Đổi mới cách giao bài tập trong Tết
Chỉ ít ngày nữa học sinh cả nước sẽ bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Năm nay tùy theo địa phương, lịch nghỉ Tết của học sinh kéo dài từ 9 - 14 ngày, thời gian không quá ngắn nên nhiều phụ huynh khá tâm tư với câu chuyện giao bài tập Tết, dù đây là vấn đề không mới.
Dư luận luôn có hai luồng ý kiến, một là ủng hộ, hai là phản đối việc giao bài tập cho học sinh làm trong Tết. Bên ủng hộ cho rằng thời gian nghỉ Tết dài, nếu không có bài tập, học sinh dễ quên kiến thức và thói quen học tập, đặc biệt với các em có năng lực và thái độ chưa tốt, vào học sau Tết cả thầy và trò khá vất vả để “xốc” lại.
Bên phản đối lại có quan điểm Tết là khoảng thời gian để học sinh trải nghiệm, vui chơi và có cơ hội tìm hiểu văn hóa, làm giàu tình cảm gia đình. Giao bài tập dịp này không giúp trò học giỏi hơn, mà làm các em thêm căng thẳng, áp lực không cần thiết.
Thời gian qua, liên quan đến việc giao bài Tết cho học sinh, ngành Giáo dục các địa phương đã có những ứng xử khác nhau. Từ Tết Nguyên đán 2021, một số tỉnh như Quảng Bình, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh… đã ra văn bản yêu cầu giáo viên, nhà trường tuyệt đối không giao bài tập về nhà cho học sinh.
Nhưng số đông địa phương thì không đề cập, mà việc giao bài Tết thuộc quyền chủ động, linh hoạt của từng giáo viên, nhà trường. Như tại TPHCM, Tết Nguyên đán năm 2024 có những trường không giao bài tập Tết, ngay cả cấp THPT như Trường THPT Tây Thạnh, THPT Bình Phú, nhưng có nhiều trường tiểu học dạy 2 buổi/ngày vẫn mạnh dạn giao nhiệm vụ cho học sinh dịp này (như tìm hiểu về Tết, viết cảm nhận…).
Thực ra, không nhất thiết có hay không giao bài Tết một cách cực đoan. Nếu thầy cô giao bài không đúng cách, tập trung quá nhiều vào kiến thức từng môn, học sinh sẽ mất Tết vì sự học. Chuyện không ít cô cậu học trò về quê đón Tết nhưng vẫn “ôm” cả ba lô sách vở để làm bài, có em vừa đi chơi vừa lo tới giờ về nhà làm bài tập… là có thật. Trong khi đó, nếu nói không triệt để với việc giao bài Tết thì chưa chắc gỡ được áp lực cho các em, khi một số cha mẹ vẫn giao bài tập vì sợ con quên kiến thức, nếp học.
Thực tế những năm gần đây, ở đa số trường học không còn cảnh học sinh phải đối mặt với một xấp đề cương bài tập Tết. Với học sinh cuối cấp, để duy trì chế độ học tập đều đặn, các trường chỉ giao những bài tập nhẹ nhàng (nếu có), khuyến khích các em chủ động, tự giác ôn luyện vừa sức.
Ở cấp tiểu học và đầu THCS, nhiều thầy cô đổi mới cách giao bài, nghiêng về vận dụng, ôn tập những kiến thức đã học gắn với nội dung môn học như: Sưu tầm, ghi lại hình ảnh chuẩn bị Tết, đi chợ Tết, thăm ông bà, viết nhật ký ngày Tết...
Bài tập thường thiết kế dạng trò chơi tương tác theo nhóm để học sinh vừa ôn bài, vừa giữ liên hệ với các bạn trong lớp. Giáo viên khuyến khích học sinh bằng cách khen thưởng, lì xì đầu năm. Cách làm này không chỉ giúp người học hào hứng vận dụng kiến thức đã học, mà còn làm sâu sắc thêm hoạt động Tết của mình với gia đình.
Để học sinh có một cái Tết đúng nghĩa, bên cạnh sự đổi mới, sáng tạo của nhà trường về cách giao nhiệm vụ, rất cần sự chung tay, phối hợp từ gia đình để thông qua các hoạt động vui xuân, giao tiếp, chia sẻ và du lịch, thăm và chúc Tết người thân, họ hàng…, các em được học tập trải nghiệm, có thêm nhiều chất liệu cuộc sống, kỹ năng và hình thành nhân cách, bồi dưỡng phẩm chất. Đó là những bài tập Tết hết sức ý nghĩa, phù hợp với bối cảnh thực hiện Chương trình GDPT mới, hướng tới phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.