Từng định bỏ học, một câu nói của nữ tiến sĩ đã thay đổi cuộc đời tôi

Sau này, gặp không ít học sinh có khó khăn khi học Toán, tôi vẫn thường nói lại lời của cô năm nào: 'Hãy trả lời thành thật, em có thực sự muốn học không? Nếu em muốn, thầy hứa sẽ hỗ trợ hết mình'.

Lời tòa soạn:

Có những câu chuyện về thầy cô lặng thầm nhưng mãi lưu giữ trong trái tim mỗi chúng ta - từ lời khuyên nhủ ân cần, ánh mắt động viên đến những bài học giản dị, ý nghĩa. Nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, VietNamNet trân trọng giới thiệu đến bạn đọc diễn đàn “Chuyện giản dị về người thầy” - để chia sẻ những kỷ niệm sâu sắc, những trải nghiệm không thể nào quên với những 'người lái đò'.

Chỉ còn mấy ngày nữa là đến ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tôi lại nhớ về các thầy, cô giáo tôi may mắn được theo học từ ngày đầu tiên tới trường cho đến những tháng năm ngồi trên giảng đường đại học.

Mỗi thầy, mỗi cô giáo đều để lại trong tôi những ấn tượng về phong cách giảng dạy, sự quan tâm và chia sẻ với học trò. Những kiến thức các thầy cô truyền đạt năm xưa đã “rơi rớt” ít nhiều qua năm tháng, nhưng có một điều chắc chắn khắc ghi trong tâm trí tôi cho đến giờ và mãi sau này - là sự tận tâm của thầy cô với học trò dù thời gian đó cuộc sống còn bộn bề khó khăn, vất vả và thiếu thốn đủ đường.

Vì những lý do cá nhân, tôi thi vào đại học muộn 5 năm so với các bạn cùng trang lứa. Khóa tôi thi đỗ năm đó, có rất nhiều bạn (hầu như ít hơn tôi 5 tuổi) là học sinh chuyên Toán, không ít người từng đoạt giải quốc gia, quốc tế. Được học cùng các “ông em” là một may mắn nhưng cũng là thử thách quá lớn với tôi.

Chương trình đại học năm thứ nhất lạ lẫm với tôi, nhưng với các bạn ấy “nhẹ như lông hồng”. Không hiểu bài giảng trên lớp, cộng nhiều lý do khác, tôi gần như mất phương hướng, chán nản, không còn nghị lực phấn đấu. Tình trạng đó kéo dài hơn một năm, tôi tưởng như không thể gượng dậy và đã có ý định bỏ học.

Tiến sĩ Phạm Thị Oanh (thứ 2 từ phải sang) bên các học trò cũ khoa Toán - Cơ - Tin học, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) trong dịp 20/11.

Tiến sĩ Phạm Thị Oanh (thứ 2 từ phải sang) bên các học trò cũ khoa Toán - Cơ - Tin học, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) trong dịp 20/11.

Giáo viên chủ nhiệm lớp tôi năm 2 là cô Phạm Thị Oanh, tiến sĩ ngành Cơ học của khoa Toán - Cơ - Tin học, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội - hồi đó còn gọi là Đại học Tổng hợp).

Đang lúc tôi bế tắc, cô chủ động tìm gặp và nói tôi đến nhà cô để trao đổi. Hôm tôi đến, sau khi chăm chú lắng nghe tôi trình bày hết tâm tư nguyện vọng cũng như hoàn cảnh, cô nói ngắn gọn: "Chỉ cần anh muốn, cô sẽ giúp anh vượt qua giai đoạn khó khăn này".

Sở dĩ cô gọi tôi là "anh" là bởi tôi lớn tuổi hơn rất nhiều bạn trong lớp. Một câu nói tưởng như rất đơn giản nhưng tôi hiểu cô đã gửi vào đó thông điệp ý nghĩa: "Trong cuộc đời này, phải tự mình nỗ lực là chính, nếu bản thân không muốn phấn đấu, mọi sự giúp đỡ đều trở nên vô nghĩa". Cũng giống như một bệnh nhân, phải có ý thức và quyết tâm chữa bệnh thì mọi hỗ trợ về chuyên môn của bác sĩ mới có hy vọng giúp khỏi bệnh.

