Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số
Thực hiện nhất quán chính sách dân tộc 'Bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau cùng phát triển', Đảng, Nhà nước luôn coi trọng giáo dục, đạo tạo là quốc sách hàng đầu; là một điều kiện cơ bản bảo đảm việc thực hiện những mục tiêu kinh tế - xã hội, xây dựng, bảo vệ đất nước nói chung, vùng dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng.
Thể chế hóa các đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước
Từ thời kỳ đổi mới đến nay, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo, tạo điều kiện cho giáo dục, đào tạo đi trước làm nền móng vững chắc phục vụ đắc lực sự phát triển kinh tế - xã hội ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Kết luận số 65/KL-TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị khóa XII nêu rõ: “Nâng cao chất lượng công tác giáo dục và đào tạo đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Giữ vững và phát huy thành quả xóa mù chữ, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở. Nâng cao chất lượng và mở rộng hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú; hỗ trợ việc ăn, ở cho học sinh, sinh viên vùng địa bàn đặc biệt khó khăn. Đổi mới phương thức tuyển sinh theo hướng cử tuyển, chế độ dự bị đại học, đào tạo nghề cho đối tượng người dân tộc thiểu số; có cơ chế chăm lo đời sống cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”.
Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh “Quan tâm thích đáng đến phát triển giáo dục ở miền núi, vùng cao, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số... Có chính sách đầu tư đặc thù cho vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.
Trải qua mỗi kỳ Đại hội, trên cơ sở những thành tựu lý luận và thực tiễn đã đạt được, các văn kiện của Đảng về giáo dục và đào tạo ngày càng chú trọng hơn tới tính vùng miền trong đề xuất chủ trương, bám sát thực tiễn phát triển giáo dục nhằm đề ra các quyết sách phù hợp, bảo đảm hiệu quả, khả thi trong quá trình triển khai. Đến nay, hệ thống văn bản quy phạm, pháp luật ngày càng đồng bộ, tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy giáo dục và đào tạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi phát triển.
Cụ thể, Điều 61 của Hiến pháp năm 2013 quy định “Nhà nước ưu tiên phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”.
Luật Giáo dục năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục năm 2009 có một số điều khoản quy định chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Chính phủ đã ban hành 42 văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục dân tộc thiểu số và miền núi hoặc có liên quan đến giáo dục dân tộc thiểu số và miền núi như: Nghị định số 116/2016/NĐ-CP, ngày 18/7/2016 của Chính phủ “Quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông xã, thôn đặc biệt khó khăn”; Quyết định số 159/2002/QĐ-TTg ngày 15/11/2002 về việc “Thực hiện Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học mầm non và phổ thông. Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt Chương mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, trong đó triển khai thực hiện Dự án 5 về phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…
Từng bước khẳng định chất lượng giáo dục, đào tạo
Với các chủ trương, chính sách nêu trên, công tác giáo dục và đào tạo ở vùng dân tộc thiểu số đã đạt được những kết quả quan trọng từ bậc học giáo dục mầm non đến bậc học Trung học phổ thông, đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào các dân tộc thiểu số và tăng cường đội ngũ cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số.
Hệ thống cơ sở giáo dục từ mầm non đến trung học phổ thông được củng cố và phát triển. Theo kết quả Điều tra 53 dân tộc thiểu số năm 2019, cả nước có gần 21,6 nghìn trường học và 26,5 nghìn điểm trường vùng dân tộc thiểu số. Tỷ lệ trường và điểm trường kiên cố tăng dần theo các cấp học từ mầm non đến trung học phổ thông.
Hệ thống chính trị các cấp đã quan tâm chỉ đạo xây dựng trường Mầm non, cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển về thể chất, tình cảm, nhận thức xã hội và thẩm mỹ cho trẻ em vùng dân tộc với tổng số 6,4 nghìn trường và gần 10,9 nghìn điểm trường. Cấp trung học cơ sở có 4,1 nghìn trường và 646 điểm trường. Hệ thống trường cấp trung học phổ thông có 884 trường và 64 điểm trường.
Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú với 314 trường và bán trú 1.097 trường, với tỷ lệ trường kiên cố đạt hơn 93%, trong đó đáng chú là có 15 trường phổ thông dân tộc nội trú tại khu vực các xã vùng biên giới với tỷ lệ trường học và phòng học kiên cố đạt 100% đã góp phần tăng cơ hội đến trường của trẻ em, nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số.
Đội ngũ giáo viên là người dân tộc thiểu số tăng cả số lượng và chất lượng. Theo Tổng cục thống kê, có khoảng gần 525 nghìn giáo viên đang giảng dạy tại các trường học và điểm trường vùng dân tộc thiểu số với hơn một phần tư số giáo viên là người dân tộc thiểu số và gần một phần năm số giáo viên là nữ người dân tộc thiểu số.
Đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục được hưởng nhiều chính sách ưu đãi gồm: phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thu hút, phụ cấp thâm niên vượt khung, trợ cấp chuyển vùng, trợ cấp học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Các chương trình dạy tiếng dân tộc cho học sinh dân tộc thiểu số bước đầu được quan tâm nhằm giữ gìn, bảo tồn tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số.
Tại 23 tỉnh, thành phố có đông đồng bào dân tộc thiểu số đang triển khai dạy và học 8 thứ tiếng dân tộc thiểu số, gồm: Tiếng Mông, Chăm, Khmer, Gia Rai, Bana, Êđê, Mnông, Thái. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã biên soạn một số sách giáo khoa dạy chữ viết dân tộc như: Khmer, Mông, Mnông, Bana, Êđê, Chăm, Hoa...
Tỷ lệ huy động học sinh ra lớp ngày càng cao, chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên. Tình hình biết đọc, biết viết chữ phổ thông người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên chiếm 80,9%. Các dân tộc thiểu số có tỷ lệ biết đọc, biết viết chữ phổ thông cao như dân tộc Ngái (96,5), Sán Dìu (95,7), Mường (95,5%), Tày (94,9%), Thổ (94,9%), Hoa (91,0%), Nùng (90,0%).
Ngoài ra, các chính sách cho học sinh, sinh viên vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn đang được thực hiện có hiệu quả.
Theo thống kê của Ủy ban Dân tộc, hiện cả nước có 5 trường đào tạo dự bị đại học đã tạo điều kiện cho con em đồng bào dân tộc thiểu số được cử tuyển đi học các trường đại học, cao đẳng, trung cấp.
Các trường thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo nhân lực có chất lượng cho các địa phương vùng dân tộc thiểu số; trên 50% học sinh của các trường này thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng; 5% học cử tuyển; 13% vào dự bị đại học; 20% học trung cấp chuyên nghiệp, học nghề; số ít còn lại tham gia công tác và lao động sản xuất ở địa phương; đã có 51/53 dân tộc thiểu số có học sinh cử tuyển đi học đại học; học sinh là người dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn được hỗ trợ phí ăn, ở, học tập nên tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số ngày càng tăng, đáp ứng tốt hơn nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Nhờ triển khai tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục, đào tạo, thu hút, tuyển dụng, sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số nên số lượng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số ngày càng tăng cả số lượng và chất lượng với khoảng gần 70 nghìn biên chế là người dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 11,68% so với cả nước.
