Chuyển đổi kép - giải pháp để Việt Nam phát triển nhanh và bền vững
Trên hành trình theo đuổi mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, Việt Nam cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề chuyển đổi kép.
Yêu cầu bức thiết của chuyển đổi kép
Phát biểu tại Hội thảo "Tiên phong chuyển đổi kép vì một Việt Nam xanh hơn" do Báo Đầu tư tổ chức vào sáng 12/11 tại Hà Nội, TS. Lê Việt Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - cho rằng: Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là những yêu cầu bức thiết trong bối cảnh hiện nay, khi nền kinh tế - xã hội đang đối mặt với nhiều thách thức về môi trường và sự phát triển bền vững.
Cũng theo ông Lê Việt Anh, những năm gần đây, chuyển đổi xanh đã trở thành mục tiêu hướng tới của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Để triển khai mục tiêu này, Việt Nam hiện đang thực hiện nhiều chiến lược quan trọng như Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050. Vấn đề chuyển đổi xanh cũng đã được tích cực lồng ghép và thúc đẩy triển khai thông qua các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án của quốc gia... và bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định.
“Ngành công nghiệp ghi nhận nhiều chuyển biến trong hiện đại hóa sản xuất, nâng cao hiệu quả ứng dụng khoa học - công nghệ và cơ cấu lại các ngành tiêu thụ tài nguyên, năng lượng. Tỷ lệ năng lượng tái tạo trong hệ thống điện quốc gia cao hơn nhiều quốc gia trên thế giới” - TS. Lê Việt Anh khẳng định và cho rằng, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh bền vững, đánh giá công bố doanh nghiệp bền vững, sáng kiến EGS... thu hút được sự ủng hộ, tham gia của đông đảo cộng đồng doanh nghiệp.
Về chuyển đổi số, thông tin tại hội thảo cho rằng, mặc dù đi sau chuyển đổi xanh, nhưng trong mấy năm trở lại đây, đặc biệt dưới tác động của dịch Covid-19, chuyển đổi số đang trở thành xu hướng chính trong quá trình phát triển của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Chuyển đổi số giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu chi phí và tăng cường khả năng cạnh tranh thông qua tự động hóa, phân tích dữ liệu và quản lý thông tin hiệu quả.
Đặc biệt, nhận thức được chuyển đổi số là quá trình phát triển tất yếu trên toàn cầu và Việt Nam cũng không thể nằm ngoài lộ trình ấy, Văn kiện Đại hội Đảng XIII đã đặt ra yêu cầu thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số để tạo bứt phá về nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Theo đó, Văn kiện Đại hội XIII đã chỉ rõ mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành xây dựng chính phủ số, kinh tế số đạt khoảng 30% GDP và đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN về chính phủ điện tử và kinh tế số.
Theo tính toán của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2020, kinh tế số của Việt Nam đóng góp 12% GDP, nhưng đến năm 2023, kinh tế số đã đóng góp 16,5% GDP và với tốc độ tăng trưởng trên 20% một năm.
Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là hai quá trình song hành
Mặc dù chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo Tiên phong chuyển đổi kép vì một Việt Nam xanh hơn, hai quá trình này hiện chủ yếu diễn ra một cách riêng lẻ, chưa có tính đồng bộ để tận dụng tối đa tiềm năng giúp tăng năng suất và hiệu quả cho doanh nghiệp và các hoạt động kinh tế của nền kinh tế nói chung.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2023 về xu hướng chuyển đổi kép chỉ ra sự liên hệ giữa công nghệ số và công nghệ xanh. Trong đó, dựa trên những nghiên cứu, đánh giá sử dụng dữ liệu bằng sáng chế, 16 công nghệ xanh và 11 công nghệ số được lựa chọn là nền tảng cho chuyển đổi kép.
