Đổi mới, sáng tạo, khơi thông mọi nguồn lực phát triển Thủ đô

Đổi mới phương thức lãnh đạo gắn với nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Đây là tinh thần được Đảng bộ thành phố Hà Nội quán triệt, triển khai thực hiện, đem lại những kết quả ấn tượng trong năm 2024, tạo tiền đề tiếp tục đổi mới trong năm 2025.

Nhờ đổi mới, sáng tạo, khơi thông nguồn lực, diện mạo Thủ đô ngày càng khang trang, hiện đại. (Ảnh Phạm Hùng)

Nhờ đổi mới, sáng tạo, khơi thông nguồn lực, diện mạo Thủ đô ngày càng khang trang, hiện đại. (Ảnh Phạm Hùng)

Kết thúc năm 2024, quận Hoàng Mai (Hà Nội) thu ngân sách đạt 5.365 tỷ đồng, bằng 101% kế hoạch đề ra. Tuy vượt thu còn “khiêm tốn”, nhưng trong bối cảnh công tác đấu giá đất gặp nhiều khó khăn, đây là con số thể hiện nỗ lực cao của cả hệ thống chính trị quận. Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Nguyễn Đức Dũng cho biết, quận đã thực hiện rà soát lại toàn bộ quy chế, chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị để phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, nhất là với những việc khó, cần cán bộ có đủ năng lực, phẩm chất có thể đảm đương. “Nhiệm vụ cụ thể rồi, đồng chí nào ngồi vào vị trí thì phải làm, nếu thấy khó thì nên chủ động xin rút, nếu không sẽ bị xử lý. Phải quy định chặt chẽ như thế cán bộ mới không có đường lùi”, Thường trực Quận ủy nói. Thực tế đã có trường hợp quận phải thực hiện thay thế cán bộ, hoặc có trường hợp lãnh đạo phường đã chủ động xin thôi vì không đáp ứng được yêu cầu công việc.

Ngay cả đội ngũ cán bộ chủ chốt của quận cũng sẵn sàng chịu trách nhiệm đến cùng với các vấn đề còn tồn tại. Trong công tác thu ngân sách năm 2024, Bí thư Quận ủy Hoàng Mai Nguyễn Xuân Linh yêu cầu, nếu hết năm 2024, quận không thu được ít nhất 5.300 tỷ đồng ngân sách như thành phố giao, thì Bí thư và tất cả các đồng chí trong Thường trực Quận ủy khi đánh giá cuối năm đều sẽ không hoàn thành nhiệm vụ. Sự quyết liệt ấy đã giúp quận hoàn thành và hoàn thành vượt mức 17/17 chỉ tiêu kế hoạch đề ra trong năm.

Năm 2024, quận Tây Hồ thu ngân sách ước đạt 4.954,8 tỷ đồng, bằng 176,2% kế hoạch năm, cao nhất từ trước tới nay. Trong đó đáng mừng là các khoản thu bền vững từ thương mại, dịch vụ, du lịch tăng 16,2% so với năm 2023. Cùng với phát triển kinh tế, quận quyết tâm tạo bước đột phá trong công tác bảo vệ môi trường, xây dựng địa bàn sáng, xanh, sạch, đẹp. Bí thư Quận ủy Lê Thị Thu Hằng cho biết, ngày 20/12, Ban Thường vụ Quận ủy Tây Hồ đã tổ chức giao ban trực tuyến với Đảng ủy các phường với chuyên đề “60 phút vì Tây Hồ xanh” để hệ thống chính trị cùng vào cuộc thực hiện nhiệm vụ này. Một tháng nay, cứ vào sáng thứ bảy hằng tuần, Thường trực Quận ủy đều trực tiếp xuống từng ngõ phố tham gia và kiểm tra, đôn đốc cơ sở thực hiện dọn vệ sinh môi trường.

Bí thư Đảng ủy phường Nhật Tân Nguyễn Tiến Mạnh cho biết, với sự hưởng ứng đông đảo của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân phường Nhật Tân, tình hình vệ sinh môi trường trên địa bàn phường đã có những chuyển biến tích cực, nhiều tụ điểm tồn đọng rác lâu ngày gây bức xúc trong nhân dân đã được xử lý triệt để. Đảng ủy phường đã ban hành Nghị quyết về bảo vệ môi trường, đặt mục tiêu toàn bộ 9/9 tổ dân phố “không rác”; 100% số chi bộ phân công đảng viên phụ trách các tuyến đường ngõ nơi mình sinh sống; 100% số cơ quan, đơn vị thuộc phường quản lý được chỉnh trang, làm sạch, làm đẹp theo mô hình “Cơ quan xanh”. 100% các nhà sinh hoạt tổ dân phố được chỉnh trang, làm sạch, làm đẹp theo mô hình “Nhà sinh hoạt xanh”.

