Đổi mới phương thức xét tốt nghiệp THPT năm 2025

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã ban hành Thông tư 24/2024/TT-BGDĐT về Quy chế Thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) (gọi tắt là Thông tư 24). Công thức tính điểm xét công nhận tốt nghiệp có sự thay đổi so với trước, điểm đánh giá quá trình học (học bạ) và kết quả thi tốt nghiệp THPT được tính theo tỉ lệ 50 - 50. Việc tăng tỷ lệ xét điểm học bạ lên 50% làm dư luận lo ngại chuyện 'làm đẹp học bạ' của học sinh. Tuy nhiên, ở Hà Nam, nhiều trường THPT khẳng định, sẽ thực hiện tốt các quy định, bảo đảm công bằng cho học sinh.

Sau khi Thông tư 24 được ban hành, dư luận xã hội có nhiều ý kiến trái chiều về những điểm mới của Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025. Một trong 6 điểm mới tại Thông tư 24 thu hút nhiều ý kiến chính là việc tăng tỷ lệ xét tuyển học bạ lên 50%. So với những năm trước, tỷ lệ này là 30%, chỉ xét điểm học bạ của học sinh ở lớp 12. Còn theo Thông tư 24, điểm học bạ của học sinh được xét từ lớp 10, 11, 12 theo cách tính: Điểm xét tốt nghiệp = [(Tổng điểm các môn dự thi: Tổng số các môn thi) + (Tổng điểm khuyến khích (nếu có): 4)] + Điểm trung bình các năm học, sau đó chia cho 2, rồi cộng với điểm ưu tiên (nếu có).

Với sự thay đổi này, dư luận xã hội đặt câu hỏi: Nếu học sinh cần có điểm học bạ cao để nâng điểm xét tốt nghiệp, liệu có tiêu cực trong xét tốt nghiệp không? Bà Phạm Thị Ngân, Trưởng phòng Giáo dục trung học và Giáo dục thường xuyên, Sở GD&ĐT cho biết: Lo ngại đó không thể nói là không có cơ sở, bởi những năm qua, không ít trường đại học có xu hướng dành một tỉ lệ chỉ tiêu đáng kể bằng phương thức xét tuyển học bạ học sinh THPT. Tuy nhiên, việc sử dụng kết quả học tập của học sinh ở cả 3 lớp 10, 11 và 12 để xét tốt nghiệp sẽ không dễ để các nhà trường làm sai lệch điểm số và tôi cho rằng, đây là một chủ trương đúng đắn, sẽ có tác động tích cực tới chất lượng giáo dục của cấp học THPT nói chung, thi tốt nghiệp THPT nói riêng.

Học sinh lớp 12 Trường THPT C Thanh Liêm trong giờ học môn toán.

Học sinh lớp 12 Trường THPT C Thanh Liêm trong giờ học môn toán.

Năm 2025 học sinh bắt đầu thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Thí sinh tham dự kỳ thi sẽ phải thi 4 môn, trong đó có hai môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và được tự chọn 2 môn thi trong số các môn đã được học, gồm: Hóa học, Vật lý, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Sinh học, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ, Ngoại ngữ. Phương thức xét tốt nghiệp THPT năm nay nhằm mục đích đánh giá toàn diện năng lực của học sinh theo chương trình mới. Theo ông Trần Đình Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT A Bình Lục, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 hướng tới mục tiêu phát huy phẩm chất, năng lực của người học. Nếu chỉ dựa vào một kỳ thi thì không bao giờ đánh giá được toàn diện năng lực của người học mà cần thêm đánh giá quá trình học tập ở cả 3 năm THPT. Vì thực tế, bài thi thường không thể đánh giá hết quá trình học, lại tồn tại những may - rủi cho học sinh. Vấn đề là chúng ta (các nhà trường THPT- PV) làm sao để điểm học bạ đúng thực chất, tạo niềm tin trong nhân dân về công tác xét tốt nghiệp và thi cử.

Là giáo viên dạy bộ môn Giáo dục kinh tế và Pháp luật ở Trường THPT A Phủ Lý, cô giáo Hà Thị Kiều Ly cho rằng, những đổi mới trong quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025 phù hợp với những thay đổi của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Chúng ta cần có nhận thức đúng đắn và tích cực về những đổi mới trong quy chế này, trong đó có việc đổi mới phương thức xét tốt nghiệp. Việc sử dụng điểm học bạ của cả 3 năm học THPT làm tiêu chí xét tốt nghiệp sẽ tạo ý thức cho học sinh phấn đấu, nỗ lực, nghiêm túc học ngay từ lớp 10. Trong thời gian tới, khi các nhà trường sử dụng học bạ điện tử, việc sửa điểm, chữa điểm, làm đẹp học bạ cho học sinh là điều khó xảy ra...

Còn theo quan điểm của thầy giáo Lương Văn Dương, Hiệu trưởng Trường THPT A Phủ Lý, các nhà trường muốn xây dựng chất lượng và uy tín, thương hiệu thì hãy coi những đổi mới này góp phần thúc đẩy các hoạt động giáo dục trong nhà trường ngay từ lớp 10. Bởi vì, đơn vị muốn đạt tỷ lệ tốt nghiệp cao, việc chỉ đạo dạy và học cần thực hiện ngay từ lớp 10 một cách bài bản, hệ thống và đúng phương pháp. Việc đổi mới phương thức xét tốt nghiệp trong Thông tư 24 giúp tăng cơ hội đỗ tốt nghiệp và giảm áp lực thi cử cho học sinh, nhất là với nhóm học sinh chỉ có nhu cầu đỗ tốt nghiệp, không có nhu cầu học đại học. Xét cho cùng, mục tiêu của kỳ thi tốt nghiệp THPT không chỉ là công nhận kết quả học tập mà còn là công cụ để đánh giá quá trình dạy và học ở cấp THPT, giúp các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp tuyển được những sinh viên, người học có chất lượng, phù hợp với yêu cầu tuyển sinh.

Thời điểm này, các nhà trường THPT, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp- giáo dục thường xuyên, các cơ sở dạy nghề có tổ chức dạy văn hóa- nghề đang tập trung dạy và ôn tập cho học sinh chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới. Học sinh đã cơ bản nắm bắt được điểm mới của quy chế thi, nỗ lực học tập, ôn tập hướng tới các kỳ thi phía trước.

Em Nguyễn Lan Anh, học sinh Trường THPT C Thanh Liêm chia sẻ: Chúng em cũng đã nắm được những điểm mới trong phương thức xét tốt nghiệp năm 2025. Quy định này được ban hành khi chúng em đang học lớp 12 rồi, vì thế, em nghĩ sẽ không đơn giản nếu muốn sửa học bạ các năm học lớp 10, lớp 11. Chúng em hiện quan tâm nhiều nhất tới cấu trúc đề thi của kỳ thi này, việc bố trí thời gian thi các môn tự chọn như thế nào cho hợp lý; đồng thời, cần tập trung nhiều cho việc ôn tập đúng trọng tâm, trọng điểm, nhuần nhuyễn kiến thức đã học và có tinh thần tốt nhất để bước vào kỳ thi.

Giang Nam

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/xa-hoi/giao-duc/doi-moi-phuong-thuc-xet-tot-nghiep-thpt-nam-2025-143221.html
Zalo