Sống đẹp bằng cả trái tim
Nỗ lực học tập, năng động tổ chức các dự án xã hội trong suốt nhiều năm qua, Vũ Thị Hải Anh, sinh viên khiếm thị năm hai của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) được vinh danh với giải thưởng Thanh niên sống đẹp năm 2024, trở thành tấm gương truyền cảm hứng cho học sinh, sinh viên và cộng đồng người khuyết tật.
Không đầu hàng số phận
Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh gia đình nhiều khó khăn, bố mẹ già yếu, anh trai sức khỏe không tốt, phải thường xuyên đi viện, cô gái khiếm thị Vũ Thị Hải Anh (sinh năm 2000, quê Nam Định) luôn kiên định ước mơ đến trường.
Từng bị từ chối nhận nhập học thuở mẫu giáo, từng nghe những định kiến của mọi người xung quanh và rơi vào trầm cảm trong thời gian dài, tuy nhiên Hải Anh hạnh phúc vì luôn có mẹ đồng hành: “Mẹ tôi vừa là đôi mắt vừa là người thầy dạy tôi từ kỹ năng sống đến con chữ. Mẹ đã tranh thủ từng chút thời gian cùng tôi học chữ nổi để tôi có thể hòa nhập với cộng đồng”.
Lên 8 tuổi, Hải Anh mới có cơ hội đi học tại Hội Người mù TP Nam Định, sau tham gia lớp học hòa nhập tại Trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội). Sau đó, cô chuyển sang học tập tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Hải Anh có cơ duyên được kết nối với những người chung đam mê viết lách và làm truyền thông, từ đó tham gia tổ chức các hoạt động, dự án xã hội trong nước và quốc tế. Đây chính là động lực để Hải Anh tích cực rèn luyện và trở thành sinh viên ngành Quan hệ công chúng của Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội).
Để có đủ nguồn tài chính trang trải cuộc sống, ngoài giờ học trên lớp, nữ sinh khiếm thị này còn làm thêm công việc gỡ băng chất lượng cao cho các trung tâm nghiên cứu, xoa bóp bấm huyệt tại cơ sở chăm sóc sức khỏe và tìm kiếm các nguồn học bổng, tài trợ để chi trả học phí. Khó khăn là thế, nhưng cô luôn biết cách cân bằng, tạo lối sống vui - sống khỏe - sống có ích bằng việc tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, chạy bộ, đọc sách và tổ chức các dự án xã hội…
Bên cạnh đó, năng khiếu về hội họa và âm nhạc đã giúp Hải Anh sống lạc quan, yêu đời dù khiếm khuyết cơ thể và đoạt nhiều giải cao trong các hội thi của thành phố.
Tỏa sáng qua những dự án hỗ trợ người khuyết tật
Vượt qua nhiều khó khăn, Hải Anh được cộng đồng đánh giá cao với vai trò lãnh đạo trong các dự án tình nguyện, hoạt động xã hội. Là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hoa Đá của trường (sân chơi cho sinh viên khuyết tật phát triển bản thân), Hải Anh tiếp tục triển khai nhiều dự án, trang bị nhiều kỹ năng mềm, kiến thức, tạo điểm tựa tinh thần cho các sinh viên khuyết tật trong trường giúp họ tìm kiếm cơ hội việc làm, dễ dàng hòa nhập với cộng đồng.
Bên cạnh đó, cô còn là hội viên tích cực của Hội Người mù quận Hoàn Kiếm, thành viên Câu lạc bộ Sinh viên khuyết tật Hà Nội, đồng thời là Phó Chủ nhiệm Mạng lưới Sinh viên khiếm thị Việt Nam quản lý dự án hành chính công trực tuyến dành cho người khuyết tật dưới sự tài trợ của Quỹ Abilis (Phần Lan).
Là người khiếm thị toàn phần, gặp khó khăn về việc xử lý hình ảnh, giao diện thiết kế, Hải Anh luôn cố gắng tìm những cộng sự làm việc ăn ý để đồng hành trong các hoạt động xã hội. Cô bắt đầu từ các dự án nhỏ như tổ chức lớp dạy và thi nấu ăn cho người khiếm thị, dự án The Eyes Project để tạo sự thấu hiểu giữa người khiếm thị và người không khiếm thị,...
Đối với cô, thành công của mỗi dự án là mang lại hiệu quả tích cực cho người khuyết tật tham gia, cả về tinh thần và kỹ năng. Một học viên khiếm thị ở Gia Lâm (Hà Nội) chia sẻ, từ khi tham gia lớp học nấu ăn, tôi biết nhặt rau, phụ bếp, cảm thấy mình không bị cô lập trong các bữa tiệc, đám tiệc của gia đình và thấy hạnh phúc vì bản thân dần tạo nên nhiều giá trị.
Vận động được nguồn hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ, các dự án xã hội mà Hải Anh và cộng sự thực hiện hướng đến cả người khuyết tật và không khuyết tật: “Chúng tôi liên tục xây dựng các dự án để tập huấn kỹ năng sống cơ bản cho nhóm người khuyết tật và nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng để có văn hóa ứng xử văn minh hơn đối với người khiếm khuyết”.
Ngoài việc tổ chức các dự án xã hội, Hải Anh còn nhiệt tình tham gia các cuộc thi truyền cảm hứng tới cộng đồng, đoạt giải Đại sứ Văn hóa đọc Thủ đô năm 2019, giải đặc biệt cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lần thứ 48; được Hội Khuyến học Việt Nam tuyên dương là tấm gương người lao động tốt trong phong trào tự học thành tài năm 2023, nhận Bằng khen Thanh niên khuyết tật tiêu biểu trong chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam năm 2022.
Hải Anh đang dồn tâm huyết tiếp tục hoàn thiện bộ hướng dẫn sử dụng dịch vụ hành chính công trực tuyến cho đối tượng khuyết tật vận động, người khiếm thị và khiếm thính. Dự án này không chỉ đóng góp vào việc cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật mà còn nhằm hỗ trợ mục tiêu chuyển đổi số quốc gia đến năm 2030.
“Bằng cách giúp người khuyết tật tự tin sử dụng các dịch vụ hành chính công trực tuyến, chúng tôi hướng đến việc thu hẹp khoảng cách giữa người khuyết tật với cộng đồng xã hội, giúp họ hòa nhập một cách toàn diện hơn trong kỷ nguyên số”, Hải Anh chia sẻ.
Vinh dự là một trong 20 cá nhân được vinh danh trong giải thưởng Thanh niên sống đẹp năm 2024 của Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hải Anh luôn tâm niệm “người khiếm thị có thể mất đi ánh nhìn nhưng không mất đi tầm nhìn, có thể không đi nhanh nhưng những bước đi chậm và chắc vẫn hướng về đích thành công”.