Không chỉ tại các địa phương, tinh thần đổi mới, sáng tạo để khơi thông các nguồn lực phát triển Thủ đô đã luôn được Đảng bộ thành phố Hà Nội cụ thể hóa với những yêu cầu ngày càng cao hơn. Thành ủy đã đẩy mạnh đổi mới phương thức lãnh đạo thông qua các chủ trương rất quyết liệt, đụng chạm đến những lĩnh vực rất khó như phân cấp, ủy quyền; kiểm tra, giám sát; luân chuyển, điều động; đổi mới cơ cấu tổ chức bộ máy, bố trí sắp xếp cán bộ. Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7/8/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố” tiếp tục được thực hiện đã tạo sự cộng hưởng làm cho việc đổi mới phương thức lãnh đạo càng thêm mạnh mẽ.

Nhờ đó, năm 2024, mặc dù Hà Nội cùng cả nước phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, Thành ủy và các cấp ủy Đảng đã bám sát chỉ đạo của Trung ương, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai kịp thời, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, đạt kết quả khá toàn diện. Thu ngân sách trên địa bàn Hà Nội trong năm 2024 đạt hơn 509 nghìn tỷ đồng, đạt 124,7% dự toán pháp lệnh năm và tăng 23,8% so với năm 2023, trong đó thu nội địa chiếm khoảng 27% số thu nội địa của cả nước. Kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đẩy mạnh; tất cả 382 xã đều đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 100%); 188/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đạt 49,2%), 76 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Thành phố tiên phong thí điểm thành công nhiều tiện ích số cho người dân, như: hồ sơ sức khỏe điện tử, cấp lý lịch tư pháp trên VNeID, phổ cập ứng dụng tìm kiếm và thanh toán bãi đỗ xe không dùng tiền mặt, ứng dụng cảnh báo cháy, Phở số Hà Thành,… Đặc biệt ứng dụng “Công dân Thủ đô số - iHanoi” đã tạo cầu nối, gắn kết chính quyền và người dân Thủ đô; thể hiện tinh thần chủ động tương tác của chính quyền thành phố với người dân, lắng nghe người dân “mọi lúc, mọi nơi”. Ủy ban nhân dân thành phố đã khai trương Trung tâm phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội với phương châm “3 phi” (phi địa giới, phi trung gian, phi vật chất), tạo bước tiến mới trong giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp. Trung tâm dữ liệu chính của thành phố với nền tảng công nghệ hiện đại, bảo đảm an ninh, an toàn phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số của Thủ đô.

Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Hữu Phú, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương đánh giá, thành phố Hà Nội là nơi hội tụ đầy đủ nhất những yếu tố để đi đầu trong sự nghiệp kiến tạo “Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Chưa bao giờ thành phố có điều kiện thuận lợi như bây giờ để tiên phong trong kiến tạo kỷ nguyên mới. Trong đó, Hà Nội đã làm được những việc rất quan trọng. Mới đây, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cùng với đó, Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị và Luật Thủ đô 2024 là hành lang pháp lý quan trọng, tạo nhiều cơ chế đặc thù để phát huy vai trò chủ động, tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển nhanh, bền vững hơn.

Theo đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, đây là những tiền đề quan trọng để Thủ đô tiếp tục hướng đến những mục tiêu lớn hơn trong giai đoạn tiếp theo. Đảng bộ thành phố xác định sẽ phải nỗ lực, quyết tâm hơn nữa, không ngừng đổi mới, sáng tạo để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, quyết tâm hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 17 đã đề ra. “Với vị trí, vai trò là Thủ đô, Hà Nội phải là địa phương đi đầu trong triển khai thực hiện quyết liệt, đột phá, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài nhấn mạnh.

QUỐC TOẢN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/doi-moi-sang-tao-khoi-thong-moi-nguon-luc-phat-trien-thu-do-post858327.html
Zalo