Chấp hành pháp luật giao thông để 'sáng đi làm, đi học, tối về nhà đầy đủ'
Trong gần 20 năm qua, pháp luật giao thông đường bộ nhiều lần được điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế, mục tiêu giúp mọi người 'sáng đi làm, đi học, tối về nhà đầy đủ'.
![Các quy định của pháp luật đã giúp 'bức tranh' giao thông thay đổi theo hướng tích cực](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_428_51452657/53e37772413ca862f12d.jpg)
Các quy định của pháp luật đã giúp 'bức tranh' giao thông thay đổi theo hướng tích cực
Đáng chú ý, Nghị quyết 32, Nghị định 100 và hiện nay là Nghị định 168 được thực thi đã tác động lớn đến ý thức của người tham gia giao thông theo hướng văn minh, nền nếp hơn.
18 năm trước, Nghị quyết số 32/2007/NĐ-CP ngày 29/6/2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông ra đời. Trong đó có một quy định thay đổi căn bản thói quen của người dân khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông là bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm. Từ ngày 15/9/2007, người dân trên cả nước đã thực hiện quy định này, song mới áp dụng trên các quốc lộ.
![Quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm từng vấp phải nhiều luồng ý kiến trái chiều nhưng đến nay đã đi vào nền nếp do người dân ý thức được tầm quan trọng của việc đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_428_51452657/9395b604804a6914305b.jpg)
Quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm từng vấp phải nhiều luồng ý kiến trái chiều nhưng đến nay đã đi vào nền nếp do người dân ý thức được tầm quan trọng của việc đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy
Thời điểm đó cũng có nhiều luồng ý kiến, trong đó có những băn khoăn, thậm chí phản đối. Nhiều lý do được đưa ra như đội mũ bảo hiểm gây phiền hà, vướng víu. Thậm chí có các ý kiến cho rằng người đi mô tô, xe gắn máy tự chịu trách nhiệm về an toàn của bản thân nên "không cần" Nhà nước phải lo. Rồi có những tranh cãi trẻ em có cần đội mũ bảo hiểm hay không...
Để quy định này đi vào cuộc sống, nhiều cơ quan, đơn vị đã phát động phong trào đội mũ bảo hiểm, quy định cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phải đội mũ bảo hiểm và tuyên truyền người thân thực hiện. Đến ngày 15/12/2007, người dân ngồi trên mô tô, xe gắn máy bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm trên tất cả các tuyến đường.
Sau 18 năm, việc đội mũ bảo hiểm đã thực sự trở thành thói quen của mỗi người, giúp phòng ngừa hiệu quả chấn thương sọ não trong tình huống tai nạn giao thông. Chiếc mũ bảo hiểm từng vướng vào tranh cãi "đội hay không cần đội" đã cứu sống nhiều người.
Ngày 30/12/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Trong đó tăng nặng mức xử phạt đối với nhiều hành vi, nhất là đối với vi phạm nồng độ cồn. Theo đó, lái xe ô tô mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn có thể bị phạt từ 30 - 40 triệu đồng. Lái xe cứ có nồng độ cồn sẽ bị xử lý, thay vì "có nồng độ cồn vượt 50 mg/100 ml máu hoặc 0,25 ml/1 lít khí thở mới bị xử phạt" như quy định trước đó.
![Cùng với tuyên truyền, nhắc nhở, lực lượng chức năng đã xử lý nghiêm các hành vi vi phạm với phương châm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ"](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_428_51452657/e4bdc62cf062193c4073.jpg)
Cùng với tuyên truyền, nhắc nhở, lực lượng chức năng đã xử lý nghiêm các hành vi vi phạm với phương châm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ"
Nghị định 100 tiếp tục vướng phải những tranh luận về mức xử phạt quá cao, nhất là việc sử dụng rượu bia từ hôm trước hoặc sử dụng liều lượng rất nhỏ nhưng vẫn bị xử phạt. Lực lượng chức năng cả nước đã kiên quyết xử lý vi phạm này với quan điểm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ". Nhiều cán bộ, công chức, thậm chí cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang cũng bị xử phạt nghiêm khắc.
Những ý kiến xoay quanh việc xử lý vi phạm nồng độ cồn tại Nghị định 100 còn kéo dài đến 5 năm sau, khi ngày 27/6/2024 Quốc hội "chốt" cấm tuyệt đối nồng độ cồn đối với lái xe trong luật. Qua 5 năm thực hiện Nghị định 100, ý thức của người dân thay đổi rõ ràng, việc đã uống rượu bia vẫn lái xe giảm rõ rệt và việc xử lý cũng dễ dàng hơn.
Nghị định 168/2024/NĐ-CP ngày 26/12/2024 ra đời cách đây chưa lâu, quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, với mức xử phạt rất cao đối với nhiều hành vi, được coi là "cú đấm thép" trong điều chỉnh thói quen tham gia giao thông tùy tiện của rất nhiều người.
Ngay lập tức, nghị định này cũng vấp phải nhiều luồng dư luận, thậm chí bị các đối tượng xấu xuyên tạc với danh nghĩa "bảo vệ người dân nghèo", hoặc so sánh mức phạt với một số nước. Song thực tế cho thấy, hơn 1 tháng thi hành Nghị định 168, hình ảnh giao thông ở các tuyến đường đã đổi thay tích cực theo hướng văn minh, quy củ hơn, minh chứng bằng số liệu tai nạn giao thông đã giảm mạnh cả 3 tiêu chí: số vụ, số người chết và số người bị thương. Số liệu xử phạt vi phạm cũng giảm so với tháng trước đó, cho thấy lái xe đã tuân thủ hơn trước để tránh bị xử lý...
Các quy định của pháp luật nói chung và về giao thông nói riêng không thể làm "vừa lòng" tất cả, song các quy định này không có mục đích gì khác ngoài bảo vệ người dân, để mọi người "sáng đi làm, đi học, buổi tối về nhà đầy đủ". Dù có nhiều ý kiến ngược chiều, song rõ ràng các quy định trên đã mang lại lợi ích thiết thực đối với đời sống và bảo vệ an toàn cho nhân dân.