Chuyên gia ủng hộ quy định hướng tới trường học không dạy thêm thu tiền

Trường học hướng tới việc không dạy thêm, học thêm tràn lan, triền miên để học sinh phát triển toàn diện và khơi dạy khả năng tự học, sáng tạo của các em.

Ngày 30/12/2024, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực từ 14/02/2025, với rất nhiều điểm mới so với quy định hiện hành tại Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT.

Trong đó, Thông tư quy định việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho 3 đối tượng học sinh đăng ký học thêm theo từng môn học như sau: Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kì liền kề ở mức chưa đạt; Học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; Học sinh cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Cùng với đó, tổ chức, cá nhân dạy thêm ngoài nhà trường phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường, nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường song phải báo cáo với hiệu trưởng. Đồng thời, giáo viên đang dạy học tại các trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

 Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Quản lý chặt chẽ hơn nhưng không triệt tiêu nhu cầu chính đáng

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lí giáo dục Việt Nam đồng tình với Thông tư 29 về việc dạy thêm, học thêm vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, ngay từ nguyên tắc đã thể hiện quan điểm đúng và trúng, mang ý nghĩa nhân văn. Cụ thể, quy định mới định hướng đến việc tổ chức dạy thêm, học thêm chỉ dành cho đối tượng học sinh có nhu cầu, tự nguyện; phải góp phần phát triển phẩm chất, năng lực và phù hợp với khả năng tiềm ẩn của mỗi người học chứ không phải nhồi nhét thêm kiến thức.

Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng quy định 3 đối tượng được dạy thêm trong nhà trường nhưng không được thu tiền học sinh mang tính khoa học và hợp lý. Quy định sẽ giúp định hướng cho các nhà trường, giáo viên trong việc dạy và học làm sao đảm bảo chất lượng giáo dục theo yêu cầu, mà không phát sinh ra thêm những giờ học tăng cường có thu phí. Điều này giúp học sinh có thêm thời gian vui chơi, nghỉ ngơi, thời lượng học tập phù hợp với tâm lý lứa tuổi, đảm bảo sức khỏe các em. Trong khi giáo viên vừa không phải bố trí dạy cả ngày lẫn đêm, thì việc học thêm ở các em cũng phải thỏa mãn nhu cầu thích học tập, biết cách học, có thời gian tự học hiệu quả và phát triển tiến bộ so với bản thân.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm cũng đồng tình với quy định giáo viên không được dạy thêm có thu tiền đối với học sinh của mình ở bên ngoài. Điều này góp phần tránh được những thông tin tiêu cực về sự hoài nghi, chèo kéo học sinh từ lớp học ra trung tâm học thêm để thu tiền.

Song, chừng nào việc tuyển sinh vào các trường top đầu, thi vượt cấp, các lớp chọn, trường chuyên còn áp lực lớn như một cuộc đua, thì nhu cầu học thêm sẽ tiếp tục hiện diện. Trước đây, dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra nhiều quy định nhằm hạn chế tình trạng dạy thêm tràn lan tại các trung tâm, nhưng phụ huynh vô hình chung vẫn có lo lắng con mình không đủ kiến thức bằng các bạn, cũng như gặp khó khăn trong việc đánh giá chất lượng tại các cơ sở này bởi chưa được kiểm soát, quản lý chặt chẽ.

Theo đó, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm ủng hộ quan điểm trường học hướng tới không dạy thêm, học thêm. Bởi lẽ, ba yếu tố để phát triển toàn diện ở một trẻ em đó là: cơ thể khỏe mạnh, tinh thần sống thoải mái, có thể phát huy hết năng lực của bản thân khi học tập kiến thức và trau dồi kỹ năng. Thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới, nhiều trường hiện nay dạy học 2 buổi/ngày đã là rất đủ thời lượng để tiếp nạp kiến thức.

Ngoài giờ học chính khóa trên lớp, các em cần được tham gia các hoạt động giáo dục khác để rèn luyện đạo đức, kỹ năng sống. Nếu học sinh có nhu cầu mở rộng vốn hiểu biết, các em có thể tự học, tự đọc sách vở, nghiên cứu kiến thức mà không cần phải học thêm, trừ các trường hợp học sinh giỏi, học sinh cần bổ túc vì yếu kém. Ngay cả việc dạy thêm cho học sinh yếu và học sinh giỏi trong mỗi nhà trường cũng không nên kéo dài mà chủ yếu nên giúp các em biết cách tự học.

Thực tế trước đây, có một số trường học khuyến khích học sinh tham gia hàng loạt cuộc thi do các đơn vị bên ngoài tổ chức dưới danh nghĩa quốc gia hoặc quốc tế để lấy thành tích, khoe thành quả. Điều này vô tình tạo áp lực lên phụ huynh, buộc gia đình phải chạy đua cho con mình tham gia các kỳ thi, lớp học thêm sau giờ học chính thức, thậm chí cả ngày nghỉ lễ hay cuối tuần, khiến trẻ không có thời gian nghỉ ngơi. Việc nhồi nhét kiến thức có thể tác dụng ngược, gây áp lực cho người học và giảm khả năng tiếp thu lượng kiến thức khổng lồ này.

Còn theo ý kiến của chuyên gia giáo dục - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam, Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm có nhiều điểm mới tích cực và thể hiện tư duy quản trị tiến bộ, không còn tư duy “không quản được thì cấm”. Điều này phù hợp với bối cảnh xây dựng nền giáo dục mở, năng lực học tập suốt đời của con người. Quy định tạo hành lang pháp lý để cấm những hiện tượng tiêu cực của việc dạy thêm, chứ không triệt tiêu những nhu cầu chính đáng, khát vọng học tập có thực của từng cá nhân người học.

