Đổi mới trong thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học năm 2025

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 là năm đầu tiên thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Số môn thi, cấu trúc đề thi có nhiều thay đổi; quy chế tuyển sinh, phương thức xét tuyển đại học cũng có nhiều điểm mới.

Những điểm mới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT

Theo thông tin từ Bộ GD&ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 chỉ còn thi 3 môn với 3 buổi thi. 2 buổi đầu tiên thi môn toán và văn; ngày thứ 2 thi môn lựa chọn mà học sinh đã học trong chương trình lớp 12.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2024.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2024.

Chia sẻ về môn thi, thạc sĩ Hoàng Thúy Nga - chuyên viên cao cấp Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT nhấn mạnh: “Với môn lựa chọn, các em chỉ được đăng ký dự thi tốt nghiệp những môn đã học trong chương trình lớp 12. Riêng môn ngoại ngữ, thí sinh có thể đăng ký thi hoặc xét tuyển môn ngoại ngữ mà các em không học, ví dụ học tiếng Anh có thể đăng ký thi tiếng Pháp".

Đại diện Bộ GD&ĐT lưu ý, đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 không chỉ kiểm tra kiến thức mà tập trung nhiều hơn vào việc đánh giá năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Đề sẽ có nhiều câu hỏi được xây dựng từ các tình huống thực tế trong đời sống, khoa học, xã hội, giúp thí sinh thấy rõ mối liên hệ giữa kiến thức học được và thế giới xung quanh.

Kết quả thi tốt nghiệp THPT được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, như: xét công nhận tốt nghiệp THPT, đánh giá lại quá trình dạy, học; là căn cứ để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng xét tuyển sinh theo tinh thần tự chủ. Do vậy, đề thi được thiết kế để có sự phân hóa rõ ràng giữa các nhóm thí sinh.

Cụ thể là thay đổi về định dạng cấu trúc, hướng đến phù hợp cho mục đích đánh giá năng lực người học. Định dạng cấu trúc mới cũng góp phần làm tăng tính phân hóa của đề thi, đặc biệt là các định dạng mới là dạng đúng/sai và dạng trả lời ngắn.

"Đề thi năm 2025 phân bố tỷ lệ câu hỏi các cấp độ tư duy: biết, hiểu, vận dụng là 4 : 3 : 3. Với tỷ lệ biết và hiểu khoảng 70% sẽ nghiêng về mục đích tốt nghiệp; trong khi tỷ lệ hiểu và vận dụng khoảng 60% sẽ có tác dụng phân hóa tốt phục vụ mục đích tuyển sinh" - đại diện Bộ GD&ĐT phân tích.

Với môn ngữ văn, đề thi có thể sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa, giúp đánh giá khả năng đọc hiểu và cảm thụ văn bản của học sinh trong các tình huống thực tế, tránh học tủ, học thuộc lòng máy móc. Ngữ liệu có thể bao gồm các đoạn văn, thơ, hoặc tình huống mang tính thời sự, đời sống xã hội.

"Từ tháng 10/2024, Bộ GD&ĐT đã công bố đề thi tham khảo. Thí sinh cần lưu ý trong quá trình học tập, không chỉ học để biết, học thuộc lòng mà phải hiểu tại sao cần áp dụng kiến thức vào thực tế. Không những vậy, năm nay, việc xét tốt nghiệp xét 50% kết quả học tập THPT và 50% điểm thi tốt nghiệp. Do vậy, thí sinh cần phải chuẩn bị thật kỹ cho kỳ thi” - thạc sĩ Hoàng Thúy Nga lưu ý.

Nhiều điều chỉnh trong xét tuyển đại học

Cũng theo thạc sĩ Hoàng Thúy Nga, năm nay do sự thay đổi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, việc tuyển sinh đại học cũng phải điều chỉnh để phù hợp. Các trường đại học hoàn toàn chủ động và tự chủ trong công tác tuyển sinh nên hiện vẫn có rất nhiều phương thức và hình thức xét tuyển khác nhau.

Có nhiều đổi mới về kỳ thi tốt nghiệp và phương thức xét tuyển đại học 2025.

Có nhiều đổi mới về kỳ thi tốt nghiệp và phương thức xét tuyển đại học 2025.

Điểm mới trong tuyển sinh năm 2025 là để bảo đảm tính công bằng, minh bạch hơn. Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường phải công bố điểm quy đổi của tất cả các tổ hợp môn xét tuyển.

Những năm trước, các trường sẽ dành chỉ tiêu riêng cho từng công thức xét tuyển, từng tổ hợp môn. Nhưng năm nay, Bộ đã yêu cầu quy đổi điểm chung cho tất cả các phương thức. Điểm quy đổi này các trường sẽ phải dự kiến công bố trong đề án tuyển sinh của trường.

Thứ hai, trong tổ hợp xét tuyển, Bộ cũng công bố ngoài các môn toán và văn là môn bắt buộc trong tổ hợp xét tuyển, các môn chung phải chiếm tối thiểu 50%. Các môn chung, có nghĩa là trong các tổ hợp xét tuyển đó, phải có ít nhất hai môn là môn chung hoặc một môn có hệ số để đảm bảo 50% tổ hợp xét tuyển.

Một điểm quan trọng nữa là điều chỉnh liên quan việc xét tuyển sớm. Thay đổi này là do các năm trước, các trường tổ chức xét tuyển sớm rất nhiều, trong thời gian rất khác nhau; tạo nên bất cập và không công bằng.

Quy chế tuyển sinh đại học đang dự thảo, chưa được ban hành chính thức. Tuy nhiên, năm nay, Bộ GD&ĐT đưa ra quy định hạn chế tỷ lệ xét tuyển sớm và việc xét tuyển này chỉ dành cho những đối tượng học sinh xuất sắc, có thành tích vượt trội.

Chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đại diện Bộ GD&ĐT lưu ý thí sinh cần học đúng kế hoạch, hoàn thành toàn bộ chương trình, chú trọng vào việc hiểu bản chất vấn đề, vận dụng kiến thức vào thực tiễn thay vì học thuộc lòng máy móc.

Bên cạnh đó, thí sinh cần tích cực luyện tập thường xuyên theo định dạng đề tham khảo của Bộ GD&ĐT để nhận diện được điểm mạnh, điểm yếu và cải thiện hiệu quả.

Cùng với việc học, các em cần sắp xếp thời gian nghỉ ngơi hợp lý; có chế độ ăn uống đủ chất, tránh áp lực quá mức để có tâm lý thoải mái khi bước vào kỳ thi.

Nam Du

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/doi-moi-trong-thi-tot-nghiep-thpt-va-xet-tuyen-dai-hoc-nam-2025.html
Zalo