Đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận chính trị ở tỉnh Lai Châu hiện nay

Đổi mới phương pháp nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị của đội ngũ giảng viên với vai trò là chủ thể của hoạt động giảng dạy lý luận chính trị, truyền thụ những tri thức mới cho học viên.

Tham gia vào quá trình nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị, đội ngũ giảng viên cần phải hiểu rõ được bản chất của các khái niệm, phạm trù, nguyên lý, quy luật tại các học phần, chuyên đề trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị. Để chuyển tải kiến thức cho học viên, phải biết sử dụng các phương pháp giảng dạy tích cực như: thảo luận nhóm, phỏng vấn nhanh, đóng vai, bài tập tình huống, sàng lọc... Trong sử dụng phương pháp dạy học tích cực, giảng viên phải đảm bảo tính khoa học của các phạm trù, nguyên lý, quy luật của các học phần, chuyên đề về lý luận và gắn với thực tiễn tránh tình trạng lý luận suông, phải làm cho học viên hiểu vấn đề, nhận thấy sự bổ ích, hứng thú và có ý nghĩa thật sự khi học lý luận chính trị. Ph.Ăngghen đã từng nói: “…một dân tộc muốn đứng vững trên đỉnh cao của khoa học thì không thể không có tư duy lý luận”. Vì thế, hiệu quả của quá trình đào tạo, bồi dưỡng phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ giảng viên giảng dạy lý luận chính trị (với vai trò là người hướng dẫn, chỉ đạo, tổ chức, quá trình dạy học và giúp học viên tiếp cận chân lý), đó phải là những giảng viên có phẩm chất chính trị tốt, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, có trình độ khoa học, kiến thức sâu và rộng, có năng lực truyền thụ kiến thức. Tham gia vào quá trình này, chủ yếu là giảng viên, họ đóng khá nhiều vai: vừa là một nhà khoa học, vừa là nhà sư phạm, vừa là nhà tâm lý…, bằng nhân cách của mình người thầy không chỉ truyền đạt tốt chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, mà còn phải hình thành ở học viên thế giới quan, phương pháp luận biện chứng của chủ nghĩa Mác - Lênin, củng cố niềm tin trong công cuộc đổi mới mà còn tổ chức hướng dẫn, phát huy vai trò tự học, tự nghiên cứu của học viên.

Phương pháp giảng dạy lý luận chính trị là khoa học về sự vận dụng và chuyển hóa những kiến thức kinh điển, những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với học viên để họ hiểu và vận dụng vào thực tiễn công tác. Giảng viên khi lên bục giảng dạy về lý luận chính trị có mục đích được xác định trước, còn học viên cũng có nhu cầu, mục tiêu nhận thức nhất định. Trên cơ sở đảm bảo đúng, đủ nội dung, có phương pháp giảng dạy phù hợp, đáp ứng tốt nhu cầu học viên, thực chất là chúng ta đã tìm được sự giao thoa, đồng cảm giữa giảng viên và học viên trong buổi học tập về lý luận chính trị.

Từ thực tiễn thực hiện chương trình đào tạo, bồi dưỡng tại Trường Chính trị tỉnh Lai Châu thời gian qua, tác giả trao đổi, chia sẻ một số kinh nghiệm của mình về đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận chính trị nhằm hình thành và phát triển hơn nữa những kỹ năng tư duy cho cán bộ, đảng viên hiện nay.

Thực trạng công tác giảng dạy lý luận chính trị tại tỉnh Lai Châu hiện nay

Hiện nay, trong công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị tại Trường Chính trị tỉnh và Trung tâm Chính trị các huyện, thành phố tại tỉnh Lai Châu bên cạnh nhiều mặt tích cực đã làm được vẫn còn tồn tại, hạn chế ở đội ngũ giảng viên về nội dung, phương pháp; còn học viên là ở thái độ, kỹ năng...

