Đối phó Nga và Trung Quốc, Mỹ thành lập 'Lực lượng không gian đồn trú tại Nhật'

Lực lượng Không gian Mỹ ở Nhật Bản chính thức được thành lập vào ngày 4/12 nhằm đối phó sức mạnh quân sự của Nga, Trung Quốc và Triều Tiên và gia tăng khả năng răn đe.

Quân phục và phù hiệu của Lực lượng Không gian Mỹ. Ảnh: Sputnik.

Quân phục và phù hiệu của Lực lượng Không gian Mỹ. Ảnh: Sputnik.

Tướng Anthony J. Mastalir, Tư lệnh Lực lượng Không gian Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, nói với giới truyền thông tại Căn cứ Yokota vào ngày 3/12 rằng để tăng cường khả năng răn đe chống lại Trung Quốc, Nga và Triều Tiên, cần phải thúc đẩy hợp tác Nhật Bản-Mỹ trong trường không gian.

Trung tâm phối hợp tác chiến không gian Mỹ-Nhật-Hàn

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin trong cuộc hội đàm tại Australia hôm 17/11 đã xác nhận kế hoạch thành lập "Lực lượng Không gian tại Nhật Bản" của quân đội Mỹ.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng đã công bố thông tin này. Ông nói, trước sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc và Nga, chính phủ Nhật Bản và Mỹ sẽ tăng cường hợp tác giữa Lực lượng Phòng vệ và quân đội Mỹ trong lĩnh vực không gian.

Ông Anthony Mastalir nói, việc Trung Quốc gia tăng nhanh chóng số lượng “vũ khí không gian” được triển khai rất đáng lo ngại và nhấn mạnh “cần phải chuẩn bị sẵn sàng để đáp trả”.

 Tướng Anthony J. Mastalir, Tư lệnh Lực lượng Không gian Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ. Ảnh: Guancha.

Tướng Anthony J. Mastalir, Tư lệnh Lực lượng Không gian Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ. Ảnh: Guancha.

Ông chỉ ra rằng trong 5 đến 10 năm qua, Trung Quốc đã tăng cường mạnh việc phát triển và sản xuất vũ khí tấn công vệ tinh (ASAT). Ông cảnh báo rằng Trung Quốc đã sử dụng một số lượng lớn vệ tinh nhân tạo để thiết lập hệ thống “Long-Range Kill Chain” (Chuỗi tiêu diệt tầm xa) có thể phát hiện, theo dõi và tấn công các mục tiêu như tàu và máy bay của quân đội Mỹ và đồng minh từ khoảng cách xa.

Ông nhấn mạnh thêm rằng “điều quan trọng nhất là phải chuẩn bị đối phó với Chuỗi tiêu diệt tầm xa (của Trung Quốc) khi cần thiết”. Đối với sự hợp tác với Nhật, ông kêu gọi không chỉ cần tăng cường hợp tác huấn luyện với nhóm tác chiến ngoài không gian của Lực lượng phòng vệ trên không mà còn phải xây dựng một kế hoạch tổng hợp để “ứng dụng thực tế”.

Ông Mastalir cũng chỉ ra rằng Nga và Triều Tiên cũng là những nhân tố đáng lo ngại ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Lực lượng Không gian Mỹ tại Nhật Bản cũng sẽ hợp tác với Lực lượng Không gian đóng tại Hàn Quốc đã thành lập vào tháng 12/2022 để “cố gắng nắm bắt chính xác hơn các xu hướng trên Bán đảo Triều Tiên”.

Năm 2019, Lầu Năm Góc đã thành lập Bộ Tư lệnh Lực lượng Không gian Hoa Kỳ, đây là quân chủng thứ sáu cùng cấp độ với Lục quân, Hải quân và Không quân, Thủy quân lục chiến và Lực lượng tuần duyên (USCG). Vào tháng 11/2022, Bộ Tư lệnh Lực lượng Không gian được thành lập dưới sự chỉ huy của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ở Hawaii.

Tháng 12/2022, Bộ Tư lệnh quân đội Mỹ tại Hàn Quốc cũng đã thành lập cơ quan Lực lượng Không gian. Tại hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản-Mỹ-Hàn tổ chức tại Mỹ vào tháng 8/2023, ba bên đã nhất trí thúc đẩy đối thoại an ninh không gian vũ trụ và thành lập một trung tâm chỉ huy để thúc đẩy hợp tác ba bên.

