Nga-Iran: Bắt tay vượt khó
Hiệp ước đối tác chiến lược toàn diện trong 20 năm được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Nga và Iran trong bối cảnh hiện nay.

Tổng thống Iran Massoud Pezeshkian và người đồng cấp Nga Vladimir Putin ký kết Hiệp ước đối tác chiến lược 20 năm tại thủ đô Moscow ngày 17/1. (Nguồn: AFP)
Văn kiện này được ký kết trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh ngày 17/1 tại Nga giữa Tổng thống Vladimir Putin và người đồng cấp Iran Masoud Pezeshkian. Sau khi lần lượt được thông qua tại Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) ngày 8/4 và Hội đồng Liên bang (Thượng viện Nga) hôm 16/4, văn kiện chính thức được ông chủ Điện Kremlin ký ban hành ngày 21/4, qua đó thay thế cho hiệp ước hợp tác tương tự, song ở mức độ thấp hơn vào năm 2001. Hiệp ước có hiệu lực trong 20 năm và tự động gia hạn theo kỳ hạn năm năm.
Theo Điện Kremlin, hiệp ước sẽ tăng cường quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực trọng yếu như đầu tư, giao thông vận tải, hậu cần và hợp tác nhân đạo, tạo khuôn khổ phối hợp trong việc giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu. Trên khía cạnh kinh tế, hai bên có thể tăng cường kim ngạch thương mại (1,9 tỷ USD năm 2024) thông qua một hiệp định thương mại tự do với Liên minh Kinh tế Á-Âu, đồng bộ hệ thống thanh toán và các dự án cơ sở hạ tầng lớn như đường ống dẫn dầu Nga-Iran, Hành lang vận tải quốc tế Bắc-Nam nhằm giảm sự phụ thuộc các trục đường của phương Tây.
Ngoài ra, hai bên tăng cường thúc đẩy hợp tác về công nghệ, an ninh mạng, năng lượng hạt nhân hòa bình, chống khủng bố, các vấn đề môi trường, phối hợp xử lý tội phạm rửa tiền và tội phạm có tổ chức.
Trên bình diện quốc phòng, hai bên sẽ tăng cường hợp tác quân sự, tập trận chung, thăm cảng và thúc đẩy huấn luyện sĩ quan. Theo chuyên gia quân sự Mỹ Douglas McGregor, điểm đặc biệt trong hiệp ước này là nếu một trong hai bên bị tấn công, bên kia không được hỗ trợ bên thứ ba; hai bên cũng sẽ không tham gia cùng các nước thứ ba trong các lệnh trừng phạt lẫn nhau và đảm bảo không áp dụng các biện pháp cưỡng chế đơn phương.
Trên cơ sở đó, hiệp ước sẽ xây dựng khuôn khổ, thể chế hóa hợp tác để thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ song phương này. Trả lời đài RT (Nga) trong chuyến thăm xứ sở bạch dương mới đây, Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi khẳng định: “Văn bản này sẽ nâng tầm quan hệ song phương lên mức đối tác chiến lược và gửi thông điệp mạnh mẽ tới thế giới: Mối quan hệ đối tác của hai nước được xây dựng theo hướng lâu dài và không bị ảnh hưởng với nỗ lực gây gián đoạn trong ngắn hạn”.
Đồng thời, “nỗ lực gây gián đoạn trong ngắn hạn”, cùng “các biện pháp ép buộc đơn phương” được đề cập trong Hiệp ước thể hiện thái độ cứng rắn của Iran và Nga trước loạt cấm vận từ Mỹ, động thái điều động lực lượng của xứ cờ hoa tới Trung Đông hay lời đe dọa “đánh bom Iran” của ông Donald Trump.
Về phía Nga, hiệp ước với Iran một lần nữa giúp củng cố tuyên bố của Moscow rằng xứ bạch dương không thể bị cô lập, bất chấp các lệnh trừng phạt quyết liệt. Đáng chú ý, mối quan hệ chặt chẽ với Tehran có thể là lá bài để Moscow “mặc cả” trong các cuộc đàm phán với Washington do Tổng thống Donald Trump khởi xướng.
Ở chiều ngược lại, hiệp ước là đòn bẩy quan trọng để Iran mở rộng thị trường và đối tác, như cách nước này đã gia nhập Nhóm các nền kinh tế mới nổi lớn (BRICS) vừa qua. Nỗ lực tăng cường quan hệ với Moscow và Bắc Kinh thể hiện rõ nét qua cuộc tập trận chung tại vịnh Oman tháng Ba hay chuyến thăm của ông Abbas Araghchi tới Trung Quốc ngày 22/4, là cách Tehran xây dựng vị thế trong đàm phán về chương trình hạt nhân với Washington giai đoạn tới.
Động thái này cũng góp phần củng cố tiếng nói của Iran, trong lúc vai trò của nước này bị ảnh hưởng do chiến dịch quân sự của Israel tại Dải Gaza và sự sụp đổ của chính quyền ông Bashar al-Assad ở Syria.
Hợp tác chặt chẽ là vậy, song quan hệ Nga-Iran vẫn tồn tại một số giới hạn và bất đồng. Trước hết, hiệp ước mới không bao gồm điều khoản phòng thủ chung như hiệp ước Nga đã ký kết với Triều Tiên trước đó. Một số ý kiến cho rằng điều này thể hiện sự thận trọng từ cả hai phía. Một mặt, Moscow tránh cam kết quá mức với Tehran để duy trì quan hệ với các nước vùng Vịnh khác và Israel. Mặt khác, Iran muốn bảo đảm quyền tự chủ chiến lược khi cấm vận được dỡ bỏ.
Đồng thời, việc quân đội Nga phối hợp với phía Israel trong duy trì hòa bình tại Syria, hay sự ủng hộ của Iran dành cho phe Hezbollah ở Lebanon và Dải Gaza cũng ít nhiều thể hiện khác biệt về lợi ích của Moscow và Tehran tại Trung Đông. Chưa kể lực cản từ Mỹ và châu Âu cũng sẽ không hề nhỏ...
Tuy nhiên, chừng đó dường như không đủ để cản bước quan hệ Nga - Iran bước vào một giai đoạn mới, với nhiều hợp tác sâu rộng và chặt chẽ hơn, để cùng đứng vững trước loạt phong ba, bão tố của chính trường thế giới trong giai đoạn này.
Từ ngày 23-25/4 diễn ra cuộc họp lần thứ 18 Ủy ban Liên chính phủ về hợp tác kinh tế Nga-Iran tại thủ đô Moscow, hoạch định lộ trình hợp tác trong 20 năm tới để đạt được quan hệ đối tác mong muốn trong tương lai theo tinh thần của Hiệp ước đối tác chiến lược toàn diện.