập vượt trội, hạn chế tác động đến việc học tập của học sinh ở kỳ học cuối cùng năm lớp 12 và ôn thi tốt nghiệp THPT.

Điều quan trọng nhất là tạo sự công bằng giữa các thí sinh khi tham gia vào ứng tuyển, không phải em nào cũng có khả năng tham gia xét tuyển sớm khi chưa hoàn thành chương trình lớp 12.

Việc giảm quy mô xét tuyển sớm không những không gây khó khăn, mà còn tạo thuận lợi hơn cho công tác tuyển sinh của các trường và cho thí sinh. Trên thực tế xét tuyển sớm hay xét tuyển trong đợt chung thì tổng số thí sinh đăng ký dự tuyển không thay đổi, mà các trường và thí sinh lại không phải vất vả chạy theo xét tuyển sớm.

8. Thăng hạng trên bản đồ quốc tế

Trong giai đoạn 2020-2024, Việt Nam có 173 lượt thí sinh dự thi Olympic khu vực và quốc tế, mang về 54 huy chương vàng, 60 huy chương bạc, 45 huy chương đồng và 14 bằng khen.

So với năm 2023, năm 2024 tăng 4 huy chương vàng, 3 huy chương bạc. Các đoàn học sinh của Việt Nam dự thi đạt thứ hạng cao; nhiều học sinh Việt Nam đạt điểm số trong top cao nhất, đặc biệt điểm thi thực hành tăng so với các năm trước đó.

Đội tuyển Việt Nam tham dự Olympic Toán học quốc tế 2024.

Đội tuyển Việt Nam tham dự Olympic Toán học quốc tế 2024.

Cụ thể, tại Olympic Tin học châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam xếp thứ 6/35 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia. Tuy có 6 nước cùng được một huy chương vàng nhưng Việt Nam có số huy chương bạc nhiều hơn

Tại Olympic Vật lý quốc tế, đội tuyển Việt Nam xếp thứ 5 trong số nước có kết quả cao nhất (sau Trung Quốc, Nga, Rumani…). Năm nay, điểm thi thực hành của học sinh có sự cải thiện đáng kể. Điều này cho thấy sự việc tập huấn thực hành, thí nghiệm đã được quan tâm nhiều h

Bộ GD&ĐT nhận định kết quả Olympic khu vực và quốc tế năm 2024 và giai đoạn 5 năm vừa qua đã khẳng định sự nỗ lực, cố gắng của học sinh. Cùng với đó là sự chỉ dẫn của thầy cô giáo; sự quan tâm, chăm lo của phụ huynh và các nhà trường; sự tổ chức, chỉ đạo của các đơn vị trong quá trình bồi dưỡng học sinh giỏi của các địa phương…

9. Từng bước thay đổi diện mạo ngành nhờ ứng dụng công nghệ

Đến nay đã số hóa được dữ liệu khoảng 470 cơ sở giáo dục đại học, trên 25.000 chương trình đào tạo, trên 100.000 hồ sơ cán bộ, gần 3 triệu hồ sơ người học. Đã kết nối, đồng bộ dữ liệu về sinh viên ra trường với cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm (hàng năm chia sẻ dữ liệu việc làm của khoảng 97.000 sinh viên tốt nghiệp).

Đã kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về cơ sở vật chất (hiện đã báo cáo dữ liệu khoảng 18.000 hồ sơ viên chức các cơ sở giáo dục đại học thuộc Bộ GD&ĐT lên cơ sở dữ liệu quốc gia về cơ sở vật chất.

Dữ liệu trên cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học được sử dụng phục vụ công tác quản lý nhà nước và công tác báo cáo, thống kê về giáo dục đại học, được sử dụng thống nhất trong toàn ngành, đảm bảo tính tổng thể đồng bộ với hệ thống cơ sở dữ liệu công khai của các đại học, học viện, trường đại học.

Toàn ngành giáo dục tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin. Hầu hết các cơ sở giáo dục đào tạo đã kết nối internet tốc độ cao, triển khai phần mềm quản trị cơ sở giáo dục trên nền tảng dữ liệu, công nghệ số. Chuyển đổi số đã tác động rất lớn đến thói quen, quy trình, phương pháp quản trị của cơ sở giáo dục. Triển khai các ứng dụng số hóa dựa trên cơ sở dữ liệu được đẩy mạnh hơn.

Nguyễn Hoa Trà

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/goc-nhin-nguoi-dua-tin-nhung-diem-nhan-nganh-giao-duc-nam-2024-204241224105507782.htm
Zalo