Đề kiểm tra định kỳ học sinh THPT theo CV 7991 sẽ bớt 'mưa' điểm 10

Việc thay đổi ma trận đề kiểm tra định kỳ sẽ giúp phân loại học lực của học sinh khá, giỏi và buộc các em phải cố gắng hơn nếu muốn lấy điểm ở phần tự luận.

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành văn bản số 7991/BGDĐT-GDTrH về việc thực hiện kiểm tra, đánh giá đối với cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông.

Theo đó, đề kiểm tra định kỳ của các môn đánh giá bằng điểm số cấp Trung học phổ thông sẽ có ma trận mới, gồm 2 phần: trắc nghiệm khách quan (chiếm 7/10 điểm) và tự luận (chiếm 3/10 điểm).

Trong phần trắc nghiệm khách quan, học sinh sẽ phải giải quyết các dạng câu hỏi: Nhiều lựa chọn (chiếm 3 điểm); Đúng - Sai (chiếm 2 điểm); Trả lời ngắn (chiếm 2 điểm).

Bên cạnh đó Bộ cũng đưa ra hướng dẫn, với các câu hỏi dạng “Đúng - Sai”, mỗi câu hỏi sẽ bao gồm 4 ý nhỏ, mỗi ý học sinh phải chọn đúng hoặc sai. Một số tài liệu xếp loại câu hỏi này vào loại nhiều lựa chọn phức hợp hoặc nhiều lựa chọn có nhiều phương án đúng.

Với các câu hỏi dạng “Trả lời ngắn”, đối với môn học không sử dụng dạng này thì chuyển toàn bộ số điểm cho dạng “Đúng - Sai”.

Bàn luận về sự thay đổi này, thầy Đỗ Văn Nhỏ - giáo viên Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) cho biết, đây là sự thay đổi tích cực đối với cả giáo viên và học sinh.

Theo đó, khi Bộ quyết định thay đổi định hướng giáo dục theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 thì chắc chắn sẽ phải tính đến phương án đổi mới về hình thức đánh giá. Và văn bản số 7991/BGDĐT-GDTrH về việc thực hiện kiểm tra, đánh giá đối với cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông đã thể hiện rõ điều đó.

Về lý thuyết, định hướng của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 là hướng đến phát triển phẩm chất, năng lực người học nên việc thay đổi ma trận đề kiểm tra định kỳ với tỷ trọng phần trắc nghiệm khách quan chiếm phần lớn sẽ phù hợp và đúng theo định hướng của chương trình.

Trên thực tế, hình thức trắc nghiệm thường mang tính may rủi nên nếu vẫn duy trì đề kiểm tra có 100% câu hỏi trắc nghiệm thì sẽ thiếu tính công bằng và không thể đánh giá đúng thực chất năng lực người học.

Bởi, có những học sinh có học lực và thái độ học tập không quá tốt nhưng kết quả thi có thể đạt điểm số cao do may mắn trong việc đưa ra quyết định khi chọn đáp án.

Do đó, thầy Đỗ Văn Nhỏ cho rằng việc đưa thêm nội dung câu hỏi tự luận sẽ rất phù hợp và tạo ra những tác động, ảnh hưởng tích cực. Đối với nội dung phần tự luận, thí sinh sẽ không thể dựa vào yếu tố “ăn may” hay tư tưởng “khoanh bừa” như đối với phần trách nghiệm. Khi đó, học sinh phải học tập nghiêm túc và có đầy đủ kiến thức thì mới có cơ hội chinh phục 3 điểm tại phần này.

Có thể thấy rằng, việc thay đổi ma trận đề kiểm tra định kỳ sẽ gia tăng tính phân loại học lực của những học sinh khá, giỏi. Bên cạnh đó, sẽ buộc các em học sinh phải cố gắng hơn nữa trong quá trình tiếp thu kiến thức trên lớp nếu muốn lấy điểm ở phần tự luận.

 Thay đổi ma trận đề kiểm tra định kỳ sẽ gia tăng tính phân loại học lực của những học sinh khá, giỏi. Ảnh minh họa: Đào Hiền

Thay đổi ma trận đề kiểm tra định kỳ sẽ gia tăng tính phân loại học lực của những học sinh khá, giỏi. Ảnh minh họa: Đào Hiền

Đồng tình với quan điểm trên, cô Chung Kim Nhung - giáo viên Trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Thị Minh Khai (Sóc Trăng) cũng cho rằng, việc thay đổi ma trận đối với đề kiểm tra định kỳ các môn đánh giá bằng điểm số cấp Trung học phổ thông là sự điều chỉnh phù hợp, góp phần đánh giá đúng năng lực, học lực của học sinh.

Cô Nhung cho hay, ưu điểm của dạng thức trắc nghiệm chính là đưa được nhiều nội dung, kiến thức vào trong đề thi, qua đó đánh giá đầy đủ và toàn diện hơn năng lực của học sinh. Thế nhưng, nhược điểm của dạng thức này là ai cũng có thể khoanh được, thậm chí những học sinh không học gì vẫn có cơ hội lấy điểm nếu may mắn khoanh trúng.