Về phía giảng viên: Một số giảng viên Trường Chính trị tỉnh và Trung tâm Chính trị các huyện, thành phố dù có học vị thạc sĩ nhưng lại chưa trải qua quá trình công tác tại cơ sở nên thiếu kiến thức thực tiễn. Thực tế cho thấy, muốn giảng tốt các học phần, chuyên đề về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, quan điểm của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, ngoài việc đọc sách, nghiên cứu tài liệu, giảng viên cần những trải nghiệm thực tế công tác, giàu kinh nghiệm, có sự am hiểu về cuộc sống đời thực đã diễn ra trong quá khứ cũng như những gì đang diễn ra hàng ngày thông qua sách báo, tạp chí và các kênh thông tin khác. Bởi mỗi ngày tình hình trong nước và trên thế giới luôn có sự thay đổi trên tất cả các lĩnh vực rất cần đội ngũ giảng viên Trường Chính trị tỉnh và Trung tâm Chính trị huyện, thành phố cập nhật để nắm bắt tình hình đưa vào minh họa trong những bài giảng thêm phần phong phú. Mặt khác, trong giảng dạy phải biết lựa chọn hình ảnh, nội dung, những câu chuyện diễn ra trong thực tiễn đưa vào bài giảng của mình cho phù hợp với từng nội dung, vấn đề, từng tiểu mục để minh chứng. Nhưng để có nhiều hình ảnh, nội dung, tình huống hay phù hợp lại đòi hỏi giảng viên đầu tư rất nhiều thời gian trong quá trình tìm tòi, nghiên cứu, cập nhật tin tức mỗi ngày.

Một số giảng viên Trường Chính trị tỉnh và Trung tâm Chính trị huyện, thành phố hiện nay, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ còn sử dụng chủ yếu là phương pháp giảng dạy truyền thống, độc thoại một chiều, phương pháp lấy người thầy là trung tâm. Thầy giảng, học viên nghe và ghi chép thụ động tiếp nhận kiến thức là chủ yếu. Chúng ta không thể phủ nhận được phương pháp này vẫn có ưu điểm đó là giảng viên sẽ chủ động về thời gian, quản lý mọi hoạt động trên lớp cũng như truyền tải những kiến thức sâu rộng hơn tới học viên. Tuy nhiên, phương pháp giảng dạy truyền thống làm cho nội dung lý luận càng thêm khô khan, trừu tượng, xa rời thực tế nên làm cho học viên rất thụ động, khó tiếp thu kiến thức, phụ thuộc nhiều vào kiến thức, quan điểm của giảng viên. Khả năng tiếp thu kém, thiếu tự tin, thiếu tính sáng tạo, việc nghe - ghi - chép còn kéo theo hệ lụy đó là học viên rất lười đọc sách, ít cập nhật thông tin và rất yếu trong xử lý tình huống khi giảng viên đặt vấn đề. Chúng ta có thể thấy rằng ngay trong những bài giảng của mình hầu như một số giảng viên rất hay đưa ra câu hỏi sau khi phân tích khái niệm, phạm trù… Yêu cầu học viên lấy ví dụ ngay sau đó thì học viên đang ngồi trên lớp nghe giảng tỏ ra rất khó khăn có thể vận dụng đưa vào thực tiễn. Những cánh tay của học viên đưa lên phát biểu trở nên ít ỏi.

Bên cạnh đó, trong các tiết giảng các giảng viên cố gắng hết sức để truyền tải nội dung một cách đầy đủ nhất nhưng với thời lượng phần học, chuyên đề không nhiều cho lượng kiến thức quá rộng thì quá trình tương tác giữa giảng viên và học viên hầu như không có. Bởi vậy ảnh hưởng rất nhiều tới việc truyền tải, tiếp thu kiến thức cũng như không tạo sự hứng thú trong việc sáng tạo, nâng tầm tư duy của học viên qua mỗi tiết học, phần học, chuyên đề.

Về phía học viên: Do chưa đánh giá đúng hết vai trò và ý nghĩa của học tập lý luận chính trị nên một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có biểu hiện lười học, ngại học lý luận chính trị. Lười học lý luận chính trị của cán bộ, đảng viên có thể dễ dàng nhận thấy thông qua một số biểu hiện cụ thể như:

Thứ nhất, nhiều học viên có biểu hiện coi thường học tập lý luận chính trị nói chung, nghị quyết của Đảng nói riêng; cho rằng, chỉ cần có trình độ chuyên môn là đủ nên chưa dành nhiều thời gian, tâm huyết để nghiên cứu, học tập.

Thứ hai, không ít học viên được cơ quan, đơn vị chọn cử đi học nhưng lại mang tư tưởng học đối phó, “có mặt” để điểm danh mà chưa tuân thủ đúng quy định về giờ giấc học tập, chưa thực tâm chú ý lắng nghe giảng viên truyền thụ kiến thức; một bộ phận học viên còn mặc nhiên sử dụng điện thoại để lướt Web hoặc vô tư nói chuyện riêng trong giờ học, học không vì mục đích bù đắp những tri thức, kỹ năng còn thiếu, mà học vì lý do thăng tiến, hoàn thiện bằng cấp, đáp ứng tiêu chuẩn được đề bạt, bổ nhiệm lên những vị trí cao hơn.