Sau khoảng một tháng, nhờ được cô tận tâm chỉ dẫn, tôi đã nắm được kiến thức cơ bản của 5 môn cơ sở, thi trả nợ đủ số đơn vị học trình, lấy lại hứng thú và quyết tâm trong học tập như mình từng có trong mấy tháng ôn thi vào đại học sau 5 năm rời mái trường phổ thông. Với tôi, cô không chỉ là một nhà giáo, một tiến sĩ ngành Cơ học, cô còn là tấm gương về nghị lực phấn đấu từ cuộc sống cá nhân, là nguồn cảm hứng giúp tôi quyết định và vững tâm theo đuổi công việc dạy học tự do suốt mấy chục năm qua.

Sự tận tâm đến mức coi sinh viên như con cháu của cô, không chỉ mình tôi cảm nhận mà nhiều bạn trong lớp cũng được “hưởng lợi”. Có một câu chuyện mấy chục năm rồi, chúng tôi vẫn “ôn đi, ôn lại”. Đó là dịp sắp kết thúc năm học cuối, một số sinh viên do mải mê đi làm nên bị “nợ môn” và ai cũng biết nếu không “trả nợ” sẽ không được lấy bằng.

Đến hôm khoa tổ chức thi lại, gần tới giờ thi rồi, cô điểm danh và phát hiện còn thiếu hai “ông tướng”. Không có xe đạp vì nhà sát trường và ngày ngày 'cuốc bộ' tới dạy, cô đã chạy gần 2km để tìm hai trò. Khi đến nơi trọ, cô gọi mãi mới được vì hai "ông" còn đang… ngủ.

Cô giáo Phạm Thị Oanh và con gái tác giả khi anh đưa con tới thăm cô ngày 20/11/2023.

Cô giáo Phạm Thị Oanh và con gái tác giả khi anh đưa con tới thăm cô ngày 20/11/2023.

Cuộc đời mỗi người, ít nhiều đều có những ngã rẽ của định mệnh, thật may mắn trong ngã rẽ đó, tôi như đã có cô “đứng chờ” để chỉ đường, dẫn lối. Cho đến những tháng năm sau này, gặp không ít học sinh có khó khăn khi học Toán, tôi vẫn thường nói với các em: "Hãy trả lời thành thật là em có thực sự muốn học không? Nếu em muốn, thầy hứa sẽ hỗ trợ hết mình". Tôi tin rằng, có không ít học trò cũ đã vượt qua được khó khăn nhờ sự quyết tâm phấn đấu sau khi trả lời câu hỏi đó của tôi.

Tất nhiên, để hiểu sâu sắc câu hỏi đó, với các em ở độ tuổi học sinh phổ thông, rõ ràng là chuyện không dễ dàng.

Một câu nói đúng và phù hợp rất có thể sẽ góp phần thay đổi số phận một con người. Thật may mắn, câu nói năm nào của cô - một NHÀ GIÁO viết hoa với đầy đủ ý nghĩa của sự tử tế - đã giúp tôi thay đổi được hoàn cảnh. Tận đáy lòng mình, cho đến hiện tại và mãi mãi sau này, em chỉ biết nói “Cảm ơn cô rất nhiều”, và cách tốt nhất để đáp lại tấm lòng của cô cũng như nhiều thầy, cô giáo em từng theo học là sẵn sàng giúp đỡ người khác vô điều kiện trong khả năng của mình.

Nguyễn Minh Toàn (SV khoa Toán - Cơ - Tin học khóa 37, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc Gia Hà Nội)

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/tung-dinh-bo-hoc-mot-cau-noi-cua-nu-tien-si-da-thay-doi-cuoc-doi-toi-2341779.html
Zalo