 Trụ sở Lực lượng Không gian Mỹ ở Nhật đặt tại căn cứ Yokota. Ảnh: Ifeng.

Trụ sở Lực lượng Không gian Mỹ ở Nhật đặt tại căn cứ Yokota. Ảnh: Ifeng.

Trụ sở của Lực lượng Không gian Mỹ tại Nhật Bản được đặt tại Căn cứ Yokota của quân đội Mỹ ở Tokyo với biên chế khoảng 10 nhân sự. Nhiệm vụ chính của họ là liên lạc và phối hợp với Nhóm tác chiến không gian của Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản, mà không được trang bị radar, ăng-ten và các thiết bị khác. Thông qua hợp tác về "Nhận thức về lĩnh vực không gian (SDA)", Nhật Bản và Mỹ sẽ tăng cường hợp tác giám sát các mối đe dọa không gian và tăng cường mối liên kết giữa các lực lượng không gian của ba nước Nhật, Mỹ và Hàn Quốc.

Tháng 3/2022, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã thành lập "Nhóm chiến đấu không gian" tại Căn cứ Fuchu của Lực lượng Phòng vệ Trên không để giám sát môi trường không gian và hợp tác với Lực lượng Không gian Mỹ để đảm bảo ưu thế sử dụng không gian ở mọi giai đoạn từ thời bình đến các tình huống khẩn cấp.

Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sử dụng dữ liệu được chia sẻ từ hệ thống giám sát tình huống không gian lưỡng dụng (quốc phòng và dân dụng) do Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) và Mạng lưới Giám sát Không gian Hoa Kỳ (USSSN) cung cấp.

Do dữ liệu của USSSN hạn chế, hệ thống này cũng được sử dụng năng lực giám sát không gian của Nhật. Ngoài hệ thống giám sát của Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản do nhà nước Nhật Bản điều hành, các vệ tinh nhỏ do công ty phát triển vũ trụ Synspective phát triển và vận hành được trang bị "Radar khẩu độ tổng hợp (SAR)", có thể thu được thông tin hình ảnh rõ ràng về bề mặt Trái đất ngay cả trong thời tiết xấu, có vị trí hàng đầu trên thế giới.

Việc thành lập Lực lượng Không gian Mỹ tại Nhật Bản được kỳ vọng sẽ giúp hợp tác Nhật-Mỹ trong lĩnh vực không gian càng thuận lợi hơn.

 Quang cảnh buổi lễ thành lập. Ảnh: Guancha.

Quang cảnh buổi lễ thành lập. Ảnh: Guancha.

Trung Quốc lên tiếng phản đối

Bloomberg trước đó đã đưa tin, trích dẫn thông tin từ Bộ Tư lệnh Lực lượng Không gian Hoa Kỳ rằng vào năm 2025 Mỹ sẽ triển khai vũ khí chống vệ tinh nhắm vào Nga và Trung Quốc.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đáp trả, nói Trung Quốc luôn tuân thủ việc sử dụng không gian một cách hòa bình, phản đối cuộc chạy đua vũ trang ngoài không gian và phản đối việc vũ khí hóa không gian.

Trung Quốc không có ý định tham gia vào “cuộc chạy đua không gian” với bất kỳ quốc gia nào, cũng như không tìm kiếm “ưu thế về không gian”. Mỹ công khai định nghĩa không gian vũ trụ là “khu vực tác chiến”, liên tục mở rộng năng lực quân sự trong không gian, xây dựng các liên minh quân sự không gian và thúc đẩy chiến trường hóa không gian, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh chung và quyền lợi phát triển không gian của tất cả các quốc gia.

Trung Quốc yêu cầu Mỹ ngừng đưa ra những lời lẽ vô trách nhiệm, ngừng mở rộng vũ khí và chuẩn bị chiến tranh trong không gian, đồng thời đóng góp xứng đáng vào việc duy trì hòa bình và an ninh lâu dài trong không gian.

Theo Sputnick, Creaders, Guancha

Thu Thủy

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/doi-pho-nga-va-trung-quoc-my-thanh-lap-luc-luong-khong-gian-don-tru-tai-nhat-post180700.html
Zalo