Những người thầy không đi qua đời chúng tôi
Vậy là, đã hơn 2 tuần thầy Phan Đăng, chủ nhiệm lớp Văn K10, Trưởng Khoa Văn trường Đại học Tổng hợp Huế (nay là trường Đại học Khoa học, Đại học Huế) của chúng tôi ngày ấy đã về với các bậc tiền nhân. Đồng liêu của chúng tôi, đã viếng thầy bằng những lời tim gan, với những giá trị cả về nhân văn lẫn thành tựu khoa học. Riêng tôi, nhớ nhất một kỷ niệm nhỏ.
Một ngày mưa Huế, tôi và Lê Đức Dục đến thăm thầy. Ngôi nhà giản dị nằm ở bờ Nam sông An Cựu. Đón hai thằng học trò gầy guộc và đều là cán bộ lớp, thầy lộ vẻ lo lắng: "Có chuyện chi rứa hai đứa?". Thấy hai thằng trò cứ đứng gãi đầu, thầy thở phào: "Vào đây. Đúng dịp… Đợi vịt lộn chín, thầy trò mình…".
Thưở ấy, đa số thầy cô giảng viên đại học như thầy đều khó khăn, phải kiêm thêm việc này việc nọ để trang trải. Riêng nhà thầy Phan Đăng có "tăng gia" 2 lò ấp trứng lộn. Thấy chúng tôi "ngợp" trước rổ trứng mấy chục quả bốc khói, thầy trấn an: "Thầy trò mình chỉ dám dùng mấy quả trứng vỡ. Hai đứa cứ tự nhiện, đừng ngại". Riêng tôi, mới biết tên "trứng lộn" chứ chưa từng nếm thử, nên ấp úng: "Dạ em không ăn được". Thoáng chút ngạc nhiên, mắt thầy cười hiền: "Thôi để thầy lấy phần lòng đỏ cho. Chỗ đó dễ ăn hơn". Nể tình của thầy, tôi cũng chỉ "dám" dùng 2 lòng đỏ. Mắt thầy lại thoáng chút ưu tư. Và sắc diện ấy chưa tan khi dõi theo 2 thằng học trò gò lưng đạp xe ra về, dưới mưa.
Đó không là trường hợp riêng biệt. Còn nhiều biểu hiện tình cảm mà thầy Phan Đăng với trách nhiệm là chủ nhiệm lớp 2 năm học, và sau này là Chủ nhiệm Khoa, dành cho học trò. Tôi nhớ, còn có chuyện các thầy lãnh đạo Khoa gọi Lê Đức Dục và tôi lên để "tra" về trường hợp một thành viên trong lớp tham gia đêm thơ có chi tiết hơi "ảm đạm" bị cơ quan chức năng "soi", thầy kiên quyết bảo vệ học trò đến cùng bằng lý lẽ, phản biện thuyết phục. Nhờ thế, bạn học ấy nói riêng và lớp chúng tôi ngày ấy "tai qua nạn khỏi".
Thầy Phan Đăng cũng không phải là trường hợp riêng biệt. Những thầy, cô của chúng tôi ngày ấy không chỉ là một trời kiến thức mà còn một biển tình cảm. Những sinh viên "cái ông đi học" như chúng tôi thừa khôn lỏi để "lợi dụng". Là thầy Nguyễn Đình Thảng, bậc hiền nho đáng kính cứ mỗi khi phòng học tối hay mưa tạt ướt là cho trò nghỉ, bởi "hại mắt, hại thân, học cả đời chứ không phải một vài tiết của thầy". Bởi thế, nhiều khi ai đó lén mở cửa để mưa tạt, y rằng bữa đó thầy… cho nghỉ. Là thầy Nguyễn Xớn, cứ thấy mấy thằng trò lò dò trước cửa nhà là biết tỏng rằng "tụi bây đói chứ chi", rồi lục lọi chút gì đó "cay cay", "đạm đạm" ra đãi trò. Là cô Thuyết, cô Đào, thầy Phong, thầy Hà, thầy Dũng…
Cái thói xấu mà sinh viên chúng tôi ngày ấy hay mắc phải là ngủ nướng. Rét, ngủ. Mưa, ngủ. Đói, càng ngủ. Một trong những nguyên nhân chính là để đỡ… tiêu hao năng lượng! Mà mưa và rét Huế là đáng bậc nỗi niềm, là địch của cái dạ dày sinh viên. Thầy Nguyễn Đình Thảng và thầy Phan Đăng "ghét" nhất điều đó nên thường ghé thăm cư xá bất thường. Thầy lôi đầu đứa nào "ngủ ngày" dậy, thuyết cho một hồi rằng, bố mẹ tốn cơm áo cho các trò theo cái chữ là để trui rèn kiến thức chứ không phải kiến… ngủ. Và các trò đó, hôm sau gặp tiết các thầy bao giờ cũng phải tỉnh ngủ khi nghe "Th, lên bảng". Ph…, lên bảng"!
Công bằng mà nói, Văn K10 chúng tôi ngày đó hiền là chính. Có hơi ngông một chút nhưng vừa phải. Nhưng, để "rèn" chúng tôi tự học không dễ. Vậy mà bất ngờ thay, trừ vài ba chi tiết "lặt vặt", hầu hết đều "thuần phục" dưới hơi ấm từ thầy cô truyền cho. Đó là một trong những thành công đúng nghĩa của "dạy".
Thành công của người thầy không chỉ nằm ở tự thân, kể cả học hàm, học vị. Công trạng lớn nhất của người thầy được đo đếm bằng chính thành công của học trò, cả tài lẫn đức. Điều mà thế hệ chúng tôi học được ngày ấy ở những người thầy Nguyễn Đình Thảng, Phan Đăng, Nguyễn Hữu Hòa, Lương Ngọc Bính là sự nghiêm túc trong thu nạp kiến thức, tính trung trực ở đời và đạo làm người suốt quá trình sống, làm việc. Văn học là nhân học. Lớp Văn khoa chúng tôi ngoài kiến thức, còn học ở thầy cô, đặc biệt là thầy Nguyễn Đình Thảng, thầy Phan Đăng chính bằng sự kiên trì và mang cái sự học cống hiến cho đời đến những giây phút cuối đời.
Bây giờ, nhiều thầy cô đã về miền mây trắng. Nhưng những trang sách, con chữ của thầy, cô vẫn sống với đời, với văn chương và trên chính hành trình của lứa học trò chúng tôi. Đức, tài của các thầy, cô còn nhắc nhở chúng tôi, rọi soi cho chúng tôi luôn nhớ về lớp lớp thế hệ "đưa đò" của chúng tôi trước đó, trực tiếp và gián tiếp. Với riêng tôi là những cô Lộc, thầy Sơn, cô Liên, thầy Hùng ở trường làng miền núi xa lắc xa lơ với những chiếc áo, bữa cháo, đồng tiền lén nhét vào túi trò mỗi khi "mang chuông đi đánh ở phố". Là các cô Dung, cô Tuyết, thầy Tú ở thời trung học, thương thằng học trò nghèo ra Huế học, định "hùn" mua xe đạp tặng… Là cô Thuyết ở Sở Giáo dục -Đào tạo Quảng Nam- Đà Nẵng ngày ấy, không biết nghe từ đâu mà muốn nhận thằng trò lạ như tôi làm con nuôi để "giảm tải" nỗi lo về cái ăn, chốn ở…
Rất, rất nhiều những thầy cô đã ở lại trong tôi và các bạn tôi như thế, không "đi qua" dù đầy ắp biến cố đời thường.
Bằng tất cả ấm áp, sự tôn kính và ngưỡng vọng!