Đổi thay trên xã đảo Thạnh An

Nằm cách biệt với đất liền, xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ trước đây là một trong những xã nghèo nhất của Thành phố Hồ Chí Minh. Mười năm qua, kể từ khi có điện lưới quốc gia, xã đảo đã từng ngày thay da, đổi thịt, đời sống người dân trên đảo và đất liền đã dần xích lại gần nhau hơn.

Người dân xã đảo Thạnh An có nhiều lựa chọn để phát triển sản xuất kể từ khi có nguồn điện lưới ổn định.

Người dân xã đảo Thạnh An có nhiều lựa chọn để phát triển sản xuất kể từ khi có nguồn điện lưới ổn định.

Ông Lê Hồng Phúc, 60 tuổi, một người dân sinh sống trên xã đảo Thạnh An nhiều năm đánh giá: Trong mấy năm trở lại đây, tôi thấy đời sống của người dân trên xã đảo đã thay đổi nhanh chóng, công việc sản xuất, kinh doanh thuận lợi hơn rất nhiều. Trước kia, người dân chỉ có công việc mưu sinh là: nuôi trồng thủy, hải sản, làm thuê kiếm sống qua ngày. Giờ đây, nhiều ngành nghề khác đã xuất hiện khiến đời sống sản xuất, sinh hoạt của bà con sôi động hơn rất nhiều.

Bác sĩ Luân Thanh Trường, Trưởng Trạm Y tế xã Thạnh An kể: Tôi bắt đầu công tác tại đây từ năm 2005. Khi đó, cả xã phụ thuộc vào nguồn điện của nhà máy phát điện diesel nhưng cũng chỉ phát điện được từ 8 giờ sáng đến 12 giờ đêm. Tại trạm cũng có một máy phát điện dự phòng, tuy nhiên, việc sử dụng thiết bị này không phải lúc nào cũng suôn sẻ, nhiều lần đang sơ cấp cứu cho bệnh nhân thì máy bị hỏng. Bác sĩ Trường nhớ lại: Có lần, một bệnh nhi đến cấp cứu với bệnh lý nặng về suy hô hấp, khi các bác sĩ khởi động máy phát điện để cứu cháu bé thì nó không hoạt động. Trong cơn nguy cấp, các bác sĩ đã phải chở cháu bé, lúc đó đã là nửa đêm đến nhà một người dân có máy phát điện để kịp thời can thiệp y tế cho cháu.

Những khó khăn đó, chúng tôi gặp rất nhiều nhưng không có phương án giải quyết dứt điểm. Điều này đã gây ảnh hưởng rất lớn đến công tác khám, chữa bệnh tại trạm suốt nhiều năm liền. Từ khi có điện lưới ổn định, những khó khăn về việc sử dụng các thiết bị y tế liên quan đã được giải quyết. Đặc biệt, đối với các thiết bị y tế hiện đại, cần nguồn điện ổn định như máy x-quang, máy siêu âm,… được trang bị sau này, các bác sĩ không còn phải vừa sử dụng vừa “thấp thỏm” lo trục trặc như ngày xưa.

Mười năm trước (năm 2015), trong ngày dự lễ khánh thành tuyến cáp ngầm vượt biển cấp điện cho xã Thạnh An, ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định: Dự án đưa vào vận hành sẽ tạo điều kiện cho việc nâng mức tiêu thụ điện bình quân của mỗi người dân xã đảo Thạnh An. Đồng thời nguồn điện lưới quốc gia công suất lớn, liên tục, chất lượng điện ổn định sẽ là động lực để xã đảo phát triển các ngành nghề sản xuất-kinh doanh, dịch vụ, du lịch.

Đúng như khẳng định của lãnh đạo thành phố, Thạnh An giờ đã thay da, đổi thịt. Đồng chí Đặng Hoàng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thạnh An cho biết: Việc có điện lưới quốc gia hết sức ý nghĩa, cho thấy sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đối với đời sống người dân ở các xã đảo. Theo đồng chí Sơn, từ khi có điện lưới, cuộc sống của người dân Thạnh An đã đổi thay nhanh chóng, nhất là đối với nghề muối, chế biến tiểu thủ công nghiệp. Đáng chú ý là việc kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch cũng phát triển mạnh do có nguồn điện ổn định. Theo thống kê, mỗi tuần, có khoảng 1.000 khách đến với xã đảo, góp phần nâng cao đời sống cho các hộ kinh doanh dịch vụ đồng thời thay đổi cơ cấu kinh tế của xã. Nguồn điện ổn định cũng giúp địa phương ứng dụng nhiều công nghệ quản lý đời sống và quản lý hành chính trên địa bàn. Trong lĩnh vực y tế, 100% các hộ dân trên đảo đã có thẻ bảo hiểm y tế, được tiếp cận với các dịch vụ y tế hiện đại. Hầu hết, các gia đình đều đã sắm các thiết bị gia dụng cần thiết, hiện đại để phục vụ sinh hoạt, giải trí hằng ngày.

Đặc biệt, từ khi được Chính phủ công nhận là xã đảo duy nhất của Thành phố Hồ Chí Minh (năm 2021), Thạnh An tiếp tục được đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện phát triển các ngành nghề, lĩnh vực nhằm giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động địa phương. Trong các dự án phát triển kinh tế-xã hội gắn với bảo đảm an ninh, quốc phòng tầm nhìn đến năm 2030, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chú trọng đầu tư xây dựng các công trình thu gom rác thải, đường giao thông, phát triển du lịch, dịch vụ,…

Ngành Điện lực Thành phố, sau khi triển khai dự án kéo cáp ngầm ra cấp điện cho xã đảo, đến năm 2022 đã quyết định đầu tư để ngầm hóa toàn bộ hệ thống điện trên đảo nhằm bảo đảm việc cấp điện được ổn định, liên tục; đồng thời, cải thiện mỹ quan. Ông Trần Đình Nam, Phó Giám đốc kỹ thuật, Công ty điện lực Duyên Hải cho biết: Khi đầu tư hệ thống điện ra xã đảo, đơn vị đã xác định được nhu cầu phụ tải sẽ tăng theo thời gian cho nên ngoài việc cấp điện ổn định trong thời gian qua, đơn vị đã có phương án dự phòng cho nhu cầu của người dân, hộ kinh doanh trong những năm tiếp theo. Phương án này sẽ giúp đồng bộ với các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng của Thành phố cũng như bảo đảm việc sử dụng điện của người dân không bị gián đoạn.

QUANG QUÝ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/doi-thay-tren-xa-dao-thanh-an-post878380.html
Zalo