Theo kết quả báo cáo giám sát của Hội đồng Dân tộc tại các bộ, ngành và 36 địa phương, số cán bộ công chức, viên chức người dân tộc thiểu số được đào tạo về chuyên môn có 17.598 người (toàn quốc là 374.263 người), chiếm tỷ lệ 4,7%; đào tạo về lý luận chính trị: 14.381 người (toàn quốc là 476.225 người), chiếm tỷ lệ 3%; đào tạo về quản lý nhà nước: 7.368 người (toàn quốc là 77.927 người), chiếm tỷ lệ 9,45%; đào tạo về kỹ năng nghiệp vụ: 35.457 người (toàn quốc là 415.867 người), chiếm tỷ lệ 8,52%; đào tạo, bồi dưỡng khác: 36.648 người (toàn quốc là 219.940 người), chiếm tỷ lệ 16,67%; đào tạo ở nước ngoài: 99 người (toàn quốc là 2.989 người), chiếm tỷ lệ 3,3%”, đã góp phần thúc đẩy sự nghiệp phát triển chính trị, kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh, trật tự vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn cả nước, tạo nền tảng thực hiện bình đẳng giữa các dân tộc.
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chiếm 3/4 diện tích tự nhiên cả nước với địa bàn, diện tích rộng, địa hình chia cắt, độ dốc lớn, khí hậu khắc nghiệt, giao thông đi lại khó khăn. Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 14,6% dân số cả nước, dân cư phân tán, đời sống đồng bào còn nhiều khó khăn. Những khó khăn, đặc thù về tự nhiên, kinh tế - xã hội có tác động, ảnh hưởng không nhỏ tới việc phát triển giáo dục và đào tạo.
Đầu tư nguồn lực giáo dục phù hợp với thực tiễn địa bàn
Để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo ở vùng dân tộc thiểu số, trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần tập trung vào các giải pháp sau:
Một là, tăng nguồn đầu tư cho công tác phát triển giáo dục và đào tạo; phối hợp đồng bộ giữa chính sách với thực thi chính sách, giữa hoạt động giáo dục, đào tạo của các bộ, ngành liên quan.
Hai là, hoàn thiện chính sách đào tạo đội ngũ giáo viên là người dân tộc thiểu số có trình độ cả về sư phạm và kiến thức cho từng vùng, từng dân tộc. Xây dựng chế độ đãi ngộ và sử dụng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục phù hợp với yêu cầu thực tiễn để họ yên tâm với nghề nghiệp, gắn bó với địa phương. Đồng thời, tăng cường việc bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số; đổi mới sinh hoạt chuyên môn, chú trọng hình thức sinh hoạt chuyên môn theo cụm, khối, tổ, nhóm, tập trung và qua mạng Internet.
Ba là, đổi mới các chính sách giáo dục ở các cấp, mở rộng việc dạy và học ngôn ngữ dân tộc thiểu số trong các trường phổ thông; đổi mới, nâng cao hiệu quả các chính sách cử tuyển dành cho con em các dân tộc thiểu số vào học tại các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp; mở rộng các khoa dự bị đại học trong các trường đại học cho người dân tộc thiểu số; xây dựng chính sách hỗ trợ phù hợp cho học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số theo từng cấp học, ưu tiên cho vùng đặc biệt khó khăn.
Bốn là, đa dạng hóa, phát triển nhanh các loại hình đào tạo, bồi dưỡng, dạy nghề ở vùng dân tộc thiểu số; ưu tiên đào tạo vừa học vừa làm; đưa chương trình dạy nghề vào các trường dân tộc nội trú; phát triển các loại mô hình trường dạy nghề gắn với các doanh nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương, trong đó ưu tiên đào tạo con em đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Tăng quy mô huy động trẻ ra lớp ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cũng như nghiên cứu phát triển mô hình trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Năm là, tiếp tục rà soát, quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục, đào tạo, thực hiện kiên cố hóa, chuẩn hóa cơ sở vật chất trường, lớp học ở tất cả các cấp học, đặc biệt ưu tiên đầu tư xây dựng trường học mới cho các xã chưa có trường mầm non; chú trọng đầu tư cơ sở vật chất các điểm trường lẻ; ưu tiên phân bổ tài chính chi thường xuyên, kinh phí đầu tư và các chương trình, dự án hỗ trợ cho các tỉnh thường xuyên chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai gây ra.