Thứ ba, tình trạng sao chép tài liệu một cách máy móc diễn ra khá phổ biến. Khi làm bài thi hết học phần, bài thu hoạch, một bộ phận không nhỏ nhọc viên ít chịu đào sâu suy nghĩ cho thấu đáo vấn đề thực tiễn đã và đang đặt ra; thậm chí, sau mỗi buổi học, đợt học, nhiều học viên còn “bỏ quên” tài liệu học tập ngay tại hội trường, trong bàn học, lớp học.

Thứ tư, trong công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, nội dung và phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá kết quả còn nhiều bất cập, thiếu sự phối hợp giữa đơn vị cử cán bộ đi học với cơ sở đào tạo trong quản lý người học.

Theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, nhận thức không đúng về vai trò của lý luận và lý luận chính trị, lười học lý luận chính trị chính là biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị. Điều này rất nguy hiểm, là một trong những nguyên nhân dẫn đến những trường hợp cán bộ, đảng viên khi tiếp xúc với quan điểm sai trái, phản động của các thế lực thù địch thì tỏ ra lúng túng, hiểu nửa vời, thiếu lý lẽ để “lý giải” và đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, phản động để bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng. Chính sự suy thoái này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo của mỗi cán bộ, đảng viên mà còn khiến họ gặp khó khăn trong công tác vận động quần chúng, thậm chí không giữ được lập trường trước sự cám dỗ của vật chất và sự lôi kéo của các thế lực phản động.

Một số giải pháp đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận chính trị tại tỉnh Lai Châu trong thời gian tới

Để có được kỹ năng, phương pháp giảng dạy lý luận chính trị chất lượng, hiệu quả, theo tác giả mỗi giảng viên Trường Chính trị tỉnh và Trung tâm Chính trị huyện, thành phố cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

Thứ nhất, mỗi giảng viên Trường Chính trị tỉnh và Trung tâm Chính trị huyện, thành phố cần phải có kế hoạch tự học tập, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Thường xuyên rèn luyện bản lĩnh chính trị, xây dựng đạo đức cách mạng, đặc biệt là học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ giảng dạy. Giảng viên không chỉ nắm vững nội dung của vấn đề mình cần trình bày, mà còn phải thấm sâu, thực sự nhuần nhuyễn và trở thành nội lực của bản thân thì mới tác động trực tiếp đến học viên mang lại hiệu quả cho công tác giảng dạy. Một khi giảng viên thực hiện tốt vai trò của mình không chỉ góp phần nâng cao chất lượng bài giảng mà còn khơi dậy sức sống mãnh liệt và lan tỏa niềm đam mê đến từng chủ thể là các học viên, đảng viên trong hệ thống chính trị về nhu cầu học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị.

Thứ hai, đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên theo hướng gắn lý luận với thực tế. Đại hội XIII của Đảng nhận định: “Công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị được đổi mới cả về nội dung và phương pháp; tăng cường quản lý, kỷ luật trong giảng dạy, học tập; chất lượng đào tạo, bồi dưỡng được nâng lên”. Cần phải nhìn nhận rằng, thực tiễn luôn vận động và biến đổi không ngừng cho nên cần phải đổi mới hình thức đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao hiệu quả cho công tác giảng dạy lý luận chính trị. Mỗi giảng viên cần thấy đổi mới phương pháp giảng dạy, lấy học viên là trung tâm, là chủ thể để thông qua việc giảng dạy, thảo luận, trao đổi học viên sẽ có điều kiện bổ sung kiến thức cho nhau, củng cố những kiến thức đã học, đồng thời phát huy được khả năng sáng tạo của mình trong học tập và nghiên cứu. Qua đó phát huy tính tích cực, tự giác của học viên và kích thích khả năng tư duy logic của họ khi tham gia học tập lý luận chính trị.

Trước hết, cần nhận thức đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận chính trị là yêu cầu quan trọng số một góp phần nâng cao chất lượng học tập của học viên khi được đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị. Học tập lý luận chính trị là cơ hội để họ trao đổi kinh nghiệm qua công tác thực tế ở địa phương với giảng viên, do đó giảng viên phải lựa chọn phương pháp giảng dạy phù hợp với từng đối tượng học viên. Hiện nay đổi mới phương pháp dạy học phải lấy người học làm trung tâm trong quá trình dạy học; giảng viên cần tăng hoạt động đối thoại, hạn chế độc thoại; tăng thời gian nghiên cứu, thảo luận để tạo cho họ thói quen tự nghiên cứu, tư duy và khả năng khái quát, tổng hợp. Bên cạnh đó, giảng viên cần vận dụng linh hoạt nhiều phương pháp giảng dạy tích cực để nâng cao chất lượng bài giảng của giảng viên đồng thời khuyến khích, nêu gương những giờ giảng tốt. Để làm được như vậy, đòi hỏi giảng viên cần có chuyên môn sâu, phương pháp sư phạm tốt, có những kỹ năng sáng tạo trong quá trình chuẩn bị, thiết kế bài dạy trước khi lên lớp từ khâu thiết kế mục tiêu bài giảng; kỹ năng thiết kế nội dung bài dạy; kỹ năng tổ chức, điều hành hoạt động giảng dạy. Trong quá trình giảng dạy phải luôn xác định được mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình đào tạo lý luận chính trị.