Đánh giá cao quy định cấm giáo viên dạy thêm ngoài trường đối với học sinh mà chính giáo viên đó dạy trên lớp, chuyên gia giáo dục cho rằng, ý nghĩa của việc này là thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ học sinh ngay trên lớp học, giúp đảm bảo chất lượng giáo dục, mà không cần thiết phải dạy thêm, học thêm.

Trong bối cảnh hiện nay, tăng cường trách nhiệm quản lý của người đứng đầu các cơ sở giáo dục là hiệu trưởng cũng rất cần thiết. Những người quản lý tại cấp cơ sở mới hiểu sâu sắc tình hình thực tế và ứng phó linh hoạt để loại bỏ triệt để các hiện tượng tiêu cực liên quan đến hoạt động dạy thêm, học thêm. Bên cạnh cơ chế giám sát hành chính từ phía nhà nước, cần kết hợp cả việc giám sát từ cộng đồng nhằm đảm bảo tính minh bạch và liêm chính.

Định hướng phù hợp với Chương trình Giáo dục phổ thông mới

Đánh giá về Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về việc dạy thêm và học thêm, cô Lều Thu Hà - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồng Hà (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho hay: "Đối với bậc tiểu học, các em học sinh đã được bố trí học hai buổi trong một ngày ở trên trường, vì vậy, việc học thêm các môn văn hóa vào ngoài giờ học chính khóa là không cần thiết. Do đó, nhà trường rất nhất trí với quan điểm mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra để định hướng việc tổ chức dạy thêm không được tràn lan và phải đảm bảo tính phù hợp, chất lượng, đáp ứng đúng nhu cầu học tập thực chất của học sinh.

Việc quản lý và giám sát đội ngũ giáo viên về tổ chức học thêm, dạy thêm luôn được Ban Giám hiệu nhà trường thực hiện một cách nghiêm ngặt và liên tục. Chính vì vậy, chúng tôi không gặp quá nhiều khó khăn, thách thức trong việc quản lý hoạt động dạy thêm ngoài giờ của giáo viên. Tôi tin tưởng rằng đội ngũ giáo viên của nhà trường đã cam kết và thực hiện đúng theo quy định".

Song, để có thể giải quyết triệt để vấn đề tiêu cực của dạy thêm, học thêm, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm cho biết, nền giáo dục phải hướng tới thực chất nhằm phát triển phẩm chất, năng lực, khả năng sáng tạo toàn diện cho từng học sinh, thay vì nặng nề về thi cử, điểm số. Hiện nay, nước ta đã thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được một chặng đường với yêu cầu mới, đó là giảm nhẹ truyền thụ kiến thức một chiều, thay đổi phương pháp để hình thành, phát triển năng lực cho học sinh.

 Ảnh minh họa: Trường Tiểu học Hồng Hà (Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Ảnh minh họa: Trường Tiểu học Hồng Hà (Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Tuy nhiên, chúng ta cần tiếp tục những giải pháp hạn chế để các nhà trường, phụ huynh, học sinh không chạy đua với điểm số, thi cử, các loại bằng cấp, chứng chỉ. Vì vậy, thứ nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các tỉnh, thành phố cần có phương án đảm bảo chất lượng giáo dục các trường học đồng đều, trong đó có cả điều kiện cơ sở vật chất. Được trao quyền tự chủ, mỗi cơ sở đào tạo phải tự chịu trách nhiệm về chất lượng giảng dạy, không ngừng sáng tạo, hướng đến giáo dục hội nhập.

Thứ hai, một yếu tố quan trọng, cốt lõi đó là giáo viên phải yên tâm làm nghề với mức thu nhập của mình, đảm bảo chế độ lương đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống, để chấm dứt tình trạng “chân trong, chân ngoài” giữa việc dạy chính và dạy thêm, giao những đề bài đánh đố nhằm ép buộc học sinh đi học thêm. Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nâng cao chất lượng đội ngũ, đồng thời đánh giá về việc đổi mới phương pháp giảng dạy theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới hiện nay.

Thứ ba, chúng ta cũng cần hạn chế những kỳ thi học sinh giỏi về các môn văn hóa, không giúp thúc đẩy học sinh sáng tạo hay khơi gợi những ý tưởng độc đáo, thiết thực hơn trong cuộc sống. Việc chỉ tập trung vào dạy kiến thức khoa học, lý thuyết trên sách vở thì dù có nâng cao bao nhiêu, cũng khó đáp ứng nhu cầu phát triển toàn diện cho người học.

Mặt khác, việc đặt ra các tiêu chí để tuyển sinh hiện nay cũng cần được xem xét. Khi hiện tượng chạy theo thành tích để “tô điểm”, "làm đẹp" học bạ chấm dứt, thì "vòng quay" chọn trường trở nên minh bạch, công bằng hơn; lúc đó việc dạy thêm, học thêm tập trung vào nhu cầu mở rộng kiến thức và năng lực thực sự của học sinh, thay vì các em phải đi học triền miên để đạt được những con số hay danh hiệu mang tính hình thức.

Diệu Dương

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/chuyen-gia-ung-ho-quy-dinh-huong-toi-truong-hoc-khong-day-them-thu-tien-post248613.gd
Zalo