Đội ngũ trí thức khoa học góp sức xây dựng nông thôn mới
Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có gần 6.900 trí thức có trình độ trên đại học, trong đó có 21 giáo sư, 138 phó giáo sư, 603 tiến sĩ, gần 2.600 thạc sĩ và trên 4% dân số có trình độ cao đẳng và đại học trở lên. Bằng những hoạt động cụ thể, đội ngũ trí thức đã triển khai nhiều dự án, đề tài khoa học và công nghệ có tính ứng dụng cao, mang lại hiệu quả tích cực trong Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh; góp phần đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Trong những năm qua, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Thái Nguyên đã tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ (KH&CN) trên địa bàn; động viên đội ngũ trí thức tham gia hiệu quả vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương và xây dựng nông thôn mới (XDNTM).
Trong bối cảnh, các quốc gia trên thế giới đang chuyển dần sang nền kinh tế tri thức và thực hiện cuộc “Cách mạng Công nghiệp 4.0”, vai trò của đội ngũ trí thức KH&CN ngày càng trở nên quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh Thái Nguyên và thực hiện mục tiêu của Chương trình XDNTM.
Ông Lê Duy Vỵ, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kĩ thuật Thái Nguyên, khẳng định: Mặc dù Thái Nguyên là tỉnh miền núi, nhưng lại có tỷ lệ trí thức 57 người/1 vạn dân, cao gấp 5 lần bình quân của cả nước là 11-12 người/1 vạn dân; đội ngũ trí thức khoa học công nghệ có số lượng lớn và chất lượng cao (đứng thứ 3 toàn quốc).
Với lực lượng đông đảo, đội ngũ trí thức KH&CN của tỉnh Thái Nguyên đã tham gia nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ vào sản xuất, trong đó có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp tỉnh, cấp bộ, dự án quốc tế, dự án chuyển giao công nghệ... Từ đó, góp phần nâng cao đời sống của người dân và bảo vệ môi trường tại các khu vực nông thôn trong tỉnh... - Ông Lê Duy Vỵ
Từ năm 2015 đến nay, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Thái Nguyên đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội thuộc các lĩnh vực: Giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, góp phần quan trọng trong thực hiện các tiêu chí của Chương trình XDNTM.
Điển hình như: “Nhận diện và xác định các giải pháp cụ thể nhằm góp phần thúc đẩy kinh tế tỉnh Thái Nguyên phát triển bền vững đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030”; “Gắn kết hoạt động của các tổ chức Hội với Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025”; Hội thảo “Vai trò của trí thức khoa học và công nghệ đối với Chương trình XDNTM của tỉnh Thái Nguyên”; “Giám định, tư vấn hệ thống cơ chế chính sách về quản lý và phát triển các sản phẩm chè của tỉnh Thái Nguyên đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ”...
Với những chương trình, đề án, hoạt động cụ thể, đội ngũ trí thức KH&CN phổ biến kiến thức KH&CN đến người nông dân; chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; xây dựng các mô hình liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn... Qua đó, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và thực hiện tiêu chí của chương trình XDNTM trên địa bàn.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 118/126 xã đạt chuẩn NTM, 29 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 8 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, bình quân mỗi xã đạt 18,6 tiêu chí, không còn xã dưới 10 tiêu chí; có 3 thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, 3 huyện đạt chuẩn NTM...
Để nâng cao hiệu quả đóng góp của đội ngũ, trong thời gian tới, chất lượng của “Liên minh công - nông - trí thức” cần tiếp tục được củng cố và nâng cao. Đội ngũ trí thức KH&CN cần tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng giải pháp công nghệ mới như nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ vào sản xuất và sử dụng giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao.
Đào tạo, chuyển giao các kỹ năng và kiến thức cho nông dân; tham gia tư vấn, đề xuất các phương án quy hoạch các khu vực nông thôn hợp lý, tối ưu hóa việc sử dụng đất đai, bảo vệ môi trường. Hỗ trợ chính sách và phát triển mô hình kinh tế; tạo dựng mối liên kết giữa nông thôn và thành thị; tăng cường nhận thức cộng đồng về các vấn đề bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và giữ gìn bản sắc văn hóa nông thôn...