Trước đây, đối với các đề kiểm tra 100% là câu hỏi trắc nghiệm thì tỷ lệ học sinh đạt được điểm 10 rất cao. Điều này cũng đặt ra câu hỏi là liệu học lực của học sinh xuất sắc như vậy hay điểm 10 đó cũng dựa vào một phần may mắn.

Do đó, việc Bộ điều chỉnh, đưa thêm phần tự luận và đề kiểm tra là việc hết sức cần thiết, đặc biệt trong việc phân loại, đánh giá học sinh có học lực khá, giỏi.

Hơn hết, yêu cầu đặt ra đối với các phần tự luận chính là kỹ năng và tư duy trình bày. Trên thực tế, khi áp dụng đề kiểm tra có toàn bộ dạng thức trắc nghiệm đã khiến học sinh yếu kém về tư duy và khả năng trình bày, diễn giải nội dung.

Theo đó, bố cục của đề kiểm tra như văn bản Bộ vừa hướng dẫn sẽ tạo ra những ảnh hưởng tích cực khi 7 điểm phần trắc nghiệm giúp đánh giá năng lực của người học và 3 điểm tự luận để phân loại thí sinh học lực khá, giỏi. Đồng thời, buộc thí sinh phải rèn luyện kỹ năng trình bày, diễn giải, kỹ năng tư duy vận dụng.

Thay đổi bước đầu có thể bỡ ngỡ nhưng cần phải làm

Trước lo ngại về việc thay đổi cấu trúc, ma trận để kiểm tra sẽ khiến học sinh và giáo viên bỡ ngỡ, ảnh hưởng để kết quả của các đợt kiểm tra định kỳ, thầy Đỗ Văn Nhỏ cho hay ở giai đoạn đầu chắc chắn sẽ có những khó khăn cho cả người học và người dạy vì cần thời gian để thích ứng. Tuy nhiên, theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, tất cả bài tập trong sách giáo khoa đều có dạng thức tiếp cận đánh giá năng lực nên đối với giáo viên và học sinh cũng sẽ không quá xa lạ đối với các dạng thức câu hỏi trong ma trận đề kiểm tra định kỳ từ học kỳ II năm học 2024-2025 mà Bộ mới ban hành.

Không thể phủ nhận rằng, mỗi một lần thay đổi thì giáo viên phải làm việc nhiều hơn, tìm ra phương pháp dạy sao cho học sinh dễ dàng thích ứng và tiếp thu kiến thức hiệu quả.

Việc bổ sung thêm phần tự luận sẽ thúc đẩy các thầy cô thiết kế bài giảng phong phú, hấp dẫn hơn để học sinh có thể tiếp cận nhanh chóng và vận dụng được đa dạng nhiều nội dung khác nhau. Bên cạnh đó, việc thiết kế câu hỏi trong quá trình giảng dạy hay biên soạn đề cũng là một phần rất quan trọng mà giáo viên cần chú ý để kích thích khả năng, năng lực tư duy cho người học.

Đối với học sinh, việc thay đổi này sẽ giúp các em phát triển kỹ năng tự đánh giá, nâng cao ý thức tự học và cải thiện kết quả học tập. Mặt khác khích lệ tinh thần học tập tích cực, khả năng học tập toàn diện không chỉ về kiến thức mà còn về phẩm chất, thái độ học tập.

Ngoài ra, với cấu trúc đề kiểm tra định kỳ như văn bản số 7991/BGDĐT-GDTrH sẽ giúp các em có cơ hội tiếp cận và thuận lợi hơn khi thi tốt nghiệp phổ thông.

 Giáo viên cần thiết kế bài giảng phong phú, hấp dẫn hơn để học sinh dễ dàng vận dụng. Ảnh minh họa: Đào Hiền

Giáo viên cần thiết kế bài giảng phong phú, hấp dẫn hơn để học sinh dễ dàng vận dụng. Ảnh minh họa: Đào Hiền

Trong khi đó, theo quan điểm của cô Phạm Thị Thêu - giáo viên Trường Trung học phổ thông Phước Thiền (Đồng Nai), khi thay đổi cấu trúc, ma trận đề kiểm tra định kỳ đối với cấp trung học phổ thông, trách nhiệm của giáo viên sẽ phải nâng cao hơn.

Cụ thể, trong quá trình dạy học, giáo viên phải lựa chọn tư liệu đáp ứng yêu cầu cần đạt của môn học, đặt những câu hỏi bám sát vào ma trận, bản đặc tả. Bên cạnh đó lồng ghép những nội dung liên hệ thực tiễn đời sống để các em rèn luyện tư duy, vận dụng giải quyết vấn đề để có thể dễ dàng chinh phục nội dung phần tự luận.

Khi biên soạn đề kiểm tra, giáo viên phải dựa theo yêu cầu nội dung phù hợp với trình độ nhận thức của học sinh, lựa chọn tư liệu phù hợp có sức tác động đến nhận thức, tư tưởng, mặt khác vẫn đủ sức đánh giá năng lực của người học.

ĐÀO HIỀN

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/de-kiem-tra-dinh-ky-hoc-sinh-thpt-theo-cv-7991-se-bot-mua-diem-10-post248113.gd
Zalo