Thứ ba, việc kiểm tra, đánh giá năng lực học viên cần sự nghiêm túc, khoa học trên các phương diện cơ bản: công tác ra đề thi, coi thi và chấm thi, hướng dẫn khóa luận cuối khóa, viết bài thu hoạch. Việc xem nhẹ các nội dung trên dẫn đến đánh giá không thực chất, chất lượng ảo. Những hạn chế trong công tác ra đề, coi thi, chấm thi, hướng dẫn khóa luận cuối khóa, viết bài thu hoạch trong nhiều năm qua đã được chỉ ra nhưng đến nay chậm được khắc phục, có mặt còn tăng lên, diễn biến phức tạp… Điều này tác động tiêu cực đến chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của Trường Chính trị tỉnh và Trung tâm Chính trị huyện, thành phố, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Đề thi hết học phần, đề thi tốt nghiệp cần đổi mới theo hướng thực tế, khoa học, hiệu quả, tránh kinh viện hàn lâm, cũng tránh đề thi quá dễ, đơn giản, lạc hậu. Liên tục đổi mới đề thi, hạn chế sự tác động của nhân tố chủ quan bằng ngân hàng câu hỏi thi và thường xuyên rà soát, bổ sung, hoàn thiện. Công tác coi thi cần được đầu tư hơn nữa, tăng cường công tác kiểm, giám sát, hỗ trợ của thiết bị kĩ thuật, hạn chế các tác động của nhân tố chủ quan.

Thứ tư, Trường Chính trị tỉnh và Trung tâm Chính trị huyện, thành phố cần khuyến khích, tạo mọi điều kiện để giảng viên tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ. Thực tế trong những năm qua lãnh đạo Trường Chính trị tỉnh và Trung tâm Chính trị huyện, thành phố đã rất quan tâm, tạo điều kiện và thường xuyên cử giảng viên tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng như: đào tạo trình độ thạc sĩ phù hợp với vị trí việc làm; bồi dưỡng phương pháp dạy - học tích cực cơ bản; lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức mới cho giảng viên dạy triết học tại các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; bồi dưỡng phương pháp nghiên cứu khoa học lý luận chính trị do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và một số cơ sở đào tạo có uy tín khác tổ chức. Đồng thời qua tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng giảng viên phải biết vận dụng vào công tác giảng dạy lý luận chính trị, gắn với từng học phần, chuyên đề của chương trình đào tạo, bồi dưỡng. Khi áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực cần quán triệt tinh thần lấy người học làm trung tâm để tìm mọi cách phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo của người học. Đồng thời, giảng viên cần có sự linh hoạt, nhuần nhuyễn trong việc sử dụng các phương tiện giảng dạy hiện đại để làm cho bài giảng sinh động, phong phú, hấp dẫn và lôi cuốn người học.

Làm tốt những vấn đề nêu trên, hoạt động giảng dạy lý luận chính trị tại Trường Chính trị tỉnh và các Trung tâm Chính trị huyện, thành phố trong giai đoạn hiện nay sẽ ngày càng có tính lan tỏa sâu sắc, có tác dụng không ngừng vun đắp nền tảng tư tưởng của Đảng, nâng cao chất lượng cán bộ, đảng viên, củng cố mối quan hệ bền chặt giữa Đảng với Nhân dân trên địa bàn tỉnh Lai Châu hiện nay.

B.T

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/x%C3%A3-h%E1%BB%99i/%C4%91%E1%BB%95i-m%E1%BB%9Bi-ph%C6%B0%C6%A1ng-ph%C3%A1p-gi%E1%BA%A3ng-d%E1%BA%A1y-l%C3%BD-lu%E1%BA%ADn-ch%C3%ADnh-tr%E1%BB%8B-%E1%BB%9F-t%E1%BB%89nh-lai-ch%C3%A2u-hi%E1%BB%87n-nay
Zalo