Đối tác quốc tế hiến kế giúp TP.HCM chuyển đổi công nghiệp
Lãnh đạo nhiều địa phương trên thế giới đưa ra nhiều bài học kinh nghiệm để TP.HCM học hỏi, giúp Thành phố đạt mục tiêu nâng tỷ trọng ngành công nghiệp công nghệ cao từ 23% lên 40% năm 2030.
Ngày 24/9, Hội nghị đối thoại hữu nghị 2024 với chủ đề “chuyển đổi công nghiệp: kinh nghiệm phát triển và ưu tiên hợp tác” do UBND TP.HCM tổ chức, cùng vơi sự tham gia của hơn 35 đoàn đại biểu đến từ các địa phương quốc tế có quan hệ hợp tác hữu nghị với TP.HCM.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết hiện tỷ trọng các ngành công nghiệp công nghệ cao chỉ chiếm khoảng 23% trong tổng GRDP của thành phố. Mục tiêu của TP.HCM là nâng tỷ trọng này lên 40% vào năm 2030, qua đó không chỉ duy trì sự đóng góp của thành phố vào nền kinh tế quốc gia mà còn củng cố vị thế dẫn đầu của thành phố trong cả nước và khu vực, duy trì tính cạnh tranh và phát triển bền vững.
Để làm được vậy, TP.HCM cần phải chuyển đổi từ các ngành công nghiệp truyền thống sang các ngành công nghiệp công nghệ cao và có giá trị gia tăng lớn. Do vậy, Hội nghị hôm nay là cơ hội để các địa phương học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, chia sẻ các thực tiễn tốt nhất và khám phá các cơ hội hợp tác mới.
Ông Komura Masahiro, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản đánh giá Việt Nam là điểm đến hứa hẹn của các doanh nghiệp Nhật Bản. Đặc biệt là sự hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam trong chuyển đổi xanh và chuyển đổi số.
Đây là những lĩnh vực được nhiều công ty Nhật quan tâm, trong đó có rất nhiều doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam. Hợp tác chuyển đổi xanh, chuyển đổi số đã diễn ra khi có khoảng 90 dự án hợp tác giảm phát thải carbon đã triển khai với Việt Nam. Chính phủ Nhật Bản sẽ tiếp tục khuyến khích hợp tác trong lĩnh vực này.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho rằng TP.HCM cần thúc đẩy các nỗ lực nhằm cải thiện môi trường đầu tư cho các công ty Nhật Bản. Ông cho biết hiện có hơn 2.000 công ty Nhật đang hoạt động tại đây, đưa Thành phố trở thành nơi hoạt động lớn nhất của các công ty Nhật Bản.
“Những năm qua, sự phát triển kinh tế của Thành phố thu hút thêm nhà đầu tư vì thị trường tiêu thụ hấp dẫn. Các nhà bán lẻ lớn của Nhật như Aeon, Uniqlo đang gia tăng đầu tư tại Việt Nam.
Theo ông Komura Masahiro, ở Nhật Bản có nhiều người Việt Nam trẻ tuổi là sinh viên, thực tập sinh đã đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội Nhật Bản. “Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với Thành phố để phát triển nhân sự. Nghĩa là người Việt Nam trẻ sẽ tiếp thu được nhiều kiến thức, kỹ năng mới thông qua học tập, làm việc tại Nhật, rồi quay về phát triển đất nước, là nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh”, ông nói.
Ông Kim Young-hwan, Tỉnh trưởng tỉnh Chungcheongbuk (Hàn Quốc), cho biết Chungcheongbuk là một tỉnh nhỏ, không có bờ biển, dân số cũng rất ít, nhưng là một trong những địa phương dẫn đầu về chuyển đổi và phát triển công nghiệp của Hàn Quốc.
Ông cho biết kinh nghiệm của Chungcheongbuk là xây dựng trung tâm công nghiệp bán dẫn. “Chúng tôi liên tục mở rộng các khu phức hợp công nghiệp để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về thành lập các công ty công nghệ cao”, ông nói, đồng thời cho biết đã có khoảng 32 tỷ USD vốn đầu tư được rót vào địa phương vào năm 2023.
Ngoài ra, để giải quyết bài toán lao động ở nông thôn, Chungcheongbuk đưa người không có việc làm ở thành thị về làm việc trong các nông trại. Chính phủ sẽ tài trợ 40% lương, còn 60% do nông trại chi trả.
Chương trình y tế của địa phương khá thành công, khi áp dụng việc khám chữa bệnh trước, rồi thu tiền sau. Bệnh nhân được nhập viện, điều trị cần thiết và từ từ góp lại chi phí mà Chính phủ đã trang trải. Hơn 1.000 người đã được giải phẫu kịp thời và tỷ lệ hoàn trả cũng rất cao.
Cùng với các giải pháp về chính sách, đầu tư các trung tâm nghiên cứu… việc tăng cường đối thoại quốc tế cũng được xem là chiến lược cần thiết trong quá trình chuyển đổi ngành công nghiệp.
Ông Stefano Lo Russo, Thị trưởng Thành phố Torino (Ý), cho biết Torino là trung tâm đổi mới quốc tế cho ngành ô tô với truyền thống lâu đời, chuyển đổi sang phương tiện điện bền vững. Ngành hàng không vũ trụ với nhiều công ty đang hoạt động trong lĩnh vực phát triển công nghệ tiên tiến. Hiện Torino cũng là cái nôi của các trường đại học tiên tiến, với nhiều ngành nghề mới đang hình thành và phát triển, tạo nhiều cơ hội mới cho kinh tế.
Thị trưởng Thành phố Torino nhìn nhận để đạt được kết quả đó, việc phát triển quan hệ giữa các thành phố trên thế giới ngày càng quan trọng. Các Thành phố trở thành trung tâm mô hình hợp tác mới. Chính tại các Thành phố, các chính sách mới được triển khai, sự hợp tác công tư cho ra kết quả bền vững. Những giải pháp thực sự đã được triển khai chứ không chỉ còn nằm ở sáng kiến.
“Con đường chuyển đổi công nghiệp và sinh thái của chúng tôi có thể thực hiện được là nhờ sự đối thoại liên tục giữa chính quyền, doanh nghiệp, trường đại học”, Thị trưởng Thành phố Torino nói. Tương tự, với TP.HCM là một đô thị lớn, sôi động cũng đang đối mặt với nhiều thách thức phát triển bền vững. Hợp tác, trao đổi giữa hai Thành phố có thể tạo sự phát triển cho hai Thành phố và cả vùng lãnh thổ.
Trong khi đó, bà Nadzeya Lazarevich, Phó Chủ tịch thứ nhất, Ủy ban điều hành thành phố Minsk (Belarus) nêu kinh nghiệm của nước này trong chuyển đổi công nghiệp, đó là tập trung phát triển các khu công nghiệp công nghệ cao. Đây là sự kết hợp giữa các tổ chức doanh nghiệp và giáo dục, được chính phủ dành nhiều ưu đãi. Nước này hiện có 16 khu công nghệ cao như vậy, trong đó thủ đô Minsk có 5 khu, tạo ra các sản phẩm chủ lực có khả năng cạnh tranh cao.