Cũng theo báo cáo này, trong giai đoạn 2017 - 2021, Việt Nam nắm giữ 15% trong tổng số 493 bằng sáng chế xanh tại các thị trường mới nổi, xếp sau Malaysia (51%) và Thái Lan (20%). Hầu hết các bằng sáng chế về công nghệ chuyển đổi xanh của Việt Nam liên quan đến các lĩnh vực như năng lượng gió, quản lý chất thải, giảm ô nhiễm không khí và nguồn nước, công trình xanh. Trong khi đó, xét về các công nghệ chuyển đổi số, Việt Nam chỉ chiếm 8% trong tổng số 537 bằng sáng chế của các nền kinh tế đang phát triển, xếp sau Malaysia (58%), Philippines (16%) và Thái Lan (11%).
Điều đó cho thấy, chuyển đổi số chính là động lực thúc quan trọng để thúc đẩy sự thành công chuyển đổi xanh và xu hướng chuyển đổi kép - chuyển đổi số song hành cùng chuyển đổi xanh là xu hướng tất yếu mà cộng đồng doanh nghiệp ở Việt Nam cũng cần nắm bắt để tận dụng các cơ hội kinh doanh mới cũng như mang lại lợi ích bền vững cho xã hội và môi trường. Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là hai quá trình song hành, nhưng có quan hệ mật thiết, hữu cơ và không thể tách rời nhau. Hai chuyển đổi này sẽ đảm bảo cho một quốc gia phát triển nhanh và bền vững.
Từ những phân tích trên, để thúc đẩy chuyển đổi kép tại Việt Nam, theo TS. Lê Việt Anh cho rằng, thời gian tới, cần lưu ý 5 nội dung, bao gồm:
Thứ nhất, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh có sự gắn kết chặt chẽ, hữu cơ với nhau và đều dựa trên một nền tảng quan trọng đó là khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo đi cùng với nguồn nhân lực chất lượng cao.
Do vậy, việc ưu tiên đầu tư cho khoa học - công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chính là nền tảng tiên quyết để triển khai thực hiện thành công chuyển đổi kép (chuyển đổi xanh và chuyển đổi số).
Thứ hai, đích đến của chuyển đổi kép đều do con người và vì con người, lấy con người là trung tâm. Do vậy, quá trình chuyển đổi này cần được thực hiện trên nguyên tắc đảm bảo công bằng, bình đẳng và chúng ta cần có lộ trình giảm thiểu các tác động tới các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi trong quá trình này.
Thứ ba, việc triển khai chuyển đổi kép cần có sự phối hợp chặt chẽ, toàn diện của tất cả các bên liên quan, trong đó, nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, tạo lập khung khổ thể chế chính sách, hỗ trợ ban đầu và cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò tiên phong, cốt lõi trong quá trình này, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn.
Thứ tư, việc triển khai chuyển đổi kép luôn cần nắm bắt kịp xu thế tiến bộ của thế giới, đặc biệt là các tiến bộ về khoa học, kỹ thuật, đổi mới sáng tạo. Do vậy, cần tăng cường hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin. Theo đó, các tập đoàn quốc tế lớn, doanh nghiệp FDI cần phát huy vai trò dẫn dắt, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam trong quá trình chuyển đổi kép.
Thứ năm, muốn chuyển đổi xanh thì phải dùng chuyển đổi số và muốn chuyển đổi số cũng phải dùng chuyển đổi xanh vì công nghệ số giúp tăng tốc cả thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, song, bản thân công nghệ số cũng cần xanh hơn vì nó tiêu tốn nhiều năng lượng.
Theo ông Lê Trọng Minh - Tổng Biên tập Báo Đầu tư: Chuyển đổi kép đang mở ra cơ hội to lớn, tạo động lực mạnh mẽ cho Việt Nam, cũng như cộng đồng doanh nghiệp tiến hành chuyển đổi sang mô hình kinh doanh mang tính bền vững, nhưng cũng tạo ra nhiều thách thức về thể chế, tài chính, công nghệ...
Theo đó, các chuyên gia cho rằng, để thúc đẩy chuyển đổi kép, Việt Nam cần có những cơ chế chính sách, các giải pháp tháo gỡ về thể thế, công nghệ, tiếp cận nguồn vốn tín dụng xanh, hiệu quả... nhằm thúc đẩy doanh nghiệp tham gia tích cực vào tiến trình này.