Đội quân xe đạp đặc biệt của Hồng quân trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại
Khi Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại nổ ra, quân và dân Liên Xô đã sử dụng mọi nguồn lực để chống lại quân phát xít xâm lược. Góp phần vào chiến thắng cuối cùng, có các đội chiến đấu sử dụng xe đạp.
Chiến công của họ đã được đất nước ghi nhận khi một số liệt sĩ được chôn cất gần bức tường Điện Kremlin (Moscow), thậm chí tên liệt sĩ còn đặt tên một con phố ở Thủ đô Liên Xô trước đây, Liên bang Nga hiện nay.
“Thoắt ẩn, thoắt hiện” trên chiến trường
Lịch sử của đội quân xe đạp không chỉ xuất hiện trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, mà họ đã có mặt trong lực lượng Hồng quân từ đầu thế kỷ XX. Họ có thể nhanh chóng, lặng lẽ và bất ngờ tiếp cận vị trí của kẻ thù, giáng cho chúng những đòn đau đớn rồi biến mất nhanh chóng. Vào đầu thế kỷ XX, khi thời kỳ của kỵ binh đã kết thúc và kỷ nguyên của bộ binh cơ giới vẫn chưa xuất hiện, quân xe đạp cơ động rất phổ biến trong lực lượng vũ trang của nhiều quốc gia trên thế giới.
Xe đạp không cần phải được nạp nhiên liệu hoặc cho ăn như gia súc hay ngựa. Nó không yêu cầu bất kỳ sửa chữa đặc biệt nào và có thể chở được những vật nhỏ mà một người không thể tự mang được. Di chuyển với tốc độ tương đương với kỵ binh (6-12 km/giờ), đội quân xe đạp có thể di chuyển quãng đường lên tới 120km/ngày. Tất cả những gì cần thiết là một con đường tốt và thời tiết ấm áp.

Những chiến sĩ thuộc đội quân xe đạp của Hồng quân. Ảnh: Sputnik
Những người đi xe đạp quân sự ở Đế quốc Nga được gọi là samokatchiky. Những đội quân xe đạp đầu tiên xuất hiện vào năm 1891. Trên những "con ngựa sắt", đội quân xe đạp lợi thế hơn bộ binh thông thường ở tốc độ và khả năng cơ động. Đến năm 1917, có hơn 30 trung đoàn bộ binh sử dụng xe đạp được thành lập trong Quân đội Đế quốc Nga.
Những người đi xe đạp được trang bị súng bộ binh, súng máy, súng cối và lựu đạn gắn vào khung xe đạp bằng giá đỡ đặc biệt. Một số thiết bị và đạn dược có thể được vận chuyển trong những thùng hành lý lớn đặt phía sau xe.
Những đội quân xe đạp đầu tiên trang bị mẫu xe đạp Gerard của công ty Peugeot (Pháp). Trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, xe đạp Pháp được thay thế bằng loại Dux Combat do nhà phát minh người Nga Mikhail Shchipanov sản xuất. Đây là mẫu xe đạp địa hình quân sự tốt nhất vào thời điểm đó.
Trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, đội quân xe đạp Nga được sử dụng để trinh sát và liên lạc, đồng thời yểm trợ cho kỵ binh và bộ binh chiến đấu. Tận dụng sự im lặng, họ tiến hành các cuộc tấn công ban đêm hiệu quả vào hậu phương địch. Quân đội Đế quốc Nga sử dụng các đội quân xe đạp như lực lượng dự bị có tính cơ động cao để lấp đầy khoảng trống trong phòng thủ hoặc phản công. Do tính chất đặc thù, theo quy định, đội quân xe đạp không bắt tù binh.
Những binh lính của đội quân xe đạp thậm chí còn trở thành anh hùng của các sự kiện cách mạng năm 1917. Vào tháng 11-1917, giao tranh nổ ra ở Moscow giữa những người ủng hộ và phản đối chính quyền mới và tiểu đoàn dự bị xe đạp đóng quân trong thành phố đã đứng về phía những người Bolshevik. 3 quân nhân hy sinh của đơn vị này được chôn cất gần bức tường Điện Kremlin và phố Novoblagoslovennaya, được đổi tên thành Samokatnaya để vinh danh chiến công của họ.
Đội quân xe đạp hoạt động tích cực khi cuộc chiến chống lại lực lượng Bạch vệ nổ ra. Phe Hiệp ước cung cấp cho những đơn vị Bạch vệ Nga những “con ngựa sắt” từ Tây Âu, còn những người Bolshevik chủ yếu trưng dụng từ dân chúng. Vào ngày 1-8-1919, chính quyền công nông Xô viết đã công bố “cuộc huy động xe đạp” để chống lại lực lượng phản động.

Đội quân xe đạp tham gia diễu binh trên Quảng trường Đỏ. Ảnh: TASS
Góp phần vào thắng lợi vĩ đại chống lại phe phát xít
Phương tiện xe đạp không được sử dụng phổ biến như trong quân đội Đức Quốc xã hay lực lượng phe Trục. Trong khi đó, ở phía Liên Xô, do ngành công nghiệp không kịp sản xuất đủ phương tiện vận tải bổ sung và xe đạp là phương tiện đơn giản và hiệu quả.
Trong điều kiện chiến tranh cơ giới như trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, xe đạp quân sự hầu như không còn tham gia vào các hoạt động chiến đấu ở tiền tuyến. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp ngoại lệ. Cụ thể, Lữ đoàn xe mô tô số 1 Hồng quân, ngoài trung đoàn xe mô tô còn có một trung đoàn xe đạp và một đại đội thiết giáp, đã chiến đấu ác liệt với quân địch ở vùng Rzhev vào mùa Hè và mùa Thu năm 1942.

Chiến sĩ thuộc đội quân xe đạp tham chiến tại Budapest (Hungary), tháng 2-1945. Ảnh: RIAN
Mặc dù những người lính vẫn có thể được giao nhiệm vụ thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt và trinh sát trong chiến tranh, nhưng nhiệm vụ chính của họ là phục vụ trong lực lượng dẫn đường, báo hiệu và thư tín chiến trường.
“Thông thường, chúng tôi phải di chuyển giữa sở chỉ huy trung đoàn và sở chỉ huy sư đoàn. Khi thực hiện một cuộc đột kích, chúng tôi bọc những phong bì và gói hàng đã niêm phong hay báo cáo bằng một quả lựu đạn. Trong trường hợp nguy hiểm, chúng tôi có thể kích nổ nó và tiêu hủy các tài liệu mật, tránh rơi vào tay quân địch”, cựu chiến binh Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại Vladimir Fomin kể lại.