9X ở TPHCM làm nghề bị hiểu lầm suốt nhiều năm, được 'giải oan' sau khi lấy vợ

Theo nghề làm nail (làm móng chân, móng tay), Lê Đại Phát bị coi là người đồng giới suốt nhiều năm. Mãi đến khi lấy vợ, anh mới được 'giải oan'.

8 năm gắn bó với nghề, chàng trai sinh năm 1994 đã gặt hái được vô số giải thưởng trong và ngoài nước. Hiện tại, Phát là giáo viên dạy làm móng với rất đông học viên ở TPHCM.

Phát kể, sau khi trượt đại học 2 lần, anh quyết định theo đuổi đam mê vẽ. Gia đình khó khăn nên những năm 2014-2015, anh tự tìm tòi, học trên mạng về mỹ thuật, sau đó mở một lớp vẽ tranh tại nhà để kiếm thêm thu nhập.

Dạy vẽ 1 năm, anh chuyển qua nghề xăm và mở một tiệm xăm nhỏ ở Củ Chi. “Sau đó, tôi được mời xuống Gò Vấp dạy vẽ tranh cho các chị làm nail nâng cao tay nghề. Thời gian đó, nghề nail chưa phát triển lắm”.

Trong quá trình đào tạo, Phát được mọi người động viên chuyển sang nghề nail. Khi đó, anh chưa thích làm nail nhưng nghĩ rằng làm công việc này cũng có thể theo đuổi đam mê vẽ, lại có thêm thu nhập nên cũng muốn thử.

Nhờ năng khiếu hội họa, Phát nhanh chóng thích nghi và yêu nghề từ lúc nào không hay.

Phát tham dự một cuộc thi làm nail

Phát tham dự một cuộc thi làm nail

“Khó khăn lớn nhất lúc đó không phải là vấn đề chuyên môn, mà là việc tôi bị kỳ thị, bị đánh giá là giới tính thứ 3. Mọi người nghĩ vậy suốt nhiều năm, cho tới khi tôi lấy vợ gần đây, thậm chí lấy vợ rồi vẫn bị nghi hoặc. Hơn nữa, nghề nail lúc đó cũng bị xem là nghề thấp kém trong xã hội” – Phát kể.

Để được như ngày hôm nay, anh cho rằng yếu tố quan trọng nhất là phải yêu nghề và luôn nỗ lực học hỏi.

Không chỉ vượt qua những thành kiến về giới tính, Phát cũng phải vượt qua những khó khăn về kinh tế thời điểm đó.

Nếu như nhiều người khi học nghề chỉ cần quan tâm tới trau dồi kỹ thuật thì Phát còn phải khắc phục những trở ngại như không có tiền mua dụng cụ. Nhiều khi anh phải tập vẽ nail trên một cuốn vở, sử dụng bút chì màu trẻ em.

"Nhiều người chỉ nhìn thấy thành công hiện tại của tôi mà không biết trước đây tôi đã từng trải qua những khó khăn gì" - Phát chia sẻ.

Bộ nail mà Phát đạt được giải Nhất cuộc thi Nailympia Việt Nam 2024

Bộ nail mà Phát đạt được giải Nhất cuộc thi Nailympia Việt Nam 2024

Là một giáo viên nail, hiện tại lịch dạy của Phát kín tuần, từ thứ 2 đến thứ 7. Buổi tối, anh lại dạy trực tuyến cho các học viên ở nước ngoài.

“Cái khó nhất mà các học viên hay gặp phải là sự nản chí. Vì thế, trong quá trình dạy nghề, tôi luôn khích lệ để các bạn có tâm lý tốt, từ đó đạt kết quả tốt hơn.

Nhiều học viên của tôi hay lo rằng mình không có năng khiếu nhưng theo tôi, yếu tố quan trọng nhất để thành công là sự chăm chỉ luyện tập. Trên thực tế, có những bạn tốt nghiệp xong mở tiệm ở Việt Nam, có người đi nước ngoài làm, cũng có người chuyển nghề khác khi không còn đam mê nữa”.

Vẽ chân dung lên móng là một trong những phong cách khó mà nhiều học viên từng hỏi anh "bí quyết". Phát cho rằng, cái khó nhất khi vẽ chân dung chính là cảm xúc của người vẽ. Tuy nhiên, để cảm xúc phát huy tác dụng thì người vẽ phải nắm chắc kỹ thuật. "Có kỹ thuật tốt rồi mới tính đến cảm xúc được".

Phong cách nail mà anh thích nhất là nail nghệ thuật vì anh cho rằng, nó thể hiện tính nghệ thuật cao và có thể thay đổi góc nhìn của mọi người về nghề nail.

Mẫu nail mà Phát tâm đắc nhất là tác phẩm anh vẽ tay để dự thi cuộc thi Nailympia Việt Nam 2024. Tác phẩm đạt giải Nhất này mang chủ đề vẻ đẹp và sức mạnh của người phụ nữ.

Do có năng khiếu về hội họa nên Phát nhanh chóng thích nghi và yêu nghề từ lúc nào không hay

Do có năng khiếu về hội họa nên Phát nhanh chóng thích nghi và yêu nghề từ lúc nào không hay

Phát thừa nhận, nghề nail bây giờ có sự cạnh tranh rất lớn. Nhưng để tồn tại và phát triển tốt, anh không nghĩ rằng những người làm nghề cần phải cạnh tranh về giá, mà nên tập trung vào chuyên môn.

Khi tay nghề và mẫu mã tốt, khách hàng sẽ đến với mình và người làm nghề sẽ xây dựng được thương hiệu của riêng mình.

Sự cạnh tranh của nghề nail đôi khi còn khiến các học viên "chặn" ngay liên lạc với thầy cô đã dạy mình trên các kênh mạng xã hội sau khi tốt nghiệp, vì họ sợ người khác biết họ từng học ở đâu.

Tệ hơn nữa, có những học viên học xong còn không nhận mình có quen biết thầy. Đó là những câu chuyện khiến Phát khá buồn trong quá trình làm nghề.

Thầy giáo dạy nail cho rằng, thời gian tới xu hướng nail sẽ thiên về nghệ thuật, đòi hỏi kỹ thuật cầu kì hơn. Vì thế, người làm nail phải rèn luyện và sáng tạo không ngừng mới sống tốt được bằng nghề.

Cũng giống như nhiều công việc khác, Phát cho rằng để đạt được thành công, cần phải có đam mê. “Nhiều bạn mới thích chút chút, chứ chưa phải là đam mê. Khi đam mê đủ lớn, bạn sẽ biết cách trở thành người giỏi”.

Anh cho rằng, làm nghề này muốn thành công phải có đam mê và sự chăm chỉ

Anh cho rằng, làm nghề này muốn thành công phải có đam mê và sự chăm chỉ

Phát thích những mẫu nail nghệ thuật

Phát thích những mẫu nail nghệ thuật

Anh cho rằng, càng ngày khách hàng càng có nhu cầu cao hơn trong những thiết kế nail

Anh cho rằng, càng ngày khách hàng càng có nhu cầu cao hơn trong những thiết kế nail

Để có được thương hiệu riêng, người làm nghề luôn phải học hỏi, nâng cao tay nghề

Để có được thương hiệu riêng, người làm nghề luôn phải học hỏi, nâng cao tay nghề

Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nguyễn Thảo

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/9x-o-tphcm-lam-nghe-bi-hieu-lam-suot-nhieu-nam-duoc-giai-oan-sau-khi-lay-vo-2351819.html
Zalo