Việc điều tiết đội ngũ nhà giáo nên giao cho ngành giáo dục

Cho rằng việc quản lý biên chế có điểm bất cập, còn chồng chéo giữa cơ quan nội vụ và giáo dục, ông Vừ A Bằng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên đề nghị giao thẩm quyền cho sở giáo dục và đào tạo (GDĐT) chủ trì quản lý nhà giáo trên địa bàn cấp tỉnh; trường hợp cần thiết phải điều tiết nhà giáo trên phạm vị toàn quốc thuộc thẩm quyền của Bộ GD-ĐT.

Theo ông Vừ A Bằng, trước yêu cầu nhiệm vụ đổi mới toàn diện giáo dục và nhằm khắc phục những khó khăn chung, từng bước xây dựng cho được nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ phát triển và đổi mới đất nước như hiện nay, thì rất cần phải phát huy tối đa sức mạnh của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục và đào tạo. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến chất lượng, đạo đức nghề nghiệp, tính chủ động, sáng tạo… tính thực tiễn của mỗi cán bộ giáo viên cũng như nhà quản lý giáo dục.

Tuy nhiên, qua thực tế quản lý giáo dục tại địa phương, ông Bằng cho rằng, công tác quản lý Nhà nước về nhà giáo còn một số hạn chế, bất cập. Cụ thể, việc quản lý Nhà nước đối với nhà giáo hiện nay được thực hiện bởi nhiều luật (Luật Công chức, Luật Viên chức, Luật Giáo dục, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Lao động...) dẫn đến khó khăn trong quá trình nghiên cứu, triển khai và tổ chức thực hiện ở cơ sở. Một số văn bản không quy định rõ khái niệm, phạm vi điều chỉnh, đối tượng điều chỉnh.

Ông Vừ A Bằng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên.

Ông Vừ A Bằng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên.

Việc quản lý biên chế còn chồng chéo giữa cơ quan nội vụ và giáo dục. Ngành giáo dục được giao tổng biên chế trong khi thẩm quyền tuyển dụng lại thuộc cơ quan nội vụ. Theo quy định phân cấp hiện nay, sở GD-ĐT trực tiếp quản lý đội ngũ cán bộ, viên chức giáo viên và học sinh cấp THPT, các trường PTDT nội trú THPT trên địa bàn, các cấp học còn lại trực thuộc chức năng nhiệm vụ phòng GD-ĐT cấp huyện do UBND cấp huyện trực tiếp quản lý.

Do đó, ngành giáo dục không chủ động được việc phân bổ, điều động, bố trí sử dụng (tuyển dụng, biệt phái…) biên chế giáo viên, nhất là giáo viên thuộc cấp học THCS, tiểu học, giáo dục mầm non để thực hiện nhiệm vụ hằng năm giữa các địa phương trong tỉnh. Ví dụ; trường mầm non A, thuộc huyện B năm học 2024-2025 thiếu giáo viên, nhưng ngành không thể điều động hay luân chuyển được đội ngũ giáo viên mầm non của huyện C tăng cường, do thẩm quyền quản lý, cũng như chính sách do phòng GD-ĐT và UBND huyện C quản lý.

Việc tinh giản biên chế không gắn với các chỉ tiêu như; quy mô tăng dân số, quy mô số trường, số lớp mà thực hiện cắt giảm cơ học là chưa phù hợp với điều kiện thực tế các tỉnh miền núi, ngoài ra có thời điểm với những nguyên nhân khách quan như; Tăng dân số cơ học do di dịch cư tự do… mặt khác đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa vùng biên giới, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao và không có khả năng thành lập các trường ngoài công lập như tỉnh Điện Biên gây ra nhiều khó khăn trong công tác bố trí, sắp xếp, điều động đội ngũ giáo viên theo định mức, theo chuyên môn đào tạo khi thực hiện yêu cầu tuyển dụng theo quy định mới.

Nhiều cơ sở giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn không đảm bảo tỷ lệ giáo viên/lớp theo quy định của Bộ GD-ĐT. Hiện nay tỉnh Điện Biên còn thiếu 2008 giáo viên, trong đó: giáo viên mầm non: 980; giáo viên tiểu học: 533; giáo viên trung học cơ sở: 233; giáo viên trung học phổ thông: 262.

Số lượng cấp phó trong các cơ sở giáo dục quy định tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP đối với các trường chuyên biệt, trường liên cấp, trường có nhiều lớp học, trường có nhiều điểm trường còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ quản lý đơn vị như (công tác trực quản lý nội trú, nuôi dưỡng học sinh, phụ trách chuyên môn, cơ sở vật chất, công đoàn, công tác đoàn đội nhà trường theo cấp học liên cấp, phụ trách điểm trường…).

Chưa quy định rõ định mức số lượng công chức thuộc các phòng GD-ĐT, do đó, việc bố trí biên chế công chức đối với các phòng GD-ĐT phụ thuộc vào chỉ tiêu giao của UBND các huyện, hiện nay trung bình chỉ được bố trí từ 4-7 biên chế, trong khi khối lượng công việc quản lý tại phòng GD-ĐT là rất lớn nên việc triển khai thực hiện nhiệm vụ gặp rất nhiều khó khăn, các địa phương đều phải linh hoạt với các giải pháp trưng tập thực hiện hoàn thành nhiệm vụ chung.

Luật viên chức 2010 (được sửa đổi năm 2019) quy định hợp đồng làm việc không xác định thời hạn áp dụng đối với người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Khi chuyển công tác ra khỏi vùng này thì phải ký kết lại hợp đồng làm việc xác định thời hạn (không quá 60 tháng), do vậy chưa khuyến khích được viên chức lên công tác và cống hiến cho vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Điểm trường Mầm non bản Hô Huổi Luông, thuộc Trường Mầm non Bản Lé, thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên.

Điểm trường Mầm non bản Hô Huổi Luông, thuộc Trường Mầm non Bản Lé, thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên.

Từ những bất cập, hạn chế đặt ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên đề xuất, xem xét việc phân cấp quản lý đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đảm bảo sự thống nhất trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo từ trung ương đến địa phương. Trong đó, giao thẩm quyền cho Sở GD-ĐT chủ trì quản lý nhà giáo trên địa bàn cấp tỉnh, cơ cấu lại tổ chức, tăng số lượng biên chế quản lý Nhà nước cho phòng GD-ĐT cấp huyện; trường hợp cần thiết phải điều tiết nhà giáo trên phạm vị toàn quốc thuộc thẩm quyền của Bộ GD-ĐT.

Nghiên cứu để đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách đào tạo giáo viên nhằm đảm bảo tính đồng bộ, chất lượng hiệu quả (đầu vào, đầu ra), tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương thực hiện đặt hàng đào tạo với các cơ sở đào tạo giáo viên, nhất là giáo viên các chuyên ngành như tin học, ngoại ngữ, âm nhạc...

PV/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/viec-dieu-tiet-doi-ngu-nha-giao-nen-giao-cho-nganh-giao-duc-post1134263.